Nga "dàn trận" khắp biên giới, có làm láng giềng sợ hãi?

11:15, 28/03/2016
|

(VnMedia) - Quân đội Nga hồi cuối tuần vừa rồi tuyên bố, nước này sẽ tăng cường các lực lượng quân sự trên toàn bộ con đường dọc từ biên giới phía tây đến các đảo ở Thái Bình Dương. Động thái quân sự này được đưa ra trong bối cảnh Nga đang đối đầu căng thẳng với phương Tây.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Chi tiết về ngân sách cho kế hoạch trên không được tiết lộ nhưng chắc chắn đó phải là một kế hoạch rất tốn kém. Việc Nga quyết định thực hiện một chính sách quân sự với nguồn đầu tư lớn trong bối cảnh nền kinh tế đang rơi vào suy thoái vì giá dầu và các đòn trừng phạt của phương Tây đủ cho thấy chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin coi trọng kế hoạch đó như thế nào.

Trong khi thông báo kế hoạch triển khai lực lượng khắp biên giới từ phía tây đến Thái Bình Dương, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cho biết, việc các lực lượng quân sự NATO dàn ra khắp khu vực biên giới Nga đã gây lo ngại. Trong một động thái được cho là một phần của kế hoạch đáp trả liên minh quân sự phương Tây, ông Shoigu cho hay, các đơn vị mới đã được thành lập trong Quân khu Phía Tây, trong đó có hai sư đoàn.

Những lực lượng quân sự ở phía tây Nga sẽ nhận được 1.100 hệ thống vũ khí mới, trong đó có lực lượng chiến đấu cơ, trực thăng, xe tăng và các xe bọc thép khác.

Ở vùng cận động, quân đội sẽ triển khai những hệ thống tên lửa chống hạm tối tân Bal và Bastion cũng như các máy bay không người lái đến quần đảo phía nam Kuril – một nhóm đảo mà Nga đang tranh chấp với Nhật Bản.

Các tên lửa chống hạm được triển khai đến quần đảo Kuril có khả năng đánh trúng mục tiêu ở xa hơn 300km.

Bộ trưởng Shoigu cho hay, Nga cũng đang cân nhắc đến khả năng thành lập một căn cứ hải quân trên quần đảo Kuril. Các tàu của Hạm đội Thái Bình Dương của Nga sẽ đến khu vực này vào mùa hè để nghiên cứu, xác định vị trí thiết lập căn cứ.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga còn cho biết thêm, nước này sẽ tiếp tục tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực Bắc Cực.

Mối quan hệ giữa Nga với NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO dưới sự dẫn dắt của Mỹ đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine.

Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, Mỹ và NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia. NATO còn tăng cường tiến hành các cuộc tập trận quân sự và đang đối phó với Nga bằng cách tăng cường phòng thủ ở sườn phía đông của Châu Âu với một đội quân mũi nhọn gồm 5.000 binh lính với các trung tâm chỉ huy được lập lên ở các nước Baltic, Bulgari, Ba Lan và Rumani.

Trong thời gian qua, Mỹ cùng với phương Tây bị cáo buộc là đang tìm cách thổi phồng về mối đe dọa của Nga đối với các nước láng giềng. Điều đó khiến cho các nước láng giềng xung quanh cuống cuồng kêu gọi NATO đưa quân và vũ khí và nước họ. Những nước này đồng thời cũng tăng chi tiêu quân sự để đối phó với cái mà họ gọi là mối đe dọa Nga. Một số nước láng giềng xung quanh Nga thậm chí còn coi Nga là thách thức lớn nhất đối với an ninh Châu Âu.

Trong khi đó, Nga tin rằng, Mỹ cùng NATO đang dựa vào cái cớ là cuộc khủng hoảng ở Ukraine, là cái được gọi là “mối đe dọa” từ Nga để tăng cường sự hiện diện quân sự ở mức độ chưa từng có trong các khu vực xung quanh Nga.

Đáp lại, Moscow cũng tuyên bố sẽ có những biện pháp quân sự đáp trả tương ứng để đối phó với những động thái quân sự của phương Tây.

Kế hoạch “dàn trận” của Nga được cho là còn để đối phó với Nhật Bản trong bối cảnh hai nước còn tranh chấp nhau quần đảo Kuril.


Ý kiến bạn đọc