Lưu ý khi tiêm vắc xin Sởi – Rubella

06:40, 09/09/2014
|
(VnMedia)  Sởi - Rubella là bệnh truyền nhiễm do vi rút sởi gây ra, bệnh rất dễ lây và gây thành dịch. Bệnh sởi và rubella không có thuốc điều trị đặc hiệu. Tiêm vắc xin sởi-rubella là cách tốt nhất để chủ động phòng bệnh sởi, rubella.

 Ảnh minh họa

 Tiêm vắc xin sởi-rubella là cách tốt nhất để chủ động phòng bệnh sởi, rubella. Ảnh minh họa.


Vậy tiêm vắcxin Sởi – Rubella cần chú ý điều gì?

Các phản ứng sautiêm vắc xin Sởi – Rubella

Các phản ứng nhẹ có thể gặp là:
- Vắc xin Sởi có thể gây ra sưng đau nhẹ tại chỗ tiêm trong vòng 24 giờ sau tiêm chủng. Hầu hết các trường hợp tự khỏi trong vòng 2 - 3 ngày mà không cần chăm sóc y tế. Sốt nhẹ chiếm 5 - 15% sau khi tiêm và kéo dài trong 1 - 2 ngày. Phát ban xảy ra trong khoảng 2% người được tiêm, thường bắt đầu từ 7-10 ngày sau khi tiêm và kéo dài 2 ngày. Các tác dụng phụ nhẹ xảy ra ít hơn ở liều tiêm thứ 2. Viêm não đã được báo cáo sau khi tiêm vắc xin Sởi với tỷ lệ khoảng 1/1 triệu trường hợp tiêm mặc dù chưa chứng minh được mối liên quan.
- Vắc xin Rubella chủ yếu gây ra các dấu hiệu ở khớp như đau khớp (25%), viêm khớp (10%) ở trẻ vị thành niên và phụ nữ, thường kéo dài từ vài ngày đến 2 tuần. Phản ứng này rất hiếm ở trẻ em và ở nam giới tiêm vắc xin Sởi - Rubella (0 - 3%).
- Sốt nhẹ và phát ban, nổi hạch, đau cơ, dị cảm là những triệu chứng thường được báo cáo. 

Một số phản ứng nặng hiếm gặp:

- Giảm tiểu cầu là dấu hiệu rất hiếm với tỷ lệ báo cáo dưới 1/30.000 liều dùng.
- Sốc phản vệ cũng rất hiếm gặp. Vắc xin rất hiếm khi gây ra phản ứng dị ứng như nổi mề đay, ngứa, phát ban dị ứng trong vòng 24 giờ sau tiêm chủng.
- Các nghiên cứu cho thấy phản ứng của hệ thần kinh trung ương không liên quan trực tiếp đến vắc xin. 

Tiêm vắc xin Sởi – Rubella miễn dịch suốt đời?

Hầu hết các trường hợp có đáp ứng miễn dịch với Sởi, Rubella sau tiêm vắc xin và miễn dịch này là bền vững suốt đời.

Có nên tiêm vắc xin đối với người đã từng mắc Sởi hoặc Rubella?

- Những trường hợp đã được chẩn đoán xác định là mắc bệnh Sởi và Rubella thì không phải tiêm vắc xin Sởi - Rubella vì người mắc bệnh thường có miễn dịch bền vững với các bệnh này.
- Tuy nhiên, nếu chỉ mắc Sởi hoặc mắc Rubella hoặc chưa biết chắc chắn đã mắc các bệnh này thì việc tiêm vắc xin phối hợp Sởi - Rubella để phòng đồng thời 2 bệnh là cần thiết.

Tại sao phải tiêm hai liều vắc xin Sởi? 

- Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy nếu tiêm vắc xin Sởi vào lúc 9 tháng tuổi, chỉ có khoảng 85% trẻ được tiêm vắc xin có đáp ứng miễn dịch. Còn lại khoảng 15% số trẻ không có đáp ứng miễn dịch do các yếu tố như còn tồn lưu miễn dịch thụ động do mẹ truyền, hay hệ thống miễn dịch của trẻ chưa hoàn chỉnh...
- Việc tiêm mũi thứ hai vắc xin Sởi lúc 18 tháng tuổi là cơ hội để tạo miễn dịch cho những trường hợp chưa có đáp ứng miễn dịch sau tiêm mũi thứ nhất hoặc trẻ bị bỏ sót chưa được tiêm vắc xin Sởi, từ đó giúp tăng tỷ lệ trẻ có miễn dịch trong cộng đồng lên trên 95%. 

- Đối với vắc xin Rubella, hầu hết các nước trên thế giới thường dùng vắc xin Rubella phối hợp với vắc xin Sởi, vắc xin Quai bị.  

Đã đã tiêm 2 mũi vắc xin Sởi có cần tiêm vắc xin Sởi – Rubella không?

Nếu trẻ đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin Sởi đúng lịch thì trẻ có thể được bảo vệ khỏi bệnh Sởi. Tuy nhiên, trẻ chưa được bảo vệ phòng bệnh Rubella nên cần được tiêm vắc xin phối hợp Sởi –Rubella. Việc nhắc lại thêm một mũi Sởi nữa không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Đã tiêm 1 mũi vắc xin Sởi – Quai bị – Rubella (MMR) thì có cần tiêm vắc xin Sởi – Rubella nữa không?

Nếu trẻ đã tiêm 1 mũi vắc xin Sởi – Rubella hoặc Sởi – Quai bị – Rubella trẻ vẫn cần được tiêm thêm 1 mũi vắc xin Sởi – Rubella trong chiến dịch (trừ trường hợp mới tiêm trong vòng 1 tháng gần đây.)

Bà mẹ cần làm gì khi đưa trẻ đi tiêm vắc xin Sởi - Rubella?

- Cho trẻ ăn no trước khi đưa trẻ đi tiêm chủng.
- Chủ động thông báo với cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình như: trẻ đang mắc bệnh, đang điều trị, có dị tật bẩm sinh, tiền sử sinh non, tiền sử dị ứng, đặc biệt có các phản ứng mạnh với lần tiêm chủng trước như sốt cao, phát ban, sưng nề vùng tiêm...
- Hỏi cán bộ y tế về loại vắc xin được tiêm chủng lần này, những phản ứng có thể gặp và hướng dẫn theo dõi, chăm sóc trẻ sau tiêm chủng.
- Cho trẻ ở lại 30 phút tại điểm tiêm chủng để được cán bộ y tế theo dõi và kịp thời xử trí nếu có những phản ứng bất thường xảy ra.
- Tiếp tục theo dõi và chăm sóc tại nhà trong vòng 24 giờ sau tiêm chủng để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường về sức khỏe như sốt, dị ứng nổi mề đay, phát ban... Nếu trẻ sốt, cần phải cặp nhiệt độ và theo dõi sát, dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo sự chỉ dẫn của cán bộ y tế.
- Không được đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm.
- Cần đưa NGAY trẻ tới bệnh viện hoặc các cơ sở y tế nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng như sốt cao (>39C), co giật, khó thở, tím tái, phát ban.... hoặc khi phản ứng thông thường kéo dài trên 1 ngày.
- Nếu cha mẹ không yên tâm về sức khỏe của con mình sau khi tiêm chủng có thể trực tiếp đến trạm y tế xã/phường để được tư vấn thêm về cách chăm sóc trẻ.


Kim Thảo

Ý kiến bạn đọc