(VnMedia) -
Số liệu thống kê đến thời điểm này cho thấy, bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2017 khá sáng sủa và những mục tiêu mà Chính phủ đặt ra đã gần như đạt được. Số lượng doanh nghiệp được thành lập mới tăng ở mức kỷ lục, trên 100 ngàn doanh nghiệp mỗi năm.
Bức tranh kinh tế Việt Nam khá sáng
Chia sẻ tại “Diễn đàn doanh nghiệp 2018: Thích ứng trong môi trường kinh tế đang biến đổi”, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, dù phải còn gần 1 tháng nữa, nền kinh tế Việt Nam mới về đích 2017, nhưng những số liệu thống kê đến thời điểm này cho thấy, bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2017 khá sáng sủa và những mục tiêu mà Chính phủ đặt ra đã gần như đạt được.
Theo ông Phòng, ngay từ đầu, Chính phủ đã xác định năm 2017 là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp. Mục tiêu cắt giảm 30% - 50% số giấy phép con để “cởi trói” cho doanh nghiệp được đề ra. Trong đó, hai tuyến cải cách giảm rào cản và giảm chí phí đã và đang được thúc đẩy mạnh mẽ…
Theo các khảo sát động thái của doanh nghiệp do VCCI thực hiện gần đây, niềm tin của doanh nghiệp đang trở lại. Số lượng doanh nghiệp được thành lập mới tăng ở mức kỷ lục, trên 100 ngàn doanh nghiệp mỗi năm. Việt Nam tăng bậc trong bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Mặc dù kinh tế năm 2017 diễn ra rất khả quan, nhưng theo ông Phòng, nhiều dự báo cho thấy trước mắt năm 2018 vẫn còn nhiều thách thức. Theo đó, ngoài các yếu tố khách quan, còn là các vấn đề liên quan đến điểm yếu nội tại của nền kinh tế, từ mô hình kinh tế chủ yếu dựa trên lao động giá rẻ, trình độ công nghệ thấp; đất đai, tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, trong khi hiệu quả sử dụng chưa tăng đáng kể; doanh nghiệp trong nước vẫn hạn chế cả về quy mô, năng lực điều hành, dẫn tới hạn chế về khả năng cạnh tranh…
Hiện tại, dù chúng ta có gần 700 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng trên 60% doanh nghiệp vẫn trong tình trạng kinh doanh không có lãi. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng lên (11 tháng/2017 có 116 ngàn doanh nghiệp thành lập mới), nhưng số doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể cũng chưa giảm như kỳ vọng…
Cũng theo Phó Chủ tịch VCCI, cần tiếp tục tăng cường các nghiệp vụ giám sát và quản lý thận trọng nhằm giảm thiểu rủi ro cho khu vực ngân hàng trong bối cảnh tín dụng tăng nhanh. Thách thức về lâu dài đối với Việt Nam là làm sao duy trì được tăng trưởng với tốc độ cao đi đôi với giảm nghèo bền vững. Tiếp tục đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế (đặc biệt là cải cách doanh nghiệp nhà nước), cải thiện môi trường kinh doanh, vận hành tốt thị trường yếu tố sản xuất (đất đai, vốn) sẽ giúp xóa bỏ các rào cản chủ yếu trong quá trình cải thiện hiệu quả và tăng năng suất lao động. Cần giải quyết khoảng cách về giới trong trả công lao động, nhất là trong khu vực FDI, nơi mà lương lao động nam vẫn tăng ngay cả khi lương lao động nữ có xu hướng giảm nhẹ.
"Mặt khác, tăng trưởng kinh tế thế giới 2018 cũng được dự báo là tốt hơn năm 2017. Các thiết lập quan hệ kinh tế của thế giới hiện nay cũng đang bắt đầu đi vào vận hành. Đặc biệt, với thành công của hội nghị APEC vừa rồi tại Đà Nẵng, nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ có nhiều khả năng thiết lập được các mối quan hệ kinh tế thuận lợi hơn 2017", ông Phòng cho hay.
Doanh nghiệp tư nhân phải tự chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Nguyễn Hồng Long - Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Trung ương cho biết, sau hơn 30 năm đổi mới, dưới sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, hội nhập của Việt Nam trong nền kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, vị thế và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Đặc biệt, khu vực kinh tế tư nhân đã ngày càng phát triển với gần 620 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp tỉ trọng trong GDP 40%, khoảng 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp, gần 80% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ, 64% tổng lượng hàng hóa vận chuyển.
Cùng với đó, khu vực kinh tế tư nhân thu hút khoảng 51% lực lượng lao động cả nước và tạo khoảng 1,2 triệu việc làm cho người lao động mỗi năm... Thời gian gần đây đã hình thành được một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn, đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh.
“Để thực hiện mục tiêu đến năm 2025 có trên 1,5 triệu doanh nghiệp tư nhân, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%, ngay từ đầu nhiệm kỳ (ngày 29/4/2016), Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức gặp mặt doanh nghiệp với chủ đề: “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”, ngay sau buổi gặp mặt, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP”, ông Long cho biết.
Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương cũng chia sẻ, đối với việc phát triển kinh tế tư nhân, nếu như hiện nay mọi người đang lầm tưởng đây là vai trò của Chính phủ thì dường như xã hội đang hiểu lầm. Với sự tư duy ngủ quên như vậy thì không đúng với bản chất của quá trình tái cơ cấu.
Theo ông Hiếu, doanh nghiệp đang có 2 cơ hội và 1 thách thức lớn. Cơ hội thứ nhất, thông điệp của Chính phủ rõ ràng là phát triển kinh tế tư nhân lấy nó làm động lực phát triển kinh tế, điều này thể hiện rất rõ trong các Nghị quyết.
Cơ hội thứ 2 doanh nghiệp gián tiếp có được là tạo một môi trường kinh doanh giảm được thời gian, chi phí, doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi, dễ dàng hơn. Theo đó, cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp tư nhân cũng sẽ tăng lên.
Trong khi đó, theo ông Hiếu, thách thức lớn nhất là khi môi trường kinh doanh thuận lợi, sẽ thuận lợi cho doanh nghiệp, và gia tăng sức cạnh tranh nói chung. Khi đó, chính bản thân doanh nghiệp cũng bị sức ép cạnh tranh và nó tàn khốc “như chiến tranh”. Vì vậy, nếu doanh nghiệp không thay đổi sẽ bị loại bỏ khỏi cuộc chơi.
"Doanh nghiệp tư nhân phải tự chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh cho chính mình. Nhiệm vụ của doanh nghiệp nói ngắn gọn là tự đổi mới, chủ động sáng tạo, chớp cơ hội từ tái cơ cấu nền kinh tế", Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương chia sẻ.
Minh Ngọc
Ý kiến bạn đọc