Nga sẽ dồn quân tới "điểm nóng" nào năm 2015?

14:33, 31/12/2014
|

(VnMedia) - Trong một cuộc phỏng vấn trên với đài Rossiya-24, Tướng Valery Gerasimov - Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Nga cho biết, kế hoạch tăng cường sự hiện diện của Nga tại Bắc Cực đang là một trong những ưu tiên chính của chính quyền nước này trong năm 2015. Theo đó, Nga sẽ thành lập và triển khai các lực lượng quân đội, đặc biệt là các đơn vị phòng không và không quân  ở Bắc Cực trong năm 2015.
 
“Sở chỉ huy chiến lược thống nhất ở Bắc Cực hiện đang được triển khai ở Hạm đội phương Bắc của Nga, có nhiệm vụ bảo đảm an ninh trong khu vực trước mọi hình thức xung đột vũ trang”, ông Gerasimov cho biết.

Ảnh minh họa

“Chúng tôi đã biên chế một sư đoàn phòng không và chúng tôi sẽ thành lập thêm một lực lượng  không quân và lục quân hỗn hợp tại đó”, ông nói. Tướng Nga còn cho biết thêm rằng, Bộ Quốc phòng Nga sẽ thành lập một trung tâm huấn luyện chuyên biệt cho binh lính thực hiện nghĩa vụ quân sự tại khu vực Bắc Cực trong năm 2015. 
 
Mấy năm trở lại đây, Nga đang tích cực thực hiện một số biện pháp cả về chính trị, kinh tế và quân sự nhằm bảo vệ lợi ích của họ tại Bắc Cực trong bối cảnh NATO cũng đã tăng cường lợi ích tại khu vực.  Theo đó, Nga đang lên kế hoạch thành lập một lực lượng quân sự hỗn hợp và xây dựng một mạng lưới các cơ sở quân sự tại các vùng lãnh thổ Bắc Cực của họ để đón tiếp binh lính, máy bay và tàu chiến hiện đại, một phần trong kế hoạch tăng cường bảo vệ lợi ích và đường biên giới của nước này tại khu vực.
 
Trước đó, hôm 1/12, Bộ chỉ huy quân sự chiến lược mới của Nga ở Bắc Cực đã được đưa vào hoạt động trong một nỗ lực nhằm tăng cường sự hiện diện của quân đội Nga trong khu vực. Theo RIA, Bộ chỉ huy này sẽ “cai quản” toàn bộ lực lượng vũ trang của Nga tại Bắc Cực nhằm tăng cường cấu trúc quân sự, điều phối hoạt động của các lực lượng vũ trang để bảo vệ quyền lợi ở những vùng cận cực thuộc chủ quyền của Nga ở khu vực đầy tiềm năng nay. Theo Bộ Quốc phòng Nga, bộ chỉ huy chiến lược này sẽ bao gồm Hạm đội phương Bắc, 2 lữ đoàn tác chiến Bắc Cực, cùng với các đơn vị không quân và phòng quân. 

Tăng cường sức mạnh không quân ở Bắc Cực
 
Bên cạnh việc thiết lập một bộ chỉ huy cùng một lực lượng quân sự hỗn hợp trên, Nga còn đang tập trung vào việc xây dựng và củng cố lực lượng không quân tại Bắc Cực. Bộ Quốc phòng Nga cho biết, nhiệm vụ chính của Không lực Nga trong năm 2015 là tăng cường sự hiện diện tại khu vực Bắc Cực, tái huấn binh lính sử dụng các loại vũ khí hiện đại mới. Theo Bộ Quốc phòng, lực lượng lính phòng không Nga sẽ được tập huấn nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu tại khu vực có thời tiết khắc nghiệt như Bắc Cực thông qua các cuộc tập trận. 
 
Trước đó, hồi giữa tháng 11, Bộ quốc phòng Nga cho biết, cơ quan này sẽ thành lập đơn vị máy bay không người lái ở bán đảo Chukchi để đảm bảo an ninh và kiểm soát việc phát triển hạ tầng quân sự tại Bắc cực. 
 
Trước nữa, ngày 28/10, ông Mikhail Mizintsev - Giám đốc Trung tâm quản lý quốc phòng Nga cho biết, nước này sẽ xây dựng 10 trạm radar ở khắp Bắc Cực để bảo vệ an ninh quân sự tại khu vực này. Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cũng tiết lộ, Nga sẽ phủ sóng radar ở toàn bộ Bắc Cực vào trước cuối năm nay trong khuôn khổ kế hoạch mở rộng sự hiện diện quân sự của Nga tại khu vực.
 
Ngoài ra, theo chiến lược tăng cường sự hiện diện tại Bắc Cực, Bộ Quốc phòng Nga có kế hoạch sẽ khôi phục lại các sân bay và bến cảng tại quần đảo New Siberia và bán đảo Franz Josef Land và ít nhất 7 sân bay trên phần lục địa của Vòng Bắc Cực. Trong đó, việc xây dựng sân bay Tiksi ở khu vực cực bắc của Yakutiam bên ngoài Vòng Bắc Cực cũng sẽ được hoàn thành trong năm 2015. Trong khi đó, 3 sân bay ở Alykel (thuộc vùng lãnh thổ Krasnoyarsk), ở Vorkuta (thuộc nước cộng hòa Komi), và ở Anadyr, trung tâm hành chính của Chukotka sẽ được nâng cấp và mở rộng.

Bên cạnh đó, theo dự kiến, trong vòng 6 năm tới, Nga sẽ có tổng cộng 8 tàu ngầm hạt nhân lớp Borey, tàu ngầm dự kiến sẽ trở thành xương sống trong Lực lượng Hạt nhân Chiến lược của Nga hoạt động tại Bắc Cực.
 
Không chỉ có vậy, vào đầu năm 2015, chính phủ Nga sẽ đệ trình một yêu cầu lên Liên Hợp Quốc về việc mở rộng đường biên giới thềm lục địa Bắc Cực của họ lên 1,2 triệu km2. 
 
Là một trong số ít những vùng đất “chưa có chủ” trên Trái Đất, Bắc Cực đang trở thành một điểm nóng tranh chấp mới. Hiện tại, ít nhất 5 nước gồm Nga, Na Uy, Đan Mạch, Canađa và Mỹ đều đưa ra những đòi hỏi chủ quyền đối với vùng Bắc Cực. Tất cả các nước này đều có lối ra trực tiếp với biển Bắc Băng Dương. Tuyên bố chủ quyền quốc gia của các nước này có thể dựa vào những luận chứng khác nhau và họ sẵn sàng cho cuộc đấu bảo vệ "chủ quyền lãnh thổ".
 
Gần đây, Bắc Cực lại càng trở thành tâm điểm của những tranh chấp giữa các quốc gia trên, đặc biệt là Nga và Canada khi mà tình trạng nóng lên của toàn cầu làm giảm băng trên biển, cho phép tiếp cận dễ dàng hơn với các mỏ dầu khí khổng lồ ở Bắc Cực.


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc