Tàu Trung Quốc chĩa súng vào tàu Nhật?

07:22, 28/02/2013
|

(VnMedia) - Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc (SOA) hôm qua (27/2) đã lên tiếng phủ nhận thông tin được đăng tải trên báo chí Nhật Bản cùng ngày cho rằng một tàu hải giám của Trung Quốc chĩa súng máy về phía một tàu đánh cá của Nhật Bản ở gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. SOA nói rằng, thông tin trên là một “lời đồn vô căn cứ”.

 

 Ảnh minh họa

 Tàu thuyền Trung Quốc, Nhật Bản gần đây thường xuyên gầm ghè với nhau ở vùng biển tranh chấp


Thông tin trên báo chí Nhật Bản mang tính giật gân và không đúng sự thực, SOA cho biết thêm.

 

Trước đó cùng ngày, tạp chí hàng tuần Post của Nhật Bản đưa tin, tàu hải giám Haijian 66 của Trung Quốc đã chĩa súng máy nhằm vào một tàu cá của Nhật Bản đồng thời tuyên bố với các thủy thủ trên tàu Nhật rằng, tàu của họ sẽ chìm sau khi bị bắn. Vụ việc này được cho là xảy ra vào ngày 18/2.

 

Phản ứng trước thông tin trên, SOA cho biết, các tàu hải giám của Trung Quốc là đại diện cho nhóm thực thi pháp luật bảo vệ các quyền lợi của Trung Quốc thông qua những biện pháp hành chính và tuân theo các quy định trong nước cũng như quốc tế. Theo SOA giải thích, đội tàu hải giám của nước này đang thực hiện các chuyến tuần tra định kỳ thì phát hiện một tàu đánh cá Nhật Bản “xâm nhập” vào vùng lãnh hải xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

 

SOA khẳng định, đội tàu hải giám của Trung Quốc không được trang bị bất kỳ vũ khí hạng nặng nào bao gồm cả súng máy và rằng hành động mà tàu của họ thực hiện với tàu cá Nhật Bản là “hợp lý và hợp pháp”. SOA không nói rõ, hành động “hợp lý và hợp pháp” đó là gì.

 

Sau khi phủ nhận cáo buộc của phía Nhật Bản, SOA còn chỉ trích một số chính khách và báo chí Nhật Bản “nói xấu” về hoạt động giám sát hàng hải của Trung Quốc. SOA không quên đưa ra lời cảnh báo, “những hành động như thể sẽ chỉ làm nguy hại đến mối quan hệ song phương và không giúp giải quyết vấn đề”.

 

Hiện tại chưa thể xác định chính xác liệu có việc tàu Trung Quốc chĩa súng máy vào tàu cá Nhật Bản ở vùng tranh chấp hay không. Tuy nhiên, nếu sự việc này được xác nhận là có thật thì đây là lần thứ 2 chỉ trong vỏn vẹn chưa đầy một tháng, tàu Trung Quốc có hành động quân sự mang tính nguy hiểm đối với tàu thuyền của Nhật Bản. Hôm 5/2 vừa rồi, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori onodera từng lên tiếng tố cáo rằng, một tàu khu trục Trung Quốc đã chĩa radar kiểm soát tên lửa về phía tàu khu trục Yuudachi của Nhật hôm 30/1. Ông onodera cũng nói thêm rằng, tàu Trung Quốc cũng có hành động tương tự với một chiếc trực thăng được đặt trên tàu chiến của Nhật Bản.

 

"Đó là một hành động cực kỳ bất thường. Một bước đi sai lầm có thể đẩy mọi thứ vào tình huống nguy hiểm”, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản đã nhận xét như vậy.

 

Trung Quốc thăm dò tàu ngầm Nhật Bản?

 

Liên quan đến cuộc tranh chấp ở biển Hoa Đông, Nhật Bản mới đây cũng đã đề nghị chính phủ Trung Quốc giải thích mục đích của việc một số tàu của nước này thả phao gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tokyo nghi ngờ, Trung Quốc thả phao để dò tìm tàu ngầm hoặc thu thập các thông tin tình báo về Nhật Bản.

 

Phát biểu tại một cuộc họp báo định kỳ diễn ra hôm 26/2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc – bà Hua Chunying cho biết, những chiếc phao được Trung Quốc thả gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư là để “quan sát thời tiết trên biển”. “Tôi cho rằng, việc đó chẳng đáng tranh cãi hoặc làm ầm lên”, bà Hong nói.

 

Bất kể vì ý định gì, việc tàu Trung Quốc thả những chiếc phao đáng ngờ ở gần vùng biển tranh chấp chắc chắn là hành động “đổ thêm dầu vào lửa”, khiến cho cuộc tranh chấp hiện nay giữa Nhật Bản và Trung Quốc ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trở nên trầm trọng hơn.

 

Cả Bắc Kinh và Tokyo đều đòi chủ quyền đối với một quần đảo ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, còn Nhật Bản thì gọi là Senkaku. Chùm đảo này nằm giữa Nhật Bản và Đài Loan. Senkaku/Điếu Ngư là quần đảo có nguồn cá dồi dào và có thể có cả dầu mỏ. Quần đảo này cũng gần với các tuyến đường biển quan trọng. Cuộc tranh chấp này đã kéo dài nhiều thập kỷ nay nhưng nó bắt đầu leo thang nghiêm trọng kể từ sau khi Tokyo mua lại quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 9 năm ngoái.

 

Trong thời gian qua, Nhật Bản liên tục tố cáo tàu Trung Quốc thường xuyên xâm phạm vào “vùng lãnh hải của Nhật Bản quanh quần đảo Senkaku” và đối đầu với tàu thuyền của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản. Gần đây, hai bên còn thậm chí đưa máy bay và chiến đấu cơ ra rượt đuổi nhau ở bầu trời trên vùng biển tranh chấp.

 

Các nhà quan sát tin rằng, việc Trung Quốc liên tiếp đưa tàu thuyền vào vùng tranh chấp là một chiến thuật của nước này nhằm “khẳng định chủ quyền ở đây”. Ý đồ của Trung Quốc là biến những hành động trên thành “bình thường”, nói cách khác là để tàu của họ hiện diện thường xuyên ở biển Hoa Đông để chứng minh rằng, Nhật Bản trên thực tế không kiểm soát khu vực tranh chấp.

 

Thông tin gần đây về việc tàu Trung Quốc chĩa radar tên lửa hay súng máy về phía tàu Nhật Bản cho thấy cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước ở biển Hoa Đông đang ngày càng bị “quân sự hoá”. Những động thái quân sự kiểu như trên có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột toé lửa bất kỳ lúc nào.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc