Vừa nịnh vừa doạ Nga, NATO nhận cảnh báo nghiêm khắc

10:17, 21/04/2016
|

(VnMedia) - Một mặt thể hiện mong muốn duy trì các kênh liên lạc với Nga, mặt khác NATO vẫn rắn mặt tuyên bố mọi việc trong quan hệ giữa Moscow và liên minh quân sự phương Tây chưa thể “trở về như bình thường”. Đáp lại, Nga thẳng thừng cảnh báo nếu phía NATO không có những bước đi thực sự nhằm giảm các hoạt động quân sự ở những khu vực gần Liên bang Nga thì sẽ không thể có chuyện hai bên tham gia được vào bất kỳ cuộc đối thoại có ý nghĩa nào nhằm xây dựng lòng tin.

Một cuộc tập trận của NATO ở biển Baltic
Một cuộc tập trận của NATO ở biển Baltic

NATO và Nga tiếp tục rơi vào “sự bất đồng toàn diện và sâu sắc” về khủng hoảng Ukraine và các vấn đề khác khi đại sứ hai bên lần đầu tiên có cuộc họp kể từ năm 2014, Tổng thư ký NATO – ông Jens Stoltenberg cho biết.

Nga và NATO đã đồng ý duy trì kênh liên lạc giữa họ sau cuộc họp của Hội đồng Nga-NATO ngày hôm qua (20/4). Cuộc họp này diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và NATO đang ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine và vì vụ sáp nhập báo đảo Crimea vào Nga.

Người ta đã hy vọng về một sự hoá giải mâu thuẫn giữa Nga và liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương sau cuộc đối đầu nóng bỏng kéo dài suốt từ năm 2014 đến giờ. Tuy nhiên, có vẻ như hai bên không thể làm lành được với nhau do những mâu thuẫn, bất đồng chưa thể hoá giải.

"Tôi cho rằng, chúng tôi đã có một cuộc họp thực sự hiệu quả, diễn ra trong tinh thần nghiêm túc và thẳng thắn”, Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho biết tại cuộc họp báo sau cuộc họp. Ông này nói thêm rằng, cả hai bên “đã lắng nghe nhau”.

Tuy nhiên, ông Stoltenberg nhấn mạnh đến thực tế, "giữa NATO và Nga vẫn tồn tại những bất đồng sâu sắc khó hoá giải".

Tổng thư ký NATO cũng thừa nhận, Nga và NATO còn lâu mới có thể đạt được bất kỳ sự đột phá nào trong việc tháo gỡ mối quan hệ căng thẳng giữa hai bên xung quanh vấn đề Ukraine.

"Có những bất đồng sâu sắc liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Trong cuộc họp, một lần nữa chúng tôi lại phải xác nhận chúng tôi bất đồng quan điểm về những sự kiện, về cách tiếp cận vấn đề cũng như trách nhiệm trong cuộc khủng hoảng ở trong và xung quanh Ukraine”.

Quan hệ giữa Nga và NATO cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong những tháng gần đây vì chiến dịch quân sự của Moscow ở Syria và sau hai vụ va chạm giữa quân đội Mỹ và máy bay Nga ở biển Baltic.

Đại sứ Nga tại NATO - ông Alexander Grushko nhấn mạnh sau cuộc họp với đại diện của 28 nước thành viên NATO rằng, chính liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương này mới là bên có lỗi vì đã gia tăng các hoạt động quân sự bên sườn của Nga.

"Đối với chúng, mọi việc cực kỳ rõ ràng, đó là nếu phía NATO không có những bước đi thực sự nhằm giảm các hoạt động quân sự ở những khu vực gần Liên bang Nga thì sẽ không thể có chuyện hai bên tham gia được vào bất kỳ cuộc đối thoại có ý nghĩa nào nhằm xây dựng lòng tin”, ông Grushko khẳng định.

Đại sứ Grushko nhấn mạnh, việc các máy bay Nga lượn lờ xung quanh tàu khu trục mang tên lửa của Mỹ - USS Donald Cook ở biển Baltic hồi tuần trước là bởi vì con tàu này đã đi lại gần khu vực Kaliningrad của Nga.

"Đây không phải là hành động quân sự đơn thuần mà là một nỗ lực của NATO nhằm gây sức ép quân sự lên Nga”, ông Grushko cáo buộc.

Về phần mình, Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho hay, việc “duy trì các kênh liên lạc” cả về quân sự và chính trị giữa Nga với liên minh quân sự phương Tây là rất quan trọng và cần thiết để tránh nguy cơ”. Tuy nhiên, ông Stoltenberg cũng nhanh chóng tuyên bố, điều này không có nghĩa là “mọi việc đối với chúng tôi đã trở về như bình thường”.

Những phát biểu của quan chức Nga và NATO cho thấy rõ một thực tế, quan hệ giữa hai bên vẫn chưa thể hàn gắn.

Mối quan hệ giữa Nga và NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia.

Việc NATO tiến sát đến biên giới Nga đi ngược lại những cam kết mà liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đưa ra trong Dự luật Nga-NATO. Dự luật này quy định liên minh quân sự phương Tây không được phép triển khai một số lượng binh lính đáng kể đến lãnh thổ của các nước thành viên NATO mới nằm sát Nga. Những bước đi của NATO khiến Nga không thể ngồi yên.

Trong bản học thuyết hải quân mới nhất vừa được Moscow công bố hồi cuối năm ngoái, NATO được xem là một mối đe dọa lớn đối với Nga do những kế hoạch của NATO trong việc đưa quân và vũ khí quân sự đến sát sườn Nga.

Kiệt Linh (tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc