Những điều cần biết về đau mắt đỏ

18:25, 08/09/2014
|

(VnMedia) - Theo BS. Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương, không ai sống trên đời lại thoát khỏi một lần đau mắt đỏ hay còn gọi là đau mắt dịch.

Sau khi bị bệnh đau mắt đỏ ta không thu được miễn dịch chọn đời như với sởi hay thủy đậu, chính vì thế có người sẽ bị lần thứ 2, lần thứ 3. Thủ phạm là virus nhóm Adeno, có 6 loại dưới nhóm từ A tới F với 47 type huyết thanh khác nhau. Biểu hiện bệnh lý do Adenovirus trên mắt rất đa dạng như: bị viêm kết mạc có hột cấp; viêm kết giác mạc dịch tễ; viêm thanh quản- kết mạc có sốt; viêm kết giác mạc có hột mạn tính.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Cũng theo BS. Hoàng Cương, đau mắt dịch là bệnh lý có tính tòan cầu, gây dịch, thường xảy ra vào mùa nóng. Bệnh lây lan dễ dàng do virus có tính kháng cồn, tồn tại trên các bề mặt dụng cụ gia đình và cả dụng cụ y tế  tới... 35 ngày. Biểu hiện chung là triệu chứng nhiễm virus: sốt nhẹ, ho, đau họng, nổi hạch. Sau đó là các triệu chứng tại mắt rầm rộ, rất khó chịu: đỏ mắt, ra gỉ, cộm rát.

Với thể viêm kết- giác mạc các triệu chứng của viêm giác mạc sẽ xuất hiện từ ngày thứ 7 đến 14: viêm biểu mô lan tỏa, viêm dưới biểu mô dạng đốm, đám thẩm lậu dưới biểu mô. Bệnh nhân sẽ có nhìn mờ, chảy nước mắt, sợ sáng khác hẳn với các thể lành tính khác: không có nhìn mờ, sợ sáng, kết thúc nhanh và êm dịu.

Một dạng kết thúc khác làm cha mẹ các cháu nhỏ ghê sợ đó là viêm kèm theo giả mạc. Khi có giả mạc việc điều trị sẽ khó khăn hơn, nên cho trẻ bóc giả mạc trong bệnh viện, thường sau 10 ngày bệnh mới có xu hướng lui giảm và khỏi.

Thể có viêm thanh quản sẽ kèm với triệu chứng tòan thân nặng hơn: sốt cao, mệt mỏi, đau cơ, nôn mửa. May thay biến chứng vào giác mạc ở thể này lại rất ít. Đau mắt đỏ có xuất huyết dưới kết mạc rộng lại do các virus khác tên là Coxakie A24 và enterovirus gây nên. Tuy lây lan mạnh, làm bệnh nhân lo sợ nhưng lại khỏi nhanh và không có biến chứng.

Việc vệ sinh tay, mắt, chống lây lan bệnh là quan trọng nhất. Rửa mắt bằng nước muối hoặc nước mắt nhân tạo các loại khi có người xung quanh bị đau mắt đỏ. Có thể dùng kháng sinh và các thuốc có steroides nhưng phải có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa mắt.

BS. Hoàng Cương khuyến cáo, chính bệnh viện là môi trường phát tán dịch đau mắt trong mùa dịch do tần xuất gặp gỡ người bệnh - người lành trong bệnh viện là rất rất cao. Chính vì vậy trong những ngày đỉnh dịch không nên đến bệnh viện khi không cần thiết, cũng nên tránh chỗ đông người như siêu thị, thang máy.


Thuỳ Minh

Ý kiến bạn đọc