Tung “đòn độc” với phương Tây, Nga phải trả giá?

07:03, 16/04/2015
|

(VnMedia) - Việc Nga nhăm nhe cung cấp hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-300 cho Iran được xem là một trong những “đòn hiểm” mà Tổng thống Vladimir Putin tung ra với phương Tây trong cuộc đối đầu Đông-Tây quyết liệt hiện nay vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Tuy nhiên, “chiêu độc” này của Nga có thể khiến nước này phải trả giá.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Iran sẽ có vũ khí tối tân của Nga ngay trong năm nay?

 
Iran dự kiến sẽ nhận được các hệ thống tên lửa S-300 của Nga ngay trong năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Iran – ông Hossein Dehghan hôm qua (15/4) đã tự tin nói như vậy với cánh phóng viên trước khi bay đến thủ đô Moscow.
 
"Trong chuyến thăm đến Moscow, tôi sẽ ký một hợp đồng theo đó Nga sẽ cung cấp những hệ thống tên lửa tối tân đó cho Iran”, Bộ trưởng Quốc phòng Dehghan cho hãng tin IRNA  biết.
 
Trước đó, hôm 13/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bất ngờ ký một sắc lệnh dỡ bỏ lệnh cấm chuyển giao tên lửa S-300 cho Iran. Sắc lệnh này có hiệu lực ngay sau khi được ký.
 
Khỏi phải nói Tehran đã vui mừng hoan hỉ như thế nào trước quyết định của Tổng thống Putin trong việc mở đường cho Iran tiếp cận với tên lửa S-300 mà họ luôn khát khao bấy lâu nay.
 
Iran quan tâm đặc biệt đến các tổ hợp tên lửa S-300 của Nga. Năm 2007, Nga đã ký một hợp đồng bán cho Iran các hệ thống S-300 với trị giá hợp đồng lên tới 800 triệu USD. Phía Iran đã trả trước cho Nga khoản tiền 166,8 triệu USD. Tuy nhiên, hợp đồng này đã bị đóng băng năm 2010 sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết trừng phạt Tehran. Nghị quyết trên quy định việc hạn chế cung cấp các loại vũ khí thông thường, bao gồm tên lửa và hệ thống tên lửa tấn công, xe tăng, máy bay trực thăng tấn công, máy bay chiến đấu, tàu chiến cho Iran. Ngày 22/9/2010, Tổng thống Nga khi đó là Dmitry Medvedev đã  chính thức ký sắc lệnh hủy bỏ hợp đồng cung cấp S-300 cho Iran. Lý do được ông Medvedev đưa ra là việc Nga cung cấp những tên lửa tinh vi S-300 cho Iran sẽ vi phạm các biện pháp trừng phạt mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt lên nước Cộng hòa Hồi giáo.
 
Tức giận trước quyết định bất ngờ của Moscow, Tehran tuyên bố kiện Nga ra tòa án quốc tế ở Geneva. Iran đã đệ đơn kiện đòi bồi thường số tiền 4 tỷ USD tại Tòa án trọng tài Geneva và vụ án đang được xem xét. Một số chuyên gia quân sự cũng cho rằng, về hình thức, hợp đồng S-300 không hề vi phạm nghị quyết của Liên Hợp Quốc.
 
Giờ đây, với sắc lệnh vừa mới được Tổng thống Putin ký, Nga có thể sẽ quay trở lại thực hiện hợp đồng năm 2007 với Iran.

Bộ trưởng Quốc phòng Iran đã đến thủ đô Moscow trong chuyến thăm kéo dài 3 ngày, bắt đầu từ ngày hôm qua (15/4) theo lời mời của người đồng cấp Nga Sergey Shoigu. Các cuộc hội đàm giữa hai vị quan chức này được cho là sẽ tập trung vào vấn đề chuyển giao hệ thống vũ khí S-300 cho Iran.
 
Ông Dehghan cũng có kế hoạch tham dự hội nghị an ninh quốc tế lần thứ 4 được tổ chức ở thủ đô Moscow từ ngày 16-17 do Bộ Quốc phòng Nga chủ trì. Bộ trưởng Quốc phòng Iran được cho là sẽ có bài phát biểu tại sự kiện này và sẽ tiến hành một loạt cuộc họp song phương với các đại biểu tham dự hội nghị đến từ Nga và nhiều nước khác.
 
Lời cảnh báo mạnh nhất từ Israel
 
Trong khi Iran mừng vui, hoan hỉ trước quyết định mới của Tổng thống Putin thì phương Tây và đồng minh Israel lại sôi sùng sục vì tức giận.
 
Ngay sau khi có thông báo về việc Nga dỡ bỏ lệnh cấm bán S-300 cho Iran, giới chức Mỹ và Israel đã ngay lập tức có phản ứng dữ dội. Cả Mỹ và Israel đều phản đối quyết liệt việc Nga có ý định cung cấp vũ khí tối tân cho Iran.
 
Trong một diễn biến mới nhất, Israel đã đưa ra lời cảnh báo ớn lạnh với Nga. Theo đó, Israel tuyên bố sẽ đáp trả Nga bằng việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Đây là viễn cảnh đáng sợ đối với Nga bởi Israel được cho là nước sở hữu công nghệ vũ khí hiện đại hàng đầu khu vực.
 
Hãng tin NRG dẫn lời một nguồn tin quân sự giấu tên của Israel cho biết, Nhà nước Do Thái có thể sẽ cung cấp vũ khí cho Ukraine để đáp trả quyết định của Moscow trong việc dỡ bỏ lệnh cấm bán S-300 cho đối thủ kỳ cựu của họ là Iran.
 
Theo NRG, hiện tại, chính phủ Israel vẫn chưa đưa ra bất kỳ quyết định chính thức nào về việc cấp vũ khí cho Ukraine.
 
Trước đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc điện đàm rằng, việc Moscow có ý định cung cấp S-300 cho Iran sẽ làm phương hại đến sự ổn định ở Trung Đông và làm gia tăng sự hiếu chiến của Nhà nước Hồi giáo Iran. Ông Netanyahu đã bày tỏ sự “quan ngại sâu sắc” về bước đi mới của Nga.
 
Trong một động thái nhằm trấn an Israel, Tổng thống Putin đã đưa ra lời giải thích chi tiết về bản chất phòng vệ của tên lửa S-300 cũng như lý do khiến Moscow đưa ra quyết định dỡ bỏ lệnh cấm bán S-300 cho Iran
 
Theo lời ông Putin, “với những đặc tính về mặt chiến thuật và kỹ thuật của mình, tên lửa S-300 đơn thuần chỉ là một loại vũ khí mang tính phòng vệ, vì thế, nó sẽ không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào với an ninh của Israel cũng như của các nước khác ở Trung Đông”.
 
Tuy nhiên, lời trấn an trên của ông chủ điện Kremlin không có tác dụng và giới chức Israel tiếp tục lên tiếng thể hiện sự quan ngại cũng như phản đối quyết định của Nga.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc