Sự thật về những công nghệ nhà đầu tư nước ngoài đưa vào Việt Nam

16:16, 07/12/2017
|
(VnMedia) - Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, có tới hơn 80% doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sử dụng công nghệ trung bình của thế giới, 14% ở mức thấp và lạc hậu, chỉ có 5- 6% sử dụng công nghệ cao.
 
Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo "Thách thức của việc thay đổi chính sách đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam" do Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham), phối hợp tổ chức sáng nay (7/12).
 
Cứ 10 đồng xuất khẩu thì có 7 đồng đóng góp từ FDI
 
Sau 30 năm mở cửa thu hút, FDI đã trở thành một trong những động lực quan trọng nhất thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Việc tạo môi trường đầu tư thuận lợi đã giúp Việt Nam trở thành một trong những nước thu hút nguồn vốn FDI nhiều nhất trong khu vực.
 
Đưa ra đánh giá về tình hình đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết, hiện nguồn vốn FDI đóng góp lớn khi cứ 10 đồng xuất khẩu thì có 7 đồng đóng góp từ FDI.
 
Theo ông Tuấn, VCCI đã tiến hành khảo sát đối với các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam về điểm hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam. Câu trả lời của các nhà đầu tư đó là Việt Nam có chính sách thuế ổn định, truyền thống, đầu tư tại Việt Nam có chi phí rẻ, ưu đãi về môi trường ổn định, và thuế ổn định.
 
Liên quan đến những hạn chế trong chính sách đối với nhà đầu tư nước ngoài, ông Tuấn cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng cơ sở hạ tầng không cân xứng và giá trị nhân lực chưa phù hợp.
 
Có tới hơn 80% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ trung bình của thế giới. Ảnh minh họa
Có tới hơn 80% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ trung bình của thế giới. Ảnh minh họa
Cũng theo Trưởng Ban Pháp chế VCCI , đến nay, pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp đã có nhiều thay đổi lớn, có nhiều cam kết quan trọng. Đơn cử như, Điều 13 Luật đầu tư 2014 vừa qua đã ghi rõ Nhà nước Việt Nam đảm bảo đầu tư thay đổi trong trường hợp thay đổi pháp luật, trường hợp thay đổi chính sách theo hướng không có lợi bằng thì nhà đầu tư được đảm bảo áp dụng theo quy định cũ. Đây là cam kết quan trọng đối với nhà đầu tư.
 
"Trước khi quyết định đầu tư, sự ổn định và nhất quán là điều quan trọng nhất giúp nhà đầu tư yên tâm. Những thay đổi chính sách không nhất quán sẽ khiến tăng rủi ro", ông Tuấn cho biết.
 
Đa số nhà đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ trung bình
 
Theo ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE), qua nhiều lần thay đổi chính sách và luật pháp, FDI đã thu hút được nhiều nhà đầu tư trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ với 165 tỷ USD vốn thực hiện. Theo đó, các doanh nghiệp FDI đóng góp 19% thu ngân sách nội địa, 19% GDP với trên 55% giá trị sản lượng công nghiệp và hơn 70% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2017.
 
Riêng trong năm 2016, khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 50% giá trị sản lượng công nghiệp, trong đó dầu khí, điện tử, smartphone, mobilphone, linh kiện điện tử, thức ăn gia súc, đồ uống... có tỷ trọng cao hơn nhiều; chiếm trên 72% tổng kim ngạch xuất khẩu.
 
Mặt hàng chủ lực là nhóm hàng chế tạo có giá trị gia tăng cao, xuất siêu khoảng 25% kim ngạch xuất khẩu của khu vực này, chẳng những bù đắp được nhập siêu của doanh nghiệp trong nước mà còn tạo ra xuất siêu gần 3 tỷ USD, đóng góp khoảng 20% thu nội địa và 20% GDP.
 
"Có thể thấy rằng, qua những chính sách ngày càng thông thoáng và cởi mở, các con số thống kê trên đây thể hiện quy mô vốn FDI vào nước ta ngày càng lớn, đồng thời chất lượng và hiệu quả kinh tế- xã hội của khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài ngày càng cao hơn", ông Nguyễn Mại chia sẻ.
 
Mặc dù doanh nghiệp FDI đã đóng góp to lớn cho sự phát triển doanh nghiệp, nhưng theo ông Nguyễn Mại, vẫn có những tồn tại phát sinh từ các dự án FDI, đòi hỏi cần được đánh giá, điều chỉnh. Trong đó, việc sử dụng và chuyển giao công nghệ là vấn đề cần chú ý.
 
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài dẫn chứng số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo đó, có tới hơn 80% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ trung bình của thế giới, 14% ở mức thấp và lạc hậu, chỉ có 5- 6% sử dụng công nghệ cao.
 
Bên cạnh đó, Chính phủ đã phân cấp toàn diện cho Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố về quản lý nhà nước đối với FDI. Tuy vậy một số địa phương đã tự đề ra các quy định vượt quá thẩm quyền, như miễn giảm thuế cho các dự án FDI nhiều hơn với thời hạn dài hơn các khung pháp lý mà Quốc hội đã thông qua, dẫn đến sự mất cân đối trong việc đầu tư FDI giữa các tỉnh, thành phố, gây ra việc chênh lệch vốn, phát triển kinh tế không đồng đều.
 
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch Đầu tư, tính tới tháng 11/2017, cả nước có 2.293 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 19,8 tỷ USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Năm 2017, thu hút vốn FDI đạt kết quả tốt. Tính chung trong 11 tháng năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 33,09 tỷ USD, tăng 82,8% so với cùng kỳ năm 2016. Đáng chú ý, vốn tại chỗ tăng thêm cũng tăng trên 50%, góp vốn mua cổ phần cũng tăng trên 50%, giúp tăng khả năng quản trị và kết quả hoạt động của doanh nghiệp.
 
Minh Ngọc

Ý kiến bạn đọc