Tướng Mỹ bị Nga thẳng thừng "cấm cửa"

14:12, 19/01/2013
|

(VnMedia) - Moscow đã từ chối không cấp visa vào Nga cho Tướng Mỹ từng chỉ huy nhà tù ở Vịnh Guantanamo. Đây là đòn trả đũa của Moscow đối với việc Mỹ thông qua một dự luật trừng phạt các quan chức Nga bị cáo buộc vi phạm nhân quyền, Thứ trưởng Ngoại giao Nga – ông Andrei Denisov hôm qua (18/1) cho biết.
 
Hồi tháng 12 năm ngoái, Mỹ đã thông qua Dự luật Magnisky được đặt theo tên của luật sư Nga Sergei Magnitsky – người đã chết trong nhà tù ở Moscow cách đây 3 năm. Dự luật Magnitsky nhằm vào các quan chức Nga bị cho là có dính líu đến cái chết của luật sư Magnitsky. Các quan chức này bị cấm không được xin visa vào Mỹ và bị phong tỏa tài sản ở Mỹ nếu có.
 
Nga đã từ chối không cấp visa cho Thiếu tướng Hải quân Jeffrey Harbeson – cựu chỉ huy căn cứ hải quân Guantanamo của Mỹ ở Cuba và hiện giờ đang làm nhiệm vụ giám sát các công việc của Châu Âu, NATO và Nga tại Bộ Tham mưu Liên quân Mỹ, một tờ báo của nhà nước Nga cho biết.
 
Theo tờ Izvestia, ông Harbeson đã bị Nga từ chối cấp visa sau khi Washington từ chối cấp visa cho một số quan chức Nga mà họ cáo buộc là có liên quan đến cái chết của luật sư Magnitsky.
 
"Chúng tôi đã từ chối cấp visa vào Nga đối với một vị tướng Mỹ từng làm chỉ huy tại nhà tù Guantanamo", Thứ trưởng Denisov cho biết khi trả lời câu hỏi về những người Mỹ bị liệt vào “danh sách đen” của Nga. Ông Denisov không cho biết thời gian cụ thể Nga thực hiện đòn trả đũa nói trên.
 
Để đáp trả Dự luật Magnitsky của Mỹ, Nga đã thông qua một dự luật áp dụng các biện pháp tương tự đối với những công dân Mỹ bị cáo buộc vi phạm nhân quyền đối với người Nga ở nước ngoài. Moscow cũng áp dụng lệnh cấm công dân Mỹ nhận con nuôi người Nga với lý do có nhiều vụ bố mẹ Mỹ đối xử không tốt với con nuôi của họ.
 
Hiện có khoảng 60 công dân Mỹ bị cấm vào nước Nga, ông Alexei Pushkov – Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện và cũng là một thành viên của Đảng cầm quyền Nga, cho Itar-Tass biết. "Danh sách 60 người đó bao gồm các thẩm phán, đại diện các cơ quan an ninh, các công tố viên... cũng như các nghị sĩ là tác giả của Dự luật Magnitsky Act và những người Mỹ vi phạm quyền đối với trẻ em mà họ nhận nuôi từ Nga”, ông Pushkov hôm qua cho biết.
 
Theo ông Pushkov, bản danh sách trên đã lần đầu tiên xuất hiện vào tháng 10 năm 2012 và khi đó nó chỉ bao gồm 11 cái tên liên quan đến nhà tù Guantanamo và các nhà tù bí mật của CIA ở Châu Âu.
 
Nhiều nhà hoạt động cáo buộc, việc Mỹ giam giữ vô thời hạn các tù nhân ở nhà tù Guantanamo, trong đó có cả những kẻ thực hiện vụ tấn công khủng bố ngày 11/9, là bất hợp pháp. Tổng thống Mỹ Barack Obama khi lên nhậm chức hồi năm 2009 từng cam kết sẽ đóng cửa nhà tù trên và sẽ đưa các tù nhân ra xét xử tại tòa án dân sự. Tuy nhiên, ông này đã vấp phải sự phản đối từ Quốc hội.
 
Tổng thống Nga Putin – một cựu điệp viên KGB, liên tục chỉ trích Washington về cách đối xử với tù nhân ở nhà tù Guantanamo. Ông này cho rằng, Mỹ không có “đủ quyền về đạo đức” để rao giảng về nhân quyền đối với Nga.
 
