Vì sao Nga bất ngờ chấp nhận bán “bảo bối” vũ khí?

07:22, 16/04/2015
|

(VnMedia) - Sau khi gây sốc bằng tin bán tên lửa tối tân S-400 cho Trung Quốc, Nga tiếp tục hé lộ ý định xuất khẩu tên lửa đạn đạo chiến thuật “vô đối” Iskander ra bên ngoài. Việc Moscow sẵn sàng bán những vũ khí được xem là “bảo bối” của họ khiến không ít người bất ngờ và đặt câu hỏi tại sao Nga lại làm vậy?

 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Báo chí Nga hôm 13/4 đưa tin, Trung Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên mua được hệ thống S-400 Triumph tối tân nhất của Nga. Nguồn tin từ báo chí Nga khẳng định, thông tin này do chính Tổng Giám đốc tập đoàn xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport của Nga - ông Anatoly Isaykin tiết lộ.

 

S-400 Triumph là thế hệ tên lửa chiến thuật hiện đại nhất của Nga và cũng là một trong những loại tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới hiện nay. Nó là thứ vũ khí phòng không được rất nhiều nước thèm muốn. S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 5m đến 27km trong phạm vi 400km. Những mục tiêu mà tên lửa S-400 có thể tiêu diệt là các thiết bị bay, tên lửa có cánh kích thước nhỏ và tên lửa hỏa tiễn có tầm hoạt động không quá 3.500km và tốc độ bay tối đa 4,8 km/s. S-400 Triumph có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao.

 

Một trong những đặc tính khiến S-400 trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng. Ngoài ra, S-400 cũng nổi trội ở khả năng cơ động. Đây là một hệ thống phòng không toàn diện có thể được thiết lập ngay trên mặt đất, ở bất cứ đâu chỉ trong vòng vài phút.

 

Nga trước đây luôn khẳng định, nước này không có kế hoạch xuất khẩu S-400. Tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại này chỉ được sản xuất để phục vụ cho Lực lượng Vũ trang Nga.

 

Tiếp đó, ngày hôm qua (15/4), tập đoàn xuất khẩu vũ khí quốc gia Nga - Rosoboronexport lại tuyên bố sẵn sàng bán loại tên lửa “vô đối” Iskander ra nước ngoài một khi sản xuất đủ số lượng cần thiết cho hợp đồng của nhà nước, một chuyên gia thuộc công ty thiết kế biến thể xuất khẩu của Iskander - Iskander-E đã cho hãng tin Itar-Tass biết tại Triển lãm Quốc tế về An ninh và Quốc phòng LAAD 2015.

 

Theo vị chuyên gia trên, một số nước đang khao khát có được hệ thống tên lửa tối tân trên của Nga và tập đoàn Rosoboronexport hiện đang xem xét một đề xuất từ một trong những nước này. Nếu thấy thích hợp, tập đoàn Rosoboronexport sẽ ký hợp đồng với nước đó, vị chuyên gia cho biết thêm.

 

Tổ hợp tên lửa chiến thuật Iskander được thiết kế để phá hủy các loại vũ khí, khí tài, trung tâm thông tin - chỉ huy, máy bay chiến đấu đỗ tại sân bay, các trận địa phòng không và phòng thủ tên lửa, cũng như các mục tiêu trọng yếu khác của đối phương ở mọi thời điểm và trong mọi điều kiện khí hậu thời tiết.

 

Chương trình phát triển tên lửa đạn đạo Iskander được khởi động từ những năm 1990. Đến năm 2004, các quan chức quốc phòng Nga mới lần đầu tiên tiết lộ về loại tên lửa này. Do yêu cầu rất cao từ lúc thiết kế nên Iskander hội tụ những công nghệ đỉnh cao của Nga và cả thế giới trong lĩnh vực công nghệ tên lửa, hệ thống dẫn đường, động cơ tên lửa và các biện pháp trốn tránh kẻ thù.

 

Tên lửa Iskander có khả năng tự hành tàng hình. Kỹ thuật tàng hình áp dụng ở Iskander là kỹ thuật plasma. Nó tạo ra một lớp mây trung tính về điện bao quanh đạn khiến cho các sóng radar của đối phương bị mất khả năng phát hiện và đáp trả.

 

Tên lửa Iskander còn được lắp hệ thống điều khiển đặc biệt nên có thể hoạt động rất cơ động và linh hoạt. Vì thế, hệ thống phòng không của đối phương rất khó đánh chặn, thậm chí theo nhiều chuyên gia thì đây là hệ thống tên lửa "vô đối", không thể đánh chặn.

 

Loại tên lửa đạn đạo ưu việt nói trên có thể phóng với tốc độ siêu âm hơn 2km trên giây (Mach 6-7 – tức là 6 hoặc 7 lần so với tốc độ âm thanh) và tầm bắn lên tới gần 500km. Iskander có khả năng bắn trúng và phá hủy chính xác các mục tiêu có đầu đạn lên tới gần 700kg. Với những tính năng trên, tên lửa Iskander của Nga được ví là ác mộng đối với bất kỳ hệ thống lá chắn tên lửa nào.

 

Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự Mỹ, chỉ cần vài tổ hợp tên lửa Iskander cũng có khả năng thay đổi cán cân lực lượng trong bất kỳ cuộc xung đột khu vực nào. Sức mạnh của Iskander đã được kiểm chứng trong cuộc chiến tranh ngắn ngày với Gruzia năm 2008. Khi đó, một tên lửa Iskander đã đánh trúng một tiểu đoàn xe tăng Gruzia ở Gori, phá hủy một lúc 28 xe tăng.

 

Quyết định của Nga trong việc sẵn sàng bán hai thứ vũ khí được xem là “bảo bối” như S-400 và Iskander khiến nhiều người không khỏi sốc. Người ta càng sốc hơn khi Nga sẵn sàng bán tên lửa S-400 đỉnh cao cho Trung Quốc – một đối tác mà lâu nay Moscow luôn tránh không muốn chuyển giao vũ khí tối tân vì lo sợ bị sao chép những công nghệ hàng đầu của họ. Nga đã từng phải hứng chịu “quả đắng” từ việc bán vũ khí cho Trung Quốc trong quá khứ.

 

Nhiều người đang đặt câu hỏi vì sao Nga lại có sự thay đổi chóng mặt như vậy. Phải chăng vì sức ép quá căng thẳng từ Mỹ và phương Tây nên Moscow đã phải làm như vậy? Câu hỏi này chỉ có giới chức Nga mới có thể trả lời được.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc