Nữ Thủ tướng Yingluck "khóa" được quân đội?

11:36, 12/12/2013
|

(VnMedia) - Nữ Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra hôm qua (11/12) đã tự tin nói rằng, những cuộc biểu tình nhằm dồn ép bà từ chức hiện nay sẽ không dẫn đến một cuộc đảo chính quân sự như đã xảy ra với anh trai của bà – cựu Thủ tướng Thaksin hồi năm 2006. Phát biểu này của bà Yingluck được xem là một nước cờ cao tay nhằm chặn đứng sự can thiệp của quân đội quyền lực.

 

Ảnh minh họa

Nữ Thủ tướng Yingluck


“Tôi không nghĩ quân đội lại hành động như vậy một lần nữa bởi vì sự việc xảy ra trong quá khứ đã không cho chúng ta bất kỳ câu trả lời nào”, bà Yingluck phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Bangkok . “Nữ tướng” Yingluck rõ ràng đang ám chỉ đến thực tế rằng, cuộc đảo chính quân sự cách đây 8 năm của quân đội đã không đem lại được một giải pháp khả dĩ cho chính trường Thái Lan mà thay vào đó khiến mọi việc trở nên xấu đi với vòng luẩn quẩn của biểu tình, rối loạn và bạo lực liên tục diễn đi diễn ra trong những năm qua.

 

Quân đội Thái Lan vốn là một lực lượng rất quyền lực ở đất nước Thái Lan. Điều đó đã được thể hiện qua 18 cuộc đảo chính quân sự mà quân đội đã thực hiện trong vòng 80 năm qua với 9 cuộc đảo chính thành công. Gần đây nhất là cuộc đảo chính lật đổ cựu Thủ tướng Thaksin vào năm 2006 với hệ quả là tình hình chính trường Thái Lan liên tục rơi vào những cơn sóng gió kéo dài mãi không dứt.

 

Hiểu rõ sức mạnh của quân đội, những người biểu tình chống chính phủ Thái Lan hiện nay được cho là đang muốn đẩy cao tình hình bất ổn và hỗn loạn trên chính trường đến mức đủ để ép buộc quân đội phải nhảy vào can thiệp bằng một cuộc đảo chính. Tuy nhiên, đến thời điểm này, quân đội vẫn luôn khẳng định không đứng vào bên nào trong hai phe đối địch và cũng không can thiệp vào tình hình chính trường Thái Lan ngoài việc đứng ra làm trung gian hòa giải.

 

Những người biểu tình chống chính phủ cáo buộc các đảng phái thân Thaksin mua phiếu để thắng trong các cuộc bầu cử và tố cáo chính quyền của bà Yingluck tham nhũng, quản lý kém nền kinh tế. Họ kêu gọi thành lập một hội đồng nhân dân bằng việc lựa chọn “những người tốt” để thay thế cho chính quyền do dân bầu lên hiện nay.

 

Tại một cuộc họp ngày hôm qua, phe đối lập tiếp tục đưa ra lời kêu gọi giới tướng lĩnh quyền lực của quân đội Thái Lan hãy nhanh chóng chọn đứng về một bên. Hiện tại, quân đội chưa có câu trả lời nhưng trước đó Tư lệnh quân đội Thái Lan – ông Prayuth Chan-ocha từng kêu gọi các phe nhóm ở Thái Lan đừng lôi kéo binh lính vào chính trường.

 

Những người biểu tình chống chính phủ không nên ép buộc quân đội phải lựa chọn đứng về phía họ, ông Prayuth cho biết trong một tuyên bố được phát đi sau khi một nhóm người biểu tình xông vào một trụ sở của quân đội hôm 29/11.

 

Quân đội Thái Lan đã chán can thiệp vào chính trường?

 

Nếu nhìn lại diễn biến chính trường Thái Lan trong vòng hơn một tháng qua, người ta rất dễ nhận thấy kịch bản năm 2006 dường như đang tái diễn trở lại. Trước làn sóng biểu tình chống chính phủ rầm rộ kéo dài không dứt, nữ Thủ tướng Thái Lan đã buộc phải tuyên bố giải tán Hạ viện và tổ chức một bầu cử sớm. Giới phân tích hầu hết đều nhận định, Đảng Pheu Thai của bà Yingluck gần như nắm chắc phần thắng trong tay bởi lực lượng ủng hộ đông đảo. Còn nhớ cách đây 8 năm, sau làn sóng biểu tình mạnh mẽ của những người áo vàng phản đối chiến thắng vang dội của ông Thaksin trong cuộc bầu cử cách đó 1 năm, Thái Lan đã tổ chức bầu cử lại và nhà tỉ phú truyền thông lại giành chiến thắng. Tuy nhiên, Đảng Dân chủ đối lập đã từ chối tham gia và quân đội đã nhảy vào can thiệp bằng một cuộc đảo chính quân sự lật đổ ông Thaksin.

 

Nhiều người hiện giờ đang tự hỏi, liệu lần này, quân đội quyền lực của Thái Lan có lặp lại hành động tương tự hồi năm 2006 hay không. Rất ít người tin rằng quân đội sẽ thực hiện thêm một cuộc đảo chính nữa khi mà lực lượng này hiện đang muốn phát triển theo một hướng khác, cụ thể là đóng một vai trò khéo léo hơn trên chính trường. Mặc dù các cuộc biểu tình ở Thái Lan đã leo thang thành bạo lực cách đây vài ngày nhưng quân đội vẫn chỉ hạn chế vai trò của họ ở việc chăm sóc người bị thương và kêu gọi các bên hòa giải, đàm phán.

 

“Tôi cho rằng, quân đội sẽ tìm cách tách mình khỏi những người biểu tình. Họ sẽ chỉ cố gắng đóng vai trò là trung gian hòa giải”, ông Sunai Phasuk – một nhà nghiên cứu cấp cao của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền ở Thái Lan, nhận định.

 

Nếu nhận định trên là đúng thì đó là một sự thay đổi lớn trong quân đội. Kể từ năm 1932, Thái Lan đã trải qua 18 cuộc đảo chính, 23 chính phủ quân sự và 9 chính phủ do quân đội thống trị. Tuy nhiên, ngày nay, quân đội đang trở thành một lực lượng đoàn kết, hợp nhất. “Quốc vương đang ở trong tình trạng sức khỏe yếu nên vì thế, vai trò của ông cũng giảm đi. Vì thế, quân đội được cho là sẽ phải đóng vai trò là người phân xử”, ông Anthony Davis – một nhà phân tích ở thủ đô Bangkok , cho hay.

 

Điều quan trọng hơn là quân đội Thái Lan cũng phải “gánh đủ” những tổn thất về hình ảnh khi can thiệp vào chính trường, đặc biệt là sau vụ lật đổ cựu Thủ tướng Thaksin năm 2006. Sau khi tiếp quản quyền lực từ ông Thaksin trong giai đoạn từ tháng 9 năm 2006 đến tháng 12 năm 2007, “quân đội đã không điều hành đất nước được một cách suôn sẻ và chính quyền này bị chỉ trích dữ dội”, chuyên gia Nicholas Farrelly đến từ rường Đại học Quốc gia Australia, cho biết.

 

Tiếp đó, vào năm 2010, quân đội đã thực hiện một cuộc đàn áp thẳng tay người biểu tình áo đỏ bằng cách cho xe tăng tiến thẳng vào các khu vực trung tâm thủ đô Bangkok và triển khai lực lượng bắn tỉa. Ít nhất 5 người đàn ông và một phụ nữ không tấc sắt trong tay đã bị binh lính bắn chết khi đang trú ẩn trong một ngôi chùa. Chính quyền khi đó cũng được cho là phải chịu trách nhiệm về cái chết của ít nhất 16 trong số 92 người biểu tình bị thiệt mạng. Công chúng phẫn nộ. “Những chuyện xảy ra năm 2010 dù thế nào cũng là thảm họa đối với quân đội. Vì thế, từ đó trở đi, quân đội có xu hướng lùi về phía sau.

 

Tuy nhiên, chính trường là nơi chẳng nói trước được điều gì. Vì thế, khả năng quân đội thực hiện thêm một cuộc đảo chính không thể được loại bỏ hoàn toàn. Chỉ có điều người ta hy vọng, với nước cờ cao tay của mình, nữ Thủ tướng Yingluck có thể chặn đứng được ý định muốn can thiệp của quân đội nếu có.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc