Bí quyết để bảo vệ sức khỏe trái tim của bạn

06:46, 28/09/2014
|

(VnMedia) - Lối sống và stress của đời sống hiện đại có thể có tác dụng xấu lên sức khỏe và đến tim của bạn. Trái tim duy trì sự sống, vậy bạn đã làm gì để bảo vệ sức khỏe cho trái tim của mình?

Bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai, ước tính năm 2020 có tới 40% số ca tử vong có liên quan đến các bệnh tim mạch. Rất nhiều người bị bệnh tim mà không hay biết và khi tìm kiếm hỗ trợ y tế thì đã quá muộn.

Những người có nguy cơ mắc bệnh tim

Càng nhiều yếu tố nguy cơ thì bạn càng có nguy cơ cao hơn phát triển các bệnh tim.

- Nam trên 45 tuổi
- Nữ trên 55 tuổi
- Tiền sử gia đình có bệnh tim
- Lượng cholesterol xấu cao
- Lượng cholesterol tốt thấp
- Tăng huyết áp

Lối sống

 - Hút thuốc lá
- Uống rượu trên 2 lần mỗi ngày
-  Cân nặng trên 10% trọng lượng lý tưởng
- Thường xuyên chịu nhiều stress
- Lối sống trầm lặng

Các loại bệnh tim có tần suất cao nhất là:

- Bệnh động mach vành (Tắc động mạch tim): Các động mạch bị tắc bắt tim phải bơm mạnh hơn. Hậu quả của việc tim làm việc quá tải là tum bị yếu đi và các cơn đau tim.

-  Loạn nhịp tim (Nhịp tim bất thường): Các triệu chứng của tình trạng này bao gồm: Chóng mặt, hồi hộp do nhịp tim tăng hoặc tim đập sai nhịp. Điều này có thể làm bệnh nhân bị ngất.

- Tăng huyết áp (Huyết áp cao): Còn được biết đến như kẻ giết người thầm lặng. Bệnh này thường không biểu hiện triệu chứng và tấn công con người ở mọi lứa tuối. Nếu không điều trị có thể dẫn đến nhiều trạng thái nghiêm trọng khác nhau như suy tim, cơn đau tim và đột quỵ.

-Tăng lipid máu (Lượng Cholesterol cao): Bệnh này ảnh hưởng đối với con người không thể dự đoán được vì cơ thể thường cảm thấy khoẻ mạnh. Nồng độ cholesterol cao không mong muốn có thể dẫn đến chít hẹp hoặc chặn các mạch máu có thể dẫn đến cơn đau tim.

Ảnh minh họa

 

Dấu hiệu của bệnh tim

- Cảm giác khó chịu, nặng nề hoặc đau ngực đặc biệt là nếu cảm giác khó chịu này lan tỏa về phía lưng, hàm hoặc cánh tay.

- Cảm giác nghẹt thở hoặc tim như “bốc cháy”

-  Hồi hộp do nhịp tim nhanh, bất thường hoặc lỗi nhịp

- Khó thở, vã mồ hôi, buồn nôn, nôn hoặc hoa mắt chóng mặt ngay cả trong các họat động sinh hoạt thường ngày

Dưới đây là 10 lời khuyên để bảo vệ trái tim cho bạn, gia đình bạn và cộng đồng (Theo khuyến cáo của Hội Tim mạch Việt Nam ):

1. Chế độ ăn uống hợp lý, khẩu phần ăn có nhiều rau xanh, trái cây. Hạn chế ăn các chất béo bão hòa. Không nên ăn mặn.

2. Tại nơi công sở cũng cần tránh ăn uống quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn hay các loại thức ăn nhanh.

3. Tập thể dục thường xuyên: mỗi ngày tập từ 30 - 60 phút sẽ giúp cho phòng chống các bệnh lý tim mạch và sức lao động sẽ được cải thiện hơn.

4. Không hút thuốc lá, thuốc lào vì hút thuốc lá, thuốc lào là nguyên nhân trực tiếp gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ và nhiều bệnh lý tim mạch khác.

5. Duy trì cân nặng hợp lý, cần giảm cân (nếu thừa cân) sẽ làm giảm huyết áp, giảm các biến cố do bệnh lý tim mạch gây nên.

6. Nên khám sức khỏe định kỳ để biết được số huyết áp động mạch, hàm lượng cholesterol, hàm lượng đường trong máu, chỉ số vòng eo/vòng mông, chỉ số khối cơ thể (BMI).

Nếu biết mình có nhiều yếu tố nguy cơ thì bạn càng cần phải có kế hoạch thực hiện lối sống lành mạnh một cách tích cực hơn để cải thiện sức khỏe của mình.

7. Hạn chế uống rượu, bia: vì uống nhiều rượu, bia làm huyết áp tăngvà trọng lượng của bạn cũng tăng lên.

8. Tạo môi trường sạch sẽ, không có khói thuốc ở gia đình và công sở.

9. Cần có thời gian thư giãn, tập luyện nhẹ nhàng (nếu có thể) ngay tại chính nơi mình làm việc.

10. Tránh căng thẳng, lo âu quá mức. Hãy cùng nhau xây dựng một môi trường làm việc đoàn kết, lành mạnh và hiệu quả.


Ngày 29/9, Báo điện tử www.vnmedia.vn tổ chức Giao lưu trực tuyến với chủ đề:  “Môi trường lành mạnh cho một trái tim khỏe”.  GS.TS Nguyễn Lân Việt- chuyên gia hàng đầu về tim mạch và tăng huyết áp sẽ trả lời và tư vấn cho độc giả các vấn các vấn đề liên quan đến huyết áp, tim mạch và sức khỏe cộng đồng. Thời gian giao lưu: từ 14-16h ngày 29/9/2014. Đề nghị độc giả gửi câu hỏi về địa chỉ : Toasoan@vnmedia.vn .


Phạm Minh

Ý kiến bạn đọc