Chủ tịch Thượng viện Nga: Mỹ hoảng loạn trước vấn đề Ukraine

08:56, 27/03/2014
|

(VnMedia) - Những phát biểu của Tổng thống Barack Obama gần đây về Nga “thể hiện sự hoảng loạn, ám ảnh, đau đớn và không chịu thừa nhận những sai lầm mà Mỹ đã mắc phải tại Ukraine ”. Đây là phát biểu vừa được Chủ tịch Thượng viện Nga đưa ra ngày hôm qua (26/3).

 

Ảnh minh họa

 Tổng thống Obama


Theo Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matviyenko, phát biểu của ông Obama về sự yếu ớt của Nga thực chất xuất phát từ việc siêu cường số 1 thế giới không chịu thừa nhận thế giới đa cực với vai trò của Nga trong đó.

 

“Những phát biểu kiểu đó thể hiện không chỉ sự hoảng loạn, ám ảnh mà cả sự đau đớn và không chịu thừa nhận những sai lầm mà Mỹ đã mắc phải ở Ukraine ”, người đứng đầu Thượng viện Nga cho biết. Bà này cũng kêu gọi các phóng viên không nên quá để tâm đến những phát biểu như vậy.

 

Bà Matviyenko nói thêm rằng, những phát biểu của Tổng thống Obama là bằng chứng cho thấy giới chức Mỹ không chịu thừa nhận thực tế về việc thế giới không còn là đơn cực và rằng Nga hiện tại đã là một cường quốc đáng gờm đang hòa nhập vào hệ thống kinh tế toàn cầu.

 

Những tuyên bố cứng rắn trên của nữ Chủ tịch Thượng viện Matviyenko được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Barack Obama có bài phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân ở The Hague, trong đó ông này đã bác bỏ luận điệu cho rằng Nga là kẻ thù địa chính trị chính của Mỹ và miêu tả Nga “chỉ là một cường quốc khu vực đang đe dọa một số nước láng giềng gần nhất không phải vì sức mạnh mà là vì sự yếu đuối”.

 

Mỹ và Nga đang rơi vào một cuộc đối đầu căng thẳng vì cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine . Những cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Ukraine hồi năm ngoái đã biến thành các cuộc bạo loạn rộng khắp và một cuộc đảo chính lật đổ chính quyền dưới sự hậu thuẫn mạnh mẽ của các thành phần cánh hữu cực đoan.

 

Giới lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc của cuộc đảo chính ở Ukraine đã lợi dụng những phát biểu và động thái bài Nga. Kết quả là nước Cộng hòa Tự trị Crimea đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để quyết định tương lai của họ, trong đó có tới gần 97% người dân Crimea lựa chọn ly khai khỏi Ukraine và sáp nhập vào Liên bang Nga.

 

Giới chức Nga đã ủng hộ động thái của Crimea và nhanh chóng thông qua các dự luật cần thiết để biến nước Cộng hòa Crimea và thành phố Sevastopol thành những chủ thể mới trong Liên bang Nga.

 

Trong khi đó, các nước phương Tây ra sức phản đối cuộc tái hợp lịch sử giữa Nga và Crimea . Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) cùng với một số nước khác đã áp đặt một số biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga cũng như nhằm vào hàng chục quan chức, doanh nhân Nga và Ukraine . Đây là những người mà Washington Brussels cáo buộc là chịu trách nhiệm cho tình hình ở Crimea .

 

Nga chỉ trích những biện pháp trừng phạt trên, miêu tả đó là hành động phản tác dụng, không có hiệu quả và đáp trả bằng một số biện pháp trừng phạt tương tự đối với các quan chức phương Tây.

 

Obama tiếp tục chỉ trích Nga trong bài phát biểu ở Brussels

 

Tổng thống Mỹ hôm qua (26/3) đã có bài phát biểu kéo dài hơn nửa giờ đồng hồ tại Brussels, Bỉ, và phần lớn nhất trong bài phát biểu này tập trung vào cuộc xung đột giữa Nga với Ukraine xung quanh bán đảo chiến lược Crimea.

 

Ông chủ Nhà Trắng đã dùng cả tuần công du Châu Âu để bàn về tình hình Ukraine với các đối tác NATO của Mỹ. Ông Obama đã khiến người ta gợi nhớ đến hai cuộc chiến tranh thế giới và các cuộc khủng hoảng quốc tế khác trong bài phát biểu kéo dài 30 phút với cao trào là lời yêu cầu khẩn thiết dành cho các nước đồng minh về việc “đối mặt với những thách thức nhằm vào tư tưởng của chúng ta” đang được đặt ra trong cuộc khủng hoảng ở Crimea.

 

Tổng thống Obama không đả động gì đến việc liệu ông này có sẵn sàng tung ra những hành động mạo hiểm khi cuộc đối đầu giữa Nga với phương Tây tiếp tục diễn ra vì vấn đề bán đảo Crimea . Tuy nhiên, ông này nhấn mạnh, Mỹ và các đối tác sẵn sàng hợp tác với nhau để mở rộng biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga và tìm cách loại Nga ra khỏi các diễn đàn quốc tế nếu Moscow tiếp tục can thiệp vào tình hình Ukraine.

 

“Chúng ta sẽ cùng nhau cô lập Nga về mặt chính trị, loại bỏ Nga ra khỏi nhóm các quốc gia G8 và hạ cấp các mối quan hệ song phương”, Tổng thống Obama nói. Ông này tiếp tục: “Chúng ta cũng sẽ cùng nhau bắt Nga phải tra giá thông qua những biện pháp trừng phạt ... Và nếu giới lãnh đạo Nga còn tiếp tục theo đuổi tiến trình hiện nay, chúng ta sẽ cùng nhau bảo đảm rằng sự cô lập quốc tế dành cho Nga sẽ ngày một sâu hơn”.

 

Nói về cách thức xử lý vấn đề Crimea của Nga trong những tuần gần đây, ông chủ Nhà Trắng ví đó như hành động vẽ lại biên giới Châu Âu bằng vũ lực bất chấp lý tưởng thiêng liêng về việc phải đảm bảo “người dân các nước được quyền quyết định về tương lai của họ”.

 

Theo ông Obama, việc cần thiết phải lên án Nga trên trường quốc tế không phải là hành động vị kỷ, tự tư tự lợi.

 

Tuy nhiên, cùng lúc, Tổng thống Mỹ không chịu thừa nhận những cáo buộc về việc nước ông đã hành động “giả nhân giả nghĩa” trong vấn đề Crimea sau khi dẫn dắt một loạt chiến dịch quân sự ở các nước khác trong nhiều thập kỷ qua. Tổng thống Obama đã nhắc đến cuộc chiến ở Iraq và thừa nhận đó là chủ đề đang được tranh luận nóng bỏng ở cả Mỹ cũng như nước ngoài.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc