Trung Quốc đưa quân đến các đảo tranh chấp?

18:25, 18/01/2013
|

(VnMedia) - Thiếu tướng La Viện – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Khoa học Quân sự (CMSS) thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa, gần đây đã lớn tiếng kêu gọi Trung Quốc nên triển khai hiện diện quân sự ở quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông, tờ People Daily hôm 16/1 đưa tin.
 
Phát biểu tại một diễn đàn về chủ đề “Các quyền và lợi ích hàng hải: Lợi ích và an ninh quốc gia của Trung Quốc”, Thiếu tướng La Viện cho rằng, Trung Quốc nên triển khai hiện diện quân sự ở quần đảo tranh chấp với Nhật Bản để “khẳng định chủ quyền lãnh” thổ.
 
Thiếu tướng La Viện là một trong những nhà bình luận quân sự có tư tưởng diều hâu nhất ở Trung Quốc. Trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng ở Biển Đông và biển Hoa Đông, ông La Viện luôn giữ một lập trường hung hăng, hiếu chiến khi thường xuyên kêu gọi dùng vũ lực, gây chiến tranh để giải quyết các tranh chấp đó. Bản thân ông này từng thừa nhận mình là “diều hâu tỉnh táo” và thậm chí còn tuyên bố, đã là quân nhân Trung Quốc thì đều là “diều hâu”.
 
Tại diễn đàn vừa diễn ra, Thiếu tướng La Viện đã nói, Trung Quốc nên bảo vệ các quyền và lợi ích hàng hải theo một cách thức toàn diện. Mặc dù Trung Quốc thường tập trung vào “sự hiện diện chủ quyền” đối với những quần đảo và bãi đá liên quan nhưng “sự hiện diện chủ quyền này” không nên chỉ là “lời nói đãi bôi”. Thay vào đó, Trung Quốc nên hiện thực hóa các hành động để củng cố 6 sự hiện diện ở quần đảo tranh chấp, gồm sự hiện diện của chính quyền, sự tồn tại của hệ thống luật pháp, sự hiện diện quân sự, sự hiện diện của đội ngũ thực thi luật pháp, sự hiện diện kinh tế và sự hiện diện của ý kiến công chúng, ông La Viện hung hăng kêu gọi.
 
Tướng La Viện còn nói thêm rằng, riêng về sự hiện diện kinh tế, ngoài việc khai thác các nguồn lực dầu khí ở những vùng lãnh hải liên quan, Trung Quốc nên đẩy mạnh phát triển cả các nguồn lực văn hóa và du lịch ở đó. Sự “phát triển” theo ông La Viện phải là toàn diện. Nói về sự hiện diện của luật pháp, “mặc dù Trung Quốc đã thông báo đường cơ sở lãnh thổ của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và quần đảo Hoàng Sa nhưng chưa thông báo đường cơ sở trên biển của quần đảo Hoàng Sa nên Trung Quốc chưa thể nắm được quyền điều hành tối cao của luật pháp sớm nhất ở đây”, ông La Viện nhấn mạnh.
 
Nói về sự hiện diện của đội ngũ thực thi pháp luật, Tướng diều hâu Trung Quốc đề nghị nhanh chóng thành lập lực lượng bảo vệ bờ biển riêng của Trung Quốc để phối hợp với các lực lượng thực thi luật hàng hải của nước này thành một lực lượng thống nhất mạnh mẽ. "Nếu không, sớm hay muộn, chúng ta sẽ sớm nhận được những điều tồi tệ nhất khi lực lượng thực thi luật pháp của chúng ta đối diện với lực lượng thực thi luật pháp của các đối thủ. Khi đó, mọi việc đã quá muộn để khắc phục tình hình”, Thiếu tướng La Viện tuyên bố.
 
Quân đội Trung Quốc tham gia vẽ bản đồ Senkaku/Điếu Ngư
 
Trong một diễn biến có liên quan đến tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản, Trung Quốc đang đẩy mạnh hoạt động vẽ bản đồ quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Báo Trung Quốc đưa tin, hiện tại, các thông tin phục vụ cho việc vẽ bản đồ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Trung Quốc có trong tay đều được thu thập qua máy bay do thám. Trong tương lai, Trung Quốc sẽ tiến hành giai đoạn thứ hai của việc vẽ bản đồ, trong đó sẽ có sự tham gia của quân đội.
 
Cụ thể, trong năm nay - 2013, Trung Quốc sẽ phát hành các thông tin địa lý trong việc khảo sát và vẽ bản đồ các quần đảo và bãi đá ở vùng tranh chấp. Chương trình này sẽ được tiến hành dưới sự chỉ đạo của Cục Khảo sát, đo đạc và thông tin địa lý quốc gia Trung Quốc và Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) sẽ tham gia vào hoạt động này, ông Li Zhigang – Giám đốc Trung tâm Địa Tin học Trung Quốc cho biết. Ông này đã tiết lộ thông tin trên trong một cuộc trả lời phỏng vấn sau cuộc họp báo công bố Sách Xanh về Khảo sát và bản đồ Trung Quốc.
 
Giai đoạn đầu của cuộc khảo sát và vẽ bản đồ chỉ bao gồm các quần đảo trong phạm vi 100km so với đường bờ biển của Trung Quốc. Vì quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cách đại lục Trung Quốc 300km nên nó sẽ không được khảo sát trong giai đoạn đầu mà sẽ được đưa vào giai đoạn thứ hai, ông Li nói.
 
Trong hơn nửa năm qua, Trung Quốc liên tiếp có các cuộc đối đầu căng thẳng với các nước láng giềng trong khu vực vì tranh chấp các quần đảo và vùng biển. Trong những cuộc tranh chấp này, Trung Quốc liên tục đưa ra những hành động hung hăng, hiếu chiến nhằm “khẳng định chủ quyền” ở những vùng tranh chấp. Mới đây, hôm 11/1, Trung Quốc lại có thêm hành động “khuấy tung” Biển Đông và vùng biển Hoa Đông.
 
Cụ thể, Cơ quan Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa chất quốc gia Trung Quốc cho biết, lần đầu tiên nước này đưa ra một tấm bản đồ mới trong đó đánh dấu thể hiện rõ hơn 130 đảo lớn nhỏ ở Biển Đông và quần đảo tranh chấp với Nhật Bản ở biển Hoa Đông thuộc Trung Quốc đại lục. Tấm bản đồ phi pháp này được Trung Quốc dự kiến công bố vào cuối tháng này.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc