Thông tư 30 của Bộ Y tế:: Không cấm kinh doanh thức ăn đường phố

14:41, 15/01/2013
|

(VnMedia) - Hiện nay, việc kinh doanh thức ăn đường phố tại các thành phố đã trở nên khá quen thuộc và phổ biến. Tuy nhiên, chất lượng của những quán, hàng rong này dường như hiện nay vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ.

 Ảnh minh họa

 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong chương trình
“Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" ngày 13/1.


Trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời,” Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: “Không thể một sớm một chiều để giải quyết thức ăn đường phố, song Bộ cũng sẽ không để tình trạng buông lỏng, thả và sẽ quyết liệt để không còn tồn tại những hiện tượng như quán cóc nằm ngay trên cống thoát nước, một xô nước rửa hàng trăm cái bát, hàng trăm đôi đũa.”

Bộ trưởng Tiến cho hay, thức ăn đường phố giá cả phải chăng, dễ tiếp cận, giải quyết việc làm cho một bộ phận người dân. Bên cạnh đó, hiện tượng thức ăn đường phố không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cũng khá phổ biến, ẩn chứa nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao và có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của người dân. Vì vậy, việc kinh doanh thức ăn đường phố phải đảm bảo những điều kiện tối thiểu về an toàn vệ sinh.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, không phải đến Thông tư 30 mới có các quy định về thức ăn đường phố. Trước đây, vấn đề này cũng đã được quy định nhưng chưa cụ thể như trong Thông tư 30, đồng thời khẳng định Thông tư 30 ra đời không có nghĩa là cấm việc kinh doanh trên đường phố.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, cũng như Luật An toàn thực phẩm, Thông tư 30 phân cấp cho chính quyền địa phương ở xã, phường trực tiếp quản lý thức ăn đường phố. Hiện nay, chính quyền địa phương họ có rất nhiều lực lượng nhưng không thể một sớm một chiều để giải quyết thức ăn đường phố, nhưng đây là hành lang pháp lý cơ bản để tiến tới thức ăn đường phố phải đảm bảo an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe của người dân và chỉnh trang bộ mặt đô thị.

Thanh, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm

Về vấn đề thanh, kiểm tra thực phẩm trong dịp Tết sắp đến, Bộ trưởng Tiến cho hay, vừa qua Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn vừa đích thân thị sát một số địa điểm kinh doanh thực phẩm đã mở đầu cho một đợt tổng kiểm tra trên quy mô toàn quốc. Đây là 1 trong 3 hoạt động chính trong  tháng cao điểm an toàn thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán, được Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn phối hợp triển khai.

Theo đó, Bộ Y tế sẽ lập 8 đoàn thanh tra, kiểm tra của Trung ương đi kiểm tra tại 24 tỉnh thành có nguy cơ cao về mất an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời tất cả các tỉnh, thành phố cũng sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra từ tỉnh cho tới các xã, phường.  Các cơ quan chức năng sẽ tiến hành hàng ngàn cuộc thanh tra, kiểm tra với hàng trăm nghìn mẫu vật, từ đó đánh giá tương đối đầy đủ thực trạng an toàn thực phẩm, cảnh báo người dân và triển khai các giải pháp theo quy định của pháp luật để bảo đảm cho người dân có những bữa ăn an toàn trong dịp Tết.

Cũng trong tháng cao điểm này, các ngành chức năng sẽ triển khai Nghị định số 91/2012/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Theo đó, mức xử phạt cao nhất với hành vi vi phạm là 100 triệu đồng, cơ sở vi phạm có thể bị rút giấy phép kinh doanh, công khai thông tin về cơ sở vi phạm qua các phương tiện thông tin đại chúng… Đồng thời, các ngành chức năng sẽ đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về các quy định của pháp luật về an tòan thực phẩm cũng như cách thức để người dân lựa chọn các mặt hàng thực phẩm an toàn, có địa chỉ, có nhãn mác.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết,  ngành Y tế sẽ hướng tới xây dựng một đề án về "Bữa ăn an toàn" cho người dân. Để làm được điều này, phải có một quy trình kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, từ trang trại tới bàn ăn, từ nuôi trồng, chế biến đến kinh doanh, phân phối…, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều bộ ngành.

Bộ Y tế sẽ phối hợp với các bộ ngành, địa phương tiếp tục đưa ra thị trường những thương hiệu có tem an toàn thực phẩm. “Theo quy luật, những sản phẩm không an toàn sẽ bị đào thải nếu người dân có địa chỉ để lựa chọn những sản phẩm chất lượng, an toàn”, bà Tiến nói. 

Quy định về điều kiện an toàn thực phẩm

Để khắc phục tình trạng trên, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 30/2012/TT-BYT quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố. Thông tư trên sẽ có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 01 năm 2013.

Theo thông tư quy định, một số tiêu chuẩn mà người bán thức ăn đường phố sẽ phải tuân thủ như:

Cơ sở bố trí ở địa điểm cách xa các nguồn ô nhiễm.

Nơi chế biến, nơi bán thức ăn sẵn, thực phẩm chín phải sạch sẽ, thoáng mát, tách biệt nhau để dễ vệ sinh và không gây ô nhiễm cho môi trường xung quanh.

Có đủ dụng cụ chế biến, chia, gắp, chứa đựng, bảo quản thức ăn ngay, thực phẩm chín và phải được rửa sạch, lau khô trước khi sử dụng; trang bị găng tay sử dụng một lần khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn ngay, thực phẩm chín; vật liệu, bao gói thức ăn ngay, thực phẩm chín phải bảo đảm an toàn thực phẩm.

Nguyên liệu dùng để chế biến, thức ăn ngay, thực phẩm chín phải có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, bảo đảm an toàn theo quy định; chỉ sử dụng phụ gia thực phẩm trong danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng do Bộ Y tế ban hành.

Thức ăn ngay, thực phẩm chín phải được để trong tủ kính, thiết bị bảo quản hợp vệ sinh, chống được ruồi nhặng, bụi bẩn, côn trùng, động vật gây hại và phải cao hơn mặt đất ít nhất 60cm.

Cơ sở phải có đủ dụng cụ chứa đựng rác thải và được chuyển đi trong ngày; nước thải được thu gom vào hệ thống cống rãnh công cộng và không được gây ô nhiễm môi trường.

Người kinh doanh thức ăn đường phố phải được tập huấn và được cấp Giấy xác nhận tập huấn kiến thức ăn toàn thực phẩm theo quy định; phải được khám sức khoẻ và cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện sức khoẻ theo quy định…


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc