HIV/AIDS - Hậu quả đáng tiếc của giới thứ 3?

06:10, 23/10/2012
|

(VnMedia) - "Đàn ông mà, có gì để mất". Quan niệm này đã khiến không ít dân đồng tính nam sống thoải mái, buông thả trong quan hệ tình dục. Phần lớn họ bỏ qua các biện pháp bảo vệ an toàn. Và, do thiếu hiểu biết, thiếu thông tin, họ phải gánh những hậu quả đáng tiếc....

Tình một đêm...
 
Hiện có rất nhiều người đồng tính nam (gay) có nhận thức sai lệch hoặc hiểu biết không đầy đủ về tác hại của các hành vi tình dục không lành mạnh, an toàn. Phần lớn họ cho rằng, nam quan hệ với nam thì... hoàn toàn vô hại.
 
Điển hình là Bin (sinh viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM) nổi tiếng với nhiều mối quan hệ và những mảnh tình không… đếm hết. Mới 20 tuổi nhưng cậu khá sành sỏi trong “chuyện hậu trường” của gay. Hãnh diện với chiều cao 1m78 và ngoại hình bắt mắt, địa điểm mà Bin thường hay lui tới là các phòng tập thể hình cao cấp, sauna hay quán bar, vũ trường để tìm bạn tình - những nơi dành riêng cho những anh chàng “ngại” tiếp xúc với phụ nữ.
 
Tuy nhiên, khi được hỏi về sự an toàn trong quan hệ tình dục của giới thứ ba, chàng hot boy “sành sỏi” này vẫn “miệng chữ 0, mắt chữ A” ngây thơ cho rằng: “Chỉ khi nào quan hệ tình dục giữa nam với nữ mới lây nhiễm bệnh qua đường tình dục thôi, con trai với nhau thì sao mà “dính” được. Tốt nhất là chọn “rau sạch” mà chơi thì chẳng phải lo gì hết”.
 
Thực tế vẫn còn không ít người quan niệm, quan hệ tình dục với “người quen” thì hoàn toàn có thể yên tâm và tin tưởng. Phú (23 tuổi - Nhân viên văn phòng) hùng hồn tuyên bố: “Biết rõ nhau quá rồi thì OK thôi, chẳng lo nhiễm bệnh”. “Bọn em yêu nhau lắm. “Bạn trai” em đối xử rất tốt với em, làm sao có bệnh được”, Phú nói thêm. Cũng rất đồng tình với ý kiến này, Hoàng (30 tuổi - tài xế taxi) tự hào khoe: “Tôi chưa bao giờ làm chuyện đó với người lạ, chỉ với những người quen biết lâu năm nên cũng chẳng cần dùng đến bao cao su cho có cảm giác… tự nhiên (!?)”.
 
Chung “lý tưởng” với Phú và Hoàng, Minh - cũng là sinh viên một trường đại học - cho rằng, quan hệ tình dục đồng giới sẽ không nhiễm HIV. Điều này chỉ xảy ra với những đối tượng tiêm chích ma túy, sử dụng kim chung hay người thường xuyên “đi lại” với trai gọi mà thôi.

Ảnh minh họa

Nhiều người đồng tính có lối suy nghĩ sai lầm
(Ảnh mang tính chất minh họa)

"Án tử" từ trên trời rơi xuống
 
Cầm tờ xét nghiệm với kết quả HIV dương tính trên tay, Khang (27 tuổi) đã không đứng vững trên đôi chân của mình tại Viện Pasteur TP.HCM. Khang không biết mình bị lây nhiễm HIV từ lúc nào và từ ai. Tự nhận mình là một gay “kín”, không phải là một tay ăn chơi, Khang là một kỹ sư tin học hiền lành và chăm chỉ. Vì vậy, để quy anh vào dạng những “cậu ấm cô chiêu chỉ biết ăn chơi trác táng” là rất oan uổng.
 
Sau một hồi trấn tĩnh, ngồi bệt xuống ghế, anh rưng rưng: “Hôm ấy sinh nhật đứa bạn, mình say quá và không còn biết đã làm những gì nữa. Rời vũ trường rất khuya, cả bọn kéo nhau đi thuê khách sạn. Họ là những người tôi chỉ mới gặp lần đầu, không quen biết. Lúc đầu cũng chột dạ lo bệnh tật, giờ thì muộn rồi. Và tất cả chỉ có một lần đó thôi…”. Bỏ lửng câu nói, đôi vai của Khang run lên bần bật.
 
Với kiểu “tình một đêm”, sống thoáng như một số thanh niên hiện nay, đặc biệt là những thành phố lớn, tỉ lệ lây nhiễm HIV/AIDS trong thế giới thứ ba dự kiến sẽ tăng cao. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này trở nên phổ biến: Thời đại internet, chỉ cấn một cú click chuột là đã có ngay một bạn tình, chỉ cần một ly rượu mời trong đêm vũ trường là có ngay một bạn tình mới, hoặc những nơi công cộng như bể bơi, sauna, phòng gym… cũng dễ dàng có ngay một cuộc tình chớp nhoáng.
 
Và chỉ một phút cao hứng mà quên đi biện pháp phòng vệ thì…
 
"Bạn thân" của… HIV/AIDS
 
Ở Hoa Kỳ, vào khoảng giữa thập niên 80, người ta phát hiện ra virus HIV trong những người đồng tính. Do đó, trong một thời gian dài, người dân Mỹ nghĩ rằng chỉ có dân đồng tính mới bị nhiễm HIV.
 
Giờ đây, tại Việt Nam, nhiều người lại nghĩ ngược lại: Chỉ có quan hệ tình dục khác giới mới bị nhiễm HIV. Thiếu kiến thức, những người đồng tính đã có những hành vi tình dục không an toàn đối với bản thân và bạn tình, như quan hệ tình dục qua hậu môn không dùng bao cao su hoặc dùng bao cao su không thường xuyên, không dùng bao cao su khi quan hệ bằng miệng...

Đặc biệt, là những người có vấn đề về răng miệng, hậu môn và trực tràng. Những người có thói quen giao hợp bằng đường hậu môn dễ gặp các nguy cơ:chảy máu hậu môn do hậu môn không có độ đàn hồi, không có chất bôi trơn, đau trong quá trình quan hệ, rách ruột, tổn thương dương vật, mắc các bệnh truyền nhiễm như herpes, giang mai, lậu, mào gà, siêu vi... những “người bạn đồng hành” cùng HIV/AIDS trên mọi nẻo đường lây nhiễm.
 
Tự cứu mình trước khi quá muộn
 
Trở lại với “lý tưởng” của Hoàng, Phú và Minh, đó là lối suy nghĩ hết sức sai lầm. Ai có thể bảo đảm người tốt là người không có bệnh? Người tốt vẫn có thể mắc bệnh, chỉ có điều họ biết hay không việc mình mắc bệnh mà thôi. Khi yêu, người ta thường có cảm giác an toàn, yên tâm với đối phương của mình. Đó là tâm lý chung. Nhưng nếu lấy sự tin tưởng đó để phòng bệnh thì rất phản khoa học.
 
Chính vì vậy, hiện nay, cách duy nhất để phòng chống HIV/AIDS và các bệnh lây qua đường tình dục khác là cả hai người đều không… có bệnh. Bên cạnh sự “chung thủy”, được xem như bức tường ngăn chặn sự lây lan các bệnh tình dục, thì việc sử dụng bao cao su một cách nghiêm túc là biện pháp tối ưu để tự bảo vệ bản thân và bạn tình.
 
Câu chuyện của Khang là một bài học đáng giá: Chỉ một lần trót lỡ, “án tử” đã treo trên đầu.


Song Nam

Ý kiến bạn đọc