Vì Nga, Donald Trump bỏ rơi Ukraine không thương tiếc?

07:15, 03/02/2017
|

(VnMedia) - Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gần như phớt lờ tình trạng bùng phát bạo lực ở miền đông Ukraine trong những ngày vừa qua. Diễn biến này phản ánh phương pháp tiếp cận mới của Washington đối với cuộc khủng hoảng ở Ukraine và với Nga. Nhiều người tin rằng, ông Trump đang bỏ rơi Ukraine một cách không thương tiếc để đổi lấy mối quan hệ quan trọng với Nga.

Tổng thống Mỹ Donald Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump

Trong cuộc họp báo diễn ra ngày 1/2, phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer đã rất kiệm lời khi được hỏi về lập trường của chính quyền Mỹ đối với tình trạng bạo lực bùng phát ở Ukraine hồi cuối tuần vừa rồi và kéo dài cho đến tận sáng ngày 1/2. Hàng chục người đã bị thương vong và hàng ngàn người rơi vào cảnh sống khốn khổ vì thiếu nước, điện và nhiệt trong điều kiện thời tiết dưới âm hàng chục độ. Tuy nhiên, trước tình hình này, Mỹ lại không có phản ứng mạnh mẽ hay hành động thể hiện sự ủng hộ mà Kiev mong muốn. Thay vào đó, ông Spicer chỉ cho biết, tân Tổng thống Donald Trump đã “nắm bắt được những diễn biến” ở Ukraine và rằng Nhà Trắng “sẽ tiếp tục cập nhật tình hình”.

Trước đó, hôm 31/1, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã có phản ứng trước tình hình bạo lực ở Ukraine nhưng cũng không hề đả động gì đến Nga trong tuyên bố của họ về việc kêu gọi ngừng bắn và thực hiện đầy đủ các thỏa thuận nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley đã có cuộc gặp với người đồng cấp để “tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”.

Tuy nhiên, việc Mỹ không nhắc gì đến Nga trong phản ứng về tình hình Ukraine trái ngược hoàn toàn với những tuyên bố mà chính quyền Barack Obama từng đưa ra trước đây mỗi khi bạo lực bùng phát ở Ukraine. Chính quyền của ông Obama thường lên án gay gắt Nga, cáo buộc Nga hậu thuẫn và thậm chí là chỉ đạo các cuộc tấn công nhằm vào quân đội Ukraine cũng như không thực hiện các nghĩa vụ theo thỏa thuận ngừng bắn năm 2015 đạt được ở Minsk, Belarus.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ về việc tái khẳng định sự ủng hộ của nước này với kế hoạch Minsk chỉ được đưa ra sau những cuộc tranh luận nội bộ giữa nhiều cơ quan có liên quan ở Washington. Theo một quan chức nắm rõ tình hình những cuộc thảo luận đó, giới chức Nhà Trắng đã tỏ ra hoài nghi về sự cần thiết phải nhắc đến thỏa thuận Minsk trong tuyên bố được phát đi dù Mỹ luôn khăng khăng nhấn mạnh sẽ thực hiện đầy đủ thỏa thuận này trong suốt gần 2 năm qua.

“Mỹ quan ngại sâu sắc về tình trạng gia tăng bạo lực ở miền đông Ukraine. Để tránh một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn hơn, chúng tôi kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và duy trì lệnh ngừng bắn, tạo điều kiện cho các giám sát viên của OSCE tiếp cận đầy đủ và không có sự cản trở để họ có thể giám sát tình hình. Chúng tôi cũng tái khẳng định cam kết ủng hộ cho việc thực hiện đầy đủ các thỏa thuận  Minsk”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cho biết trong tuyên bố.

Trong đợt bùng phát bạo lực gần đây nhất ở Ukraine hồi tháng 12 năm ngoái, cựu phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby đã đi xa hơn rất nhiều khi thẳng thừng cáo buộc Moscow hậu thuẫn cho “nỗ lực của lực lượng ly khai nhằm đánh chiếm thêm lãnh thổ ở Ukraine”.

Trong tuyên bố được phát đi ngày 20/12, ông Kirby khẳng định Nga vi phạm các cam kết và kêu gọi Nga sử dụng ảnh hưởng của mình để gây áp lực buộc lực lượng ly khai chấm dứt bạo lực.

Và trong những ngày cuối cùng của chính quyền Tổng thống Obama, phát ngôn viên Nhà Trắng khi đó là ông Josh Earnest đã công khai chỉ trích Nga về tình hình ở Ukraine và Syria.

Tuy nhiên, dưới thời chính quyền Donald Trump, giọng điệu của Nhà Trắng về Nga đã có sự thay đổi hoàn toàn. Điều này diễn ra trong bối cảnh Châu Âu đang ngày càng lo ngại về lập trường của tân Tổng thống Trump đối với Nga. Chính quyền mới của Mỹ muốn cải thiện quan hệ với Moscow. Các đồng minh phương Tây của Mỹ lo ngại, ông Trump có thể đánh đổi Ukraine để lấy mối quan hệ tốt đẹp hơn với Moscow.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc