7 lý do Mỹ bị Nga bắt vía

07:19, 22/03/2014
|

(VnMedia) - Mỹ là cường quốc quân sự mạnh nhất thế giới. Và thực tế đó hoàn toàn chẳng có ý nghĩa gì trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết sáp nhập Crimea thậm chí giả sử có xảy ra trường hợp chiếm đóng toàn bộ Ukraine đi chăng nữa thì Mỹ cũng không bao giờ muốn và không bao giờ có ý định gây chiến tranh với Nga. Có 7 lý do khiến Mỹ bị Nga bắt vía hoàn toàn.
 

Ảnh minh họa

 Ảnh minh hoạ


Việc Mỹ không muốn nổ súng với Nga không liên quan gì đến chuyện Tổng thống Obama mạnh mẽ hay yếu đuối. Nếu là những người như cựu Tổng thống Jimmy Carter hay Ronald Reagan thì cũng đều phải đối mặt với sự kiềm chế tương tự. Mỹ có thể đe dọa trừng phạt về kinh tế với Nga nhưng dưới đây là những lý do tại sao Mỹ không bao giờ dám đánh Nga bằng một cây gậy lớn:
 
1. Nga là một cường quốc hạt nhân. Nga sở hữu trong tay ước tính 4.500 đầu đạn hạt nhân có thể hoạt động. Đây là con số do Hiệp hội Các nhà Khoa học Mỹ công bố. Không giống như Triều Tiên hoặc Iran – hai nước mà vũ khí hạt nhân của họ có thể gây ra tổn thất đáng kể, Nga có thể phá hủy hoàn toàn nước Mỹ cũng như phần còn lại của hành tinh. Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ nếu được giả định là có thể phát huy hiệu quả thì cũng chẳng thể ngăn chặn được một cuộc tấn công toàn diện và ồ ạt từ Nga.
 
Trong 46 năm diễn ra cuộc Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Nga là hai địch thủ không đội trời chung. Nhưng họ không bao giờ đánh nhau. Những nước được họ bảo trợ, hậu thuẫn đã có hàng loạt cuộc chiến tranh ở nhiều nơi như Việt Nam, Triều Tiên, các nước Trung Mỹ, Israel và các nước Ả-rập. Lần duy nhất mà Mỹ và lực lượng Xô-viết suýt rơi vào chiến tranh là trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Cả Tổng thống Obama và người đồng cấp Putin không điên đến mức muốn tái diễn kịch bản trên.
 
2. Nga có một lực lượng quân đội hùng mạnh. Mặc dù quân đội Nga ngày nay không bằng thời Liên Xô trong thời kỳ đỉnh cao trước đây nhưng hiện tại họ vẫn là một lực lượng cực kỳ đáng sợ. Quân đội Nga có khoảng 300.000 binh sĩ và 2.500 xe tăng (với 18.000 xe tăng khác vẫn đang được lưu trong kho), bản báo cáo “Cân bằng Quân sự năm 2014″ của Tổ chức Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho hay. Không quân Nga có gần 1.400 máy bay và Hải quân có 171 tàu thuyền, trong đó có 25 chiếc ở Hạm đội Biển Đen, ngoài khơi bờ biển Ukraine.
 
Quân đội Mỹ có khả năng hơn Nga. Các binh lính Mỹ được đào tạo tốt hơn, được trang bị hệ thống liên lạc, máy bay không người lái, thiết vị cảm biến và có thể là vũ khí tốt hơn (mặc dù những chiếc chiến đấu cơ thế hệ mới nhất của Nga - T- 50 có thể khiến các phi công Mỹ gặp phiền phức). Tuy nhiên, tốt hơn là chưa đủ. Quân đội Nga hoàn toàn không phải là lực lượng yếu kém như những đối thủ mà Mỹ từng chiến đấu trong suốt nhiều năm qua, không giống như lực lượng được trang bị sơ sài của Taliban hay quân đội kém may mắn của Iraq năm 2003. Với những vũ khí thiện chiến như xe tăng T-80, tên lửa chống tăng siêu âm AT-15 Springer, hệ thống tên lửa Cơn lốc BM-30 Smerch (pháo phản lực đa nóng mạnh nhất thế giới hiện nay, vượt xa các vũ khí tương tự của Mỹ) và hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400 Growler, các lực lượng Nga thừa sức để tung hỏa lực gây tổn thất nặng nề cho Mỹ.

3. Ukraine gần Nga. Khoảng cách giữa Kiev và Moscow là 500 dặm (khoảng 800km). Trong khi đó, khoảng cách giữa Kiev và New York là 5000 dặm (khoảng 8.000km). Sẽ dễ dàng hơn cho Nga rất nhiều so với Mỹ trong việc đưa quân vào và tiếp nhận nguồn hậu cần, tiếp vận từ đường hàng không hoặc đường biển trong cuộc chiến ở Ukraine nếu có.
 
4. Quân đội Mỹ đã quá mệt mỏi, kiệt sức. Sau gần 13 năm căng sức trong các cuộc chiến tranh, Lực lượng Vũ trang Mỹ cần được nghỉ ngơi. Hệ thống thiết bị đã mòn đi trong hai cuộc chiến tranh dai dẳng ở Iraq và Afghanistan. Binh lính mệt mỏi, kiệt sức khi liên tục bị triển khai ra bên ngoài và hiện tại, vẫn có khoảng 40.000 binh sĩ đang chiến đấu ở Afghanistan.
 
5. Mỹ không có nhiều quân để gửi đi khắp nơi. Mỹ có thể dễ dàng phái Không lực đến Ukraine nếu các đồng minh NATO cho phép sử dụng không phận của họ và Mỹ cũng dễ dàng triển khai tàu sân bay George H. W. Bush cùng hàng trăm máy bay trên đó. Tuy nhiên, trong một cuộc chiến tranh mặt đất để thực hiện cái gọi là “giải phóng” Crimea hay bảo vệ Ukraine, Mỹ chỉ có thể tung ra Sư đoàn Không quân số 173 ở Italia, Đơn vị Viễn chinh Hải quân số 22 ngoài khơi Tây Ban Nha, Trung đoàn Kỵ binh số 2 ở Đức và Sư đoàn Không quân số 82 ở Fort Bragg, Bắc Carolina.
 
Trong khi Mỹ có thể thả lính nhảy dùng xuống vùng chiến thì các lính thủy đánh bộ phải đi qua một loạt hệ thống phòng thủ của Nga ở Biển Đen và trung đoàn kỵ binh Stryker có thể phải đi đường bộ qua Ba Lan vào Ukraine. Nói cách khác, việc đưa các sư đoàn chiến đấu cơ giới từ Mỹ vào Ukraine sẽ cực kỳ khó khăn và quan trọng hơn là sẽ mất nhiều tháng để tổ chức được một lực lượng chiến đấu như vậy.
 
6. Người Mỹ chán ngán chiến tranh. Tội nghiệp cho các chính khách đáng thương đang tìm cách thuyết phục công chúng Mỹ về việc đưa quân của họ vào một cuộc chiến tranh khác, đặc biệt là một cuộc xung đột phức tạp ở một quốc gia Đông Âu xa xôi. Người ta lại nhớ đến những câu nói của Neville Chamberlain trong cuộc khủng hoảng Tiệp Khắc năm 1938: “Thật khủng khiếp, không thể tin nổi và ngoài sức tưởng tượng khi chúng ta phải đào hầm và đeo mặt nạ ngừa hơi độc ở đây bởi một cuộc tranh cãi ở một đất nước xa xôi giữa những người mà chúng ta chẳng biết tí gì về họ”.
 
7. Đồng minh Mỹ cũng mệt mỏi. NATO đã đưa quân đi hỗ trợ Mỹ ở Afghanistan nhưng chỉ mang tính hình thức. Anh cũng đã triển khai quân đến Iraq và Afghanistan nhưng cũng chỉ mang tính hình thức. Vì vậy, người ta hầu như không thể tin được hay tưởng tượng được sẽ có ngày công chúng Tây Âu diễu hành trên được phố đòi “giải phóng Crimea”, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang trì trệ của khu vực này có thể hứng một cú giáng chí tử nếu Nga cắt đứt nguồn cung cấp khí đốt cho họ. Về năng lực quân sự, các nước Châu Âu thậm chí còn chẳng đánh đuổi nổi quân của cựu Tổng thống Muammar Gaddafi nếu không có sự hậu thuẫn của Mỹ. Và người Đức sẽ chiến đấu với Nga lại một lần nữa. Điều này càng khó xảy ra.
 
7 lý do được nêu ở trên đồng nghĩa với việc chiến tranh Nga-Mỹ không bao giờ xảy ra. Các cuộc bàn thảo, tranh cãi về lựa chọn quân sự có thể vẫn diễn ra nhưng đó sẽ chỉ là trong lời nói. Và nó sẽ mãi là như vậy.


Kiệt Linh - (theo Forbes)

Ý kiến bạn đọc