Hàng loạt quyết định quan trọng chính thức có hiệu lực từ 1/1/2018

07:00, 31/12/2017
|

(VnMedia) - Tăng lương tối thiểu vùng; Chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần; Quy định mới về tính lãi tiền gửi với khách hàng; Doanh nghiệp sản xuất ô tô được ưu đãi thuế... là những quyết định quan trọng chính thức có hiệu lực từ 1/1/2018.

Tăng lương tối thiểu vùng

Theo Nghị định số 141/2017 do Chính phủ vừa ban hành, kể từ 1/1/2018, lương tối thiểu vùng sẽ được tăng. Mức tăng dao động 180.000 - 230.000 đồng/tháng.

Cụ thể, ở vùng I là 3.980.000 đồng/tháng, vùng II 3.530.000 đồng, vùng III 3.090.000 đồng, vùng IV 2.760.000 đồng.

Theo Nghị định này, khi thực hiện mức lương tối thiểu vùng, doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại...

Doanh nghiệp sản xuất ô tô được ưu đãi thuế

Vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 125/2017/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch, có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.

Theo quy định mới, chương trình ưu đãi thuế được áp dụng đối với doanh nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô theo quy định của Chính phủ về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hồ sơ đăng ký tham gia chương trình bao gồm: Công văn đăng ký tham gia Chương trình ưu đãi thuế theo Mẫu số 05 (01 bản chính); Giấy chứng nhận doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc luận chứng kinh tế kỹ thuật của nhà máy (01 bản chụp có chứng thực).

Ô tô trên 7 - 9 chỗ phải dán nhãn năng lượng trước khi ra thị trường

Theo quy định tại Thông tư 40/2017/TT-BGTVT về dán nhãn năng lượng thì xe ô tô con trên 7 - 9 chỗ được sản xuất, lắp ráp từ linh kiện rời hoàn toàn mới hoặc NK chưa qua sử dụng phải được dán nhãn năng lượng trước khi đưa ra thị trường.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định cơ sở sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô con trên 7 - 9 chỗ được tự công bố mức tiêu thụ nhiên liệu và dán nhãn năng lượng trong các trường hợp xe sản xuất, lắp ráp thuộc loại xe đã được cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; Xe nhập khẩu thuộc loại xe đã được cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trước 1/1/2018.

Thông tư 40/2017/TT-BGTVT có hiệu lực từ 1/1/2018.

Quy định mới về tính lãi tiền gửi với khách hàng

Từ ngày 1/1/2018, phương pháp tính lãi trong hoạt động nhận tiền gửi, cấp tín dụng giữa tổ chức tín dụng với khách hàng được thực hiện theo quy định tại Thông tư 14/2017/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới ban hành.

Thông tư nêu rõ, lãi suất tính lãi được quy đổi theo tỷ lệ %/năm (lãi suất năm); một năm là ba trăm sáu mươi lăm ngày; một tháng là ba mươi ngày.

Đối với khoản tiền gửi, cấp tín dụng có thời hạn từ một ngày trở lên: Tổ chức tín dụng được thỏa thuận với khách hàng về thời hạn tính lãi và thời điểm xác định số dư để tính lãi theo một trong hai cách:

Thứ 1: Thời hạn tính lãi được xác định từ ngày tiếp theo ngày giải ngân khoản cấp tín dụng hoặc ngày tiếp theo ngày nhận tiền gửi đến hết ngày thanh toán hết khoản cấp tín dụng, khoản tiền gửi (bỏ ngày đầu, tính ngày cuối của thời hạn tính lãi) và thời điểm xác định số dư để tính lãi là đầu mỗi ngày trong thời hạn tính lãi.

Thứ 2: Thời hạn tính lãi được xác định từ ngày giải ngân khoản cấp tín dụng hoặc ngày nhận tiền gửi đến hết ngày liền kề trước ngày thanh toán hết khoản cấp tín dụng, khoản tiền gửi (tính ngày đầu, bỏ ngày cuối của thời hạn tính lãi) và thời điểm xác định số dư để tính lãi là cuối mỗi ngày trong thời hạn tính lãi.

Chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 về việc chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần.

Đối tượng áp dụng Nghị định gồm cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp nhà nước bao gồm: Công ty TNHH MTV do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế; Công ty mẹ của Tổng công ty nhà nước; Công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con; Công ty TNHH MTV độc lập do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ chưa chuyển thành công ty TNHH MTV; Công ty TNHH MTV do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ (doanh nghiệp cấp II).

Theo Nghị định, nhà đầu tư nước ngoài được quyền mua cổ phần của doanh nghiệp cổ phần hóa theo quy định tại Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Nhà đầu tư nước ngoài có nhu cầu mua cổ phần phải mở tài khoản tại tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật Việt Nam về ngoại hối.

Nghị định quy định rõ việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược. Theo quy định, việc tổ chức bán cổ phần lần đầu cho nhà đầu tư chiến lược chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp thuộc danh mục Nhà nước tiếp tục nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần khi cổ phần hóa theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Nhà đầu tư chiến lược phải đặt cọc, ký quỹ bằng tiền hoặc có bảo lãnh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật bằng 20% giá trị cổ phần đăng ký mua theo giá khởi điểm đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định trong phương án cổ phần hóa đã phê duyệt.

Nghị định này có hiệu lực từ 1/1/2018.

Minh Ngọc