Biển Đông vẫn tiềm ẩn nhiều bất trắc

09:06, 12/11/2013
|

(VnMedia) - "5 năm tới, Biển Đông sẽ tiếp tục tiềm ẩn nhiều bất trắc, và vẫn là một trong những khu vực tranh chấp phức tạp nhất thế giới". Đó là nhận định được đưa ra tại Hội thảo khoa học Quốc tế về Biển Đông đang diễn ra tại thủ đô Hà Nội.

Hội thảo khoa học Quốc tế lần thứ 5 “Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển trong khu vực” thu hút sự tham dự của hơn 200 đại biểu là các học giả, chuyên gia, quan chức chính phủ trong nước và quốc tế, cùng đại diện của các ngoại giao đoàn tại Việt Nam. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hội thảo Biển Đông mà Học viện Ngoại giao phối hợp cùng Hội Luật gia Việt Nam tổ chức hàng năm từ năm 2009.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Phát biểu tại buổi lễ khai mạc hội thảo, Giám đốc Học viện Ngoại giao - Giáo sư Đặng Đình Quý cho rằng, 5 năm qua, tình hình Biển Đông và những vấn đề liên quan đến Biển Đông đã có những thay đổi cả tích cực và không tích cực. Thay đổi tích cực là cộng đồng khu vực và quốc tế đã nhận thức được tầm quan trọng của Biển Đông, từ đó các bên nhìn chung đã biết kiềm chế, không để xảy ra xung đột, đồng thời thúc đẩy hợp tác để kiềm chế xung đột. Tuy nhiên, các bên vẫn còn tiếp tục theo đuổi lợi ích trước mắt, có những cách hiểu khác nhau về luật quốc tế và trì hoãn tiến trình xây dựng cơ chế hợp tác để quản lý tranh chấp, ngăn ngừa xung đột trên Biển Đông.
 
Theo Giám đốc Học viện Ngoại giao, 5 năm tới, Biển Đông sẽ tiếp tục tiềm ẩn nhiều bất trắc, và vẫn là một trong những khu vực tranh chấp phức tạp nhất thế giới. Chủ nghĩa dân tộc quá khích đã xuất hiện và gia tăng trong một số nước; xu hướng tăng cường vũ trang, bán vũ trang đang mạnh dần lên; lòng tin giữa các bên liên quan tiếp tục suy giảm. Cùng với những mặt chưa tích cực của tình hình trong 5 năm qua, những xu hướng này sẽ làm cho tình hình Biển Đông có thể diễn biến phức tạp hơn, không loại trừ khả năng bùng nổ xung đột vũ trang. Trước tình hình đó, ông Đặng Đình Quý cho rằng, với ý nghĩa là một diễn đàn hoàn toàn khoa học, hội thảo Biển Đông sẽ là nỗ lực xây dựng những kiến nghị mới để đóng góp thiết thực hơn vào việc giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
 
Trong khi đó, thông qua ông Nyan Lynn, Phó Tổng thư ký ASEAN, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh đã gửi đến Hội thảo thông điệp: "ASEAN là một chủ thể có vai trò quan trọng đóng góp cho hòa bình, ổn định ở Biển Đông vì ASEAN có 8 nước ven Biển Đông, trong đó 4 nước yêu sách chủ quyền lãnh thổ tại đây. Nếu không có hòa bình, ổn định ở Biển Đông, ASEAN khó lòng xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN. Vì vậy, ASEAN luôn kêu gọi và thúc đẩy các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển Liên Hợp quốc. Lập trường đó của ASEAN đã được kết tinh rõ ràng trong Tuyên bố về nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về tranh chấp Biển Đông năm 2012".

Giáo sư Carlyle Thayer, trường Khoa học Nhân văn và Xã hội, Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Australia đã đến tham dự hội thảo với bài tham luận về diễn biến tình hình ở Biển Đông năm 2013, trong đó ông đã khen ngợi ASEAN về những động thái tích cực khi củng cố được đoàn kết nội khối và khởi động tham vấn với Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông. Theo ông, Indonesia, Brunei và Thái Lan đã có vai trò quan trọng giúp ASEAN lấy lại được đoàn kết và uy tín trong vấn đề Biển Đông.

Ngày hôm nay (12/11), hội thảo sẽ tiếp tục thảo luận các chủ đề "Những diễn biến pháp lý gần đây và Biển Đông"; "Kinh nghiệm quốc tế và khu vực trong giải quyết tranh chấp biển"; "Đánh giá Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và việc thực thi DOC"; "Quản lý căng thẳng và tương lai của Biển Đông"; "Khuyến nghị chính sách và thảo luận tự do.

Vân Linh

Ý kiến bạn đọc