Vì sao EU tha thiết phát triển quan hệ với Châu Á?

18:20, 03/04/2014
|

(VnMedia) - “Châu Á đang tràn đầy năng lượng và sự tự tin. Điều đó được thể hiện qua việc, trong cả một thập kỉ qua và nhiều hơn nữa, khu vực này đã cho ra đời những con số thống kê càng ngày càng ấn tượng về tăng trưởng, thương mại, đầu tư, khoa học và công nghệ….” Đây là một phần lời giải thích của Giám đốc Điều hành Cơ quan Đối ngoại EU – ông David O'Sullivan cho việc vì sao EU lại quan tâm và mong mỏi phát triển quan hệ với khu vực Châu Á.
 

Ảnh minh họa

Ông David O'Sullivan


Theo ông O'Sullivan, bối cảnh là điều người ta cần phải quan tâm vì nó ảnh hưởng đến lựa chọn chính sách của các nước, các khu vực. Liên minh Châu Âu (EU) công nhận rằng: “Sự trỗi dậy, hay tái trỗi dậy của châu Á là một trong những xu hướng lớn định hình cho thế giới chúng ta. Châu Á là cái nôi của những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất; khu vực này đang trải nghiệm các động lực chính trị thay đổi nhanh chóng và như một điều tất yếu, tầm ảnh hưởng và tác động toàn cầu của Châu Á đang lên”.
 
Châu Á đang tràn đầy năng lượng và sự tự tin. Điều đó được thể hiện qua việc, trong cả một thập kỉ và nhiều hơn nữa, khu vực này đã cho ra đời những com số thống kê càng ngày càng ấn tượng về tăng trưởng, thương mại, đầu tư, khoa học và công nghệ…. Sự phát triển của khu vực Châu Á đang thực sự làm thay đổi thế giới”.
 
Giám đốc Điều hành Cơ quan Đối ngoại EU cho biết, EU là thị trường và đối tác thương mại lớn nhất thế giới và Châu Á đã vượt qua khu vực Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) để trở thành đối tác thương mại chính của EU , chiếm một phần ba tổng số thương mại và con số này tiếp tục tăng. Về đầu tư, hơn 26% đầu tư ra nước ngoài của EU đang đến châu Á.
 
Rõ ràng, “Châu Á đang đóng vai trò quan trọng đối với Châu Âu và thậm chí sẽ quan trọng hơn trong tương lai. Chúng ta biết rằng sự phục hồi trong nội khối phụ thuộc vào khả năng khai thác, phát triển và mở rộng thị trường mới, trong đó tiềm năng này có rất nhiều ở châu Á”, ông O'Sullivan cho hay.
 
Không chỉ về kinh tế, Châu Á cũng quan trọng đối với Châu Âu về chính trị và an ninh. Sự tham gia của các đối tác lớn nhất ở châu Á sẽ là cần thiết nếu Châu Âu muốn giải quyết những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu; vi phạm bản quyền, tự do hàng hải ở Biển Đông với 50% khối lượng thương mại thế giới đi qua... Tất cả những vấn đề và thách thức này ảnh hưởng đến lợi ích của EU.
 
Vì những lý do trên, EU đang ngày càng can dự sâu hơn vào khu vực Châu Á.
 
Ngược lại, theo ông O'Sullivan, Châu Âu cũng quan trọng đối với Châu Á. Tăng trưởng trong tương lai của châu Á phụ thuộc vào việc tiếp cận thị trường lớn như EU. Tăng trưởng đang trở lại Châu Âu và EU vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới với GDP bình quân đầu người là 25.000 euro cho 500 triệu người tiêu dùng. Đại diện cho một nền kinh tế 12,6 nghìn tỉ euro, EU và các nước thành viên vẫn là nhà cung cấp viện trợ phát triển chính thức lớn nhất thế giới với khoảng 53 tỉ euro mỗi năm. Vì châu Á có một bộ phận người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất, nêu EU có tầm quan trọng lâu dài với Châu Á như một đối tác phát triển”.
 
Sau khi phân tích mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau và tầm quan trọng của Châu Á với EU và EU với Châu Á, ông O'Sullivan đã đề ập đến các ưu tiên và kế hoạch của Liên minh Châu Âu ở khu vực Châu Á trong thời gian tới.
 
“Trước hết, trong hai năm tới, EU sẽ dành quyền lãnh đạo ASEM. Chúng tôi đặc biệt mong muốn đăng cai Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 10 tại Milan vào ngày 16-17/10 tới. Với chủ đề "Quan hệ đối tác có trách nhiệm cho tăng trưởng và an ninh", hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ phản ánh phạm vi mở rộng của mối quan hệ EU-Châu Á. Hội nghị sẽ cung cấp một cơ hội quan trọng để chuyển tải một thông điệp mạnh mẽ về cam kết của EU với với châu Á và nhấn mạnh sự quan tâm của chúng tôi để được coi như một đối tác mang tính xây dựng và đáng tin cậy trong các cấu trúc khu vực đang tiến triển. Châu Á có thể xem kết quả của hội nghị ASEM như là một thử nghiệm của tham vọng của EU về đóng vai trò tích cực hơn ở châu Á”, ông O'Sullivan cho biết.
 
Tiếp đó, EU cũng đang nỗ lực để mở rộng quy mô và chuyển hướng quan hệ đối tác với các nước ASEAN. Để làm được như vậy, “chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam – nước điều phối viên trong quan hệ ASEAN-EU. Chúng ta nên tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao EU-ASEAN lần thứ 20 trong năm nay để củng cố đà phát triển trong mối quan hệ khá độc đáo mà chúng ta đã xây dựng. Chúng tôi muốn một ASEAN vững mạnh đoàn kết và tự tin”, ông O'Sullivan phát biểu.
 
Ngoài ra, EU cũng tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với các nước lớn trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Trung Quốc. Sẽ là điều rất quan trọng để thúc đẩy không những hợp tác song phương giữa EU với 4 nước lớn trên mà cả hợp tác về các vấn đề khu vực và quốc tế.
 
Giám đốc Điều hành Cơ quan Đối ngoại EU đã đưa ra một thông điệp cuối bài phát biểu của mình rằng: “Chúng tôi ‘hiểu’ sự nổi lên của châu Á và Thái Bình Dương và chúng tôi dành cho khu vực vị trí xứng đáng trong chính sách đối ngoại của EU”.


Hải Yến

Ý kiến bạn đọc