Moscow và Washington đã nỗ lực hàn hắn quan hệ khi Tổng thống Obama lần đầu tiên nhậm chức năm 2009. Tuy nhiên, mối quan hệ này bắt đầu trở nên giá lạnh kể từ khi ông Putin quay lại điện Kremlin hồi năm ngoái. Nga, Mỹ mâu thuẫn với nhau về một loạt vấn đề như kế hoạch lá chắn tên lửa, vấn đề Syria, vấn đề nhân quyền.... Dự luật Magnitsky của Mỹ đã khiến cho mối quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới trở nên trầm trọng hơn.
 
Tổng thống Putin cho rằng, dự luật của Mỹ hoàn toàn “mang tính chính trị và là một hành động đối đầu”. Nhà lãnh đạo nước Nga cho biết, ông lấy làm tiếc về cái chết của luật sư Magnitsky nhưng khẳng định các cuộc điều tra đang được tiến hành và “vẫn chưa biết ai đúng ai sai”.
 
"Có lẽ, trong nhà tù của họ (Mỹ), nhiều người chết hơn nhà tù của chúng tôi. Trong 8 năm qua, họ đã không đóng cửa nhà tù Guantanamo – nơi các tù nhân bị còng, xích và không được tiếp cận với công lý giống như Thời Trung cổ. Những người đang điều hành các nhà tù bí mật, cho phép tra tấn tù nhân trong quá trình điều tra bây giờ lại đang chĩa mũi tấn công vào một số thiếu sót của chúng tôi”, ông Putin chỉ trích.
 
Nghị sĩ Mỹ khẩn thiết đề nghị Putin, Obama hoãn dự luật con nuôi
 
Trong một diễn biến có liên quan, hơn 70 nghị sĩ Mỹ đã viết thư khẩn thiết đề nghị Tổng thống Putin và Tổng thống  Obama đình lại dự luật cấm người Mỹ nhận con nuôi Nga.
 
Hồi tháng 12 vừa rồi, Nga đã thông qua dự luật cấm người Mỹ nhận con nuôi ở nước này như là một phần trong biện pháp trả đũa của Moscow đối với Dự luật Magnitsky của Mỹ. Dự luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2003 này sẽ khiến 46 trường hợp nhận con nuôi hiện đang trong quá trình hoàn tất thủ tục cuối cùng và 1.000 trường hợp đang trong quá trình xúc tiến thủ tục bị dừng lại.
 
“Ông có biết rằng, nhiều trong số những đứa trẻ có liên quan đến dự luật cần được chăm sóc y tế đặc biệt trong khi những gia đình nhận nuôi sẵn sàng và đáp ứng được các điều kiện đó. Những đứa trẻ được nhận nuôi tin rằng, chúng sẽ sớm trở thành một phần của một gia đình bền vững, an toàn và yêu thương chúng”, các nghị sĩ của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa Mỹ đã viết như vậy trong bức thư gửi Tổng thống Putin ngày hôm qua.
 
Các nghị sĩ Mỹ đề nghị ông Putin đưa các trường hợp đang hoàn tất thủ tục vào diện ưu tiên.
 
Trong một bức thư khác gửi Tổng thống Obama, các nghị sĩ Mỹ kêu gọi “chúng ta cần phải ngay lập tức tìm biện pháp giúp giải quyết vấn đề cho các con nuôi người Nga và bố mẹ người Mỹ đang bị mắc kẹt trong cuộc đấu chính trị này”.
 
Thực ra, Moscow đã bắt đầu xem xét lệnh cấm người Mỹ nhận con nuôi Nga từ sau khi xảy ra vụ một bé trai 2 tuổi người Nga có tên Dima Yakovlev chết năm 2008 ở Mỹ khi cậu bé bị cha nuôi để lại trong một chiếc xe hơi trong điều kiện thời tiết nóng nực. Theo con số thống kê của Nga, Yakovlev là một trong 19 trẻ em Nga thiệt mạng trong khi được người Mỹ nhận nuôi. Vào thời điểm đó, khoảng 45.000 trẻ em Nga được công dân Mỹ nhận nuôi, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
 
Phần lớn người dân Nga ủng hộ dự luật cấm người Mỹ nhận con nuôi ở nước họ. Theo một cuộc thăm dò dư luận mới đây, 56% người được hỏi cho biết, họ đồng ý với việc Nga thông qua dự luật này. Tuy nhiên, những người phản đối dự luật cáo buộc các nghị sĩ Nga dùng trẻ em mồ côi làm vũ khí chính trị.


Kiệt Linh - (tổng thống)

Ý kiến bạn đọc