EU vỡ trận trước “vũ khí” lợi hại của Nga

08:07, 09/07/2014
|

(VnMedia) - Liên minh Châu Âu (EU) trong thời gian qua đã tìm cách thiết lập một mặt trận chung thống nhất của khối nhằm gây sức ép đối với Moscow vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine . Tuy nhiên, EU đã hoàn toàn vỡ trận trước “vũ khí” lợi hại của Nga.

 

Ảnh minh họa
Các quan chức cấp cao ASEAN tại phiên khai mạc cuộc họp sáng nay. (Ảnh: Nhandan) - See more at: http://vtv.vn/Thoi-su-quoc-te/SOM-ASEAN-Cuoc-hop-dac-biet-cua-cac-quan-chuc-cao-cap-ASEAN/121702.vtv#sthash.iJmioISa.dpuf


Thủ tướng Hungary tuyên bố xúc tiến dự án South Stream với Nga bất chấp sự phản đối của EU và Mỹ


Một nhóm nước đang phá vỡ hàng ngũ trong EU, phá vỡ các nỗ lực của liên minh nhằm gây áp lực cả về ngoại giao và kinh tế của Nga vì vấn đề Ukraine bằng cách ủng hộ việc xây dựng một mạng lưới đường ống dẫn khí đốt hướng tới mục tiêu cung cấp một số lượng lớn nhiên liệu của Nga đến tận cửa các nước này.

 

Sự thách thức công khai của một số nước thành viên trong EU đối với tính đoàn kết, thống nhất trong liên minh là điều đáng quan tâm hơn so với một cơ hội bị bỏ qua của EU nhằm gây sức ép lên điện Kremlin. Nguồn khí đốt của Nga vì thế được xem như vũ khí lợi hại, sắc bén để Moscow chống lại những áp lực dồn dập từ phương Tây nhằm vào họ trong thời gian qua. Nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga chiếm 1/3 nhu cầu của EU. Dự án thiết lập mạng lưới khí đốt South Stream (Dòng chảy Phương Nam ) có thể sẽ giúp tăng nguồn cung cấp khí đốt của Nga sang Châu Âu thêm 25%. Điều này sẽ giúp Moscow tăng thêm ảnh hưởng với Châu Âu sau khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine dịu dần đi.

 

Thêm vào mạng lưới đường ống dẫn khí đốt của Nga với điểm đến cuối cùng vốn đã ở Châu Âu, đường ống South Stream sẽ đi qua Bulgaria, Serbia, Hungary, Slovenia, Áo, Italia ở một nhánh và Croatia, Macedonia, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ ở nhánh thứ hai. Ủy ban Châu Âu – cơ quan điều hành của liên minh EU, đã ra lệnh đình chỉ việc xây dựng đường sống khí đốt South Stream vì lo ngại dự án này sẽ cho Nga hai vai trò song song, vừa là nhà cung cấp khí đốt vừa là chủ của hệ thống đường ống dẫn khí đốt. EU cũng trì hoãn một số cuộc đàm phán chính trị liên quan đến dự án South Stream vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine .

 

"Những diễn biến diễn ra ở Ukraine và Nga đã cho thấy, ưu tiên của EU là hướng tới mục tiêu đa dạng hóa các nguồn năng lượng của liên minh này”, nữ phát ngôn viên của văn phòng Cao ủy EU về năng lượng – bà Sabine Berger cho biết.

 

Tuy nhiên, Áo, Hungary và Serbia — hai nước đầu tiên là thành viên của EU và nước thứ ba đang là ứng cử viên gia nhập liên minh, lại thẳng thừng tuyên bố, họ sẽ xây dựng những đoạn đường ống khí đốt theo dự án South Stream của Nga đi qua nước họ bất chấp sự phản đối và khó chịu của EU cũng như Mỹ. Các nước khác cũng có thể đi theo Áo, Hungary và Serbia.

 

Áo 24/6 đã khiến EU và Mỹ sốc và choáng váng khi công khai phê chuẩn dự án đường ống dẫn khí đốt gây tranh cãi của Nga. Giám đốc điều hành của tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga và tập đoàn OMV của Áo đã chính thức đặt bút ký vào thỏa thuận nhằm xây dựng một nhánh của đường ống dẫn khí đốt South Stream (Dòng chảy phương Nam) đến Áo. Áo là nước ủng hộ mạnh mẽ cho dự án South Stream trước sự phản đối mạnh mẽ từ Ủy ban Châu Âu.

 

Cả Mỹ và EU đều tỏ ra không hài lòng trước việc Áo, một nước thành viên của EU, công khai thách thức liên minh để bắt tay với Nga trong một dự án khí đốt gây tranh cãi. Một số chính khách EU đã lên tiếng cảnh báo rằng, Tổng thống Putin có thể sẽ cố gắng tìm cách khai thác mâu thuẫn giữa các quốc gia EU bạn bè, như nước Áo trung lập có mối quan hệ truyền thống tốt đẹp với Moscow và những nước như Anh muốn áp dụng một lập trường cứng rắn hơn với Nga.

 

Trong khi đó, Mỹ cho rằng, sự đoàn kết xuyên Đại Tây Dương là vô cùng quan trọng “trong việc ngăn chặn sự xâm lược của Nga” và rằng người Áo “nêu cân nhắc một cách cẩn thận về việc liệu những sự việc diễn ra ngày hôm nay có góp phần vào những nỗ lực đó hay không”, ám chỉ đến việc ký kết hợp tác trong dự án South Stream giữa Nga và Áo.

 

Phản bác những lời chỉ trích trên, Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc Mỹ phản đối dự án đường ống khí đốt South Stream của Nga là bởi vì cường quốc số 1 thế giới muốn tự mình cung cấp khí đốt cho Châu Âu. Ông Putin gọi tình huống này là “một cuộc cạnh tranh thông thường”.

 

Sau Áo, vào đầu tháng 7, Hungary đã không ngại ngần tuyên bố, nước này sẽ xúc tiến dự án South Stream với Nga và sẽ xây dựng phần đường ống khí đốt của mạng lưới này đi qua đất nước của họ bất chấp sự phản đối của EU và Mỹ.

 

Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã phát biểu tại Serrbia rằng, “những người nói chúng ta không nên xây dựng đường ống South Stream nên đưa ra được một sựa lựa chọn thay thế khác bởi làm sao chúng ta có thể sống được nếu không có năng lượng". Vì thế, ông Orban khẳng định, “chúng tôi sẽ xây dựng đường ống South Stream".

 

Những phát biểu trên của ông Orban đã phơi bày rõ hơn mâu thuẫn trong EU về dự án đường ống dẫn khí đốt xuyên Châu Âu của Nga.

 

Ngoài Áo, Hungary, ngày hôm qua (8/7), ở Slovenia đã diễn ra các cuộc thảo luận giữa các quan chức nước này với những người đồng cấp Nga về một loạt vấn đề, trong đó có dự án South Stream. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã chỉ trích lệnh đình chỉ dự án của Ủy ban EU là “không thích hợp với các tiêu chuẩn được đưa ra trong luật quốc tế”.

 

Đáp lại, Ngoại trưởng Slovenia Karl Erjavec đã lấy dẫn chứng về dự án đường ống khí đốt North Stream (Dòng chảy Phương Bắc) như là một tiền lệ cho dự án South Stream. North Stream là một hệ thống đường ống khác dẫn tới Châu Âu do Nga sở hữu một phần và cũng là nước chịu trách nhiệm cung cấp nguồn khí đốt.

 

Bulgari hồi đầu tuần này cũng đã lên tiếng thúc giục EU thông qua dự án gây tranh cãi South Stream. Dưới sức ép của EU, Bulgari với tư cách là một nước thành viên của EU, hồi tháng 6 đã buộc phải tạm ngừng các bước chuẩn bị cho dự án. Tuy nhiên, Bulgari đang thay đổi đường lối của mình và đang quay trở lại đàm phán với Nga.

 

Rõ ràng, EU đang vỡ trận trước Nga vì những lợi ích mà họ không thể bỏ qua. Nhiều quốc gia ở Đông và Trung Âu vốn đã dựa rất nhiều vào nguồn khí đốt của Nga, vì thế, họ không thể không ủng hộ dự án South Stream. Xa hơn nữa về phía tây như Pháp, nước này cũng nhìn thấy những mối quan hệ làm ăn béo bở với Nga và không muốn nó bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt. Điều này cũng đúng với Đức.

 

Theo nhận định của các nhà phân tích, Nga vẫn còn có thể phát huy “vũ khí” năng lượng lợi hại và sắc bén của mình với các đối tác Châu Âu trong một thời gian dài bởi việc đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng không phải là điều dễ thực hiện và có thể thực hiện nhanh chóng được.

 


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc