Nền kinh tế Việt Nam vững vàng trước cú sốc ngoài dự kiến

14:31, 26/09/2017
|
(VnMedia) - Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt kết quả khả quan bất chấp một số yếu tố bất lợi.
 
Sáng nay (26/9), Ngân hàng Phát triển Châu Á đã tổ chức họp báo Cập nhật tình hình Kinh tế Việt Nam.
 
Kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt kết quả khả quan
 
Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á, do sự sụt giảm 8% sản lượng khai khoáng và dầu thô trong nửa đầu năm nay, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam xuống còn 6,3% trong năm 2017 và 6,5% trong năm 2018.
 
Chia sẻ tại họp báo, ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam nhận định, bất chấp sự sụt giảm sản lượng khai khoáng và dầu thô, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt kết quả khả quan, khi được thúc đẩy bởi hai động lực là sản xuất định hướng xuất khẩu và tăng tiêu dùng nội địa.
 
Theo đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng trưởng 10,5% trong nửa đầu năm do các nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài đẩy mạnh sản xuất, trong khi khu vực dịch vụ tiếp tục tăng trưởng nhờ sự gia tăng hoạt động bán lẻ, mở rộng cho vay của ngân hàng, cũng như mức tăng 30% số du khách tới Việt Nam.
 
Trong khi đó, nhờ du lịch tăng trưởng tốt nên khu vực dịch vụ tăng 6,9% trong sáu tháng đầu năm, cao hơn so với mức tăng trưởng 6,5% cùng kỳ năm trước. Lượng khách quốc tế tăng 30%, giúp các ngành dịch vụ gắn với du lịch tăng trưởng 8,9%. Dịch vụ ngân hàng và tài chính cũng tăng trưởng cao hơn, đạt 7,7% trong nửa đầu năm 2017, cao hơn so với mức 6,9% cùng kỳ năm trước. 
 
Tại buổi họp báo sáng nay (26/9)
Tại buổi họp báo sáng nay (26/9)
Cùng với đó, điều kiện thời tiết tốt là yếu tố tích cực đóng góp cho mức tăng trưởng 2,7% sản lượng nông nghiệp trong sáu tháng đầu năm 2017, đánh dấu chuyển biến có tính bước ngoặt so với sự sụt giảm 0,2% cùng kỳ năm trước. Sản lượng trồng trọt tăng 2,0% so với mức sụt giảm 0,8%, trong khi sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thuỷ hải sản tăng 5,1% so với 1,2% của sáu tháng đầu năm 2016. 
 
Đáng chú ý, lạm phát trung bình đã tăng trong 8 tháng đầu năm 2017, xong vẫn tương đối thấp ở mức 3,8%, mặc dù lạm phát cơ bản đã tăng mạnh đến 6,9% so với cùng kỳ năm trước do các loại giá cả nhà nước quy định và phí dịch vụ y tế và giáo dục đã tăng. Tuy nhiên, ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá điều hành cũng được giảm nhẹ nhờ giá lương thực, năng lượng và giao thông vận tải đều bình ổn. Những tháng gần đây, tốc độ lạm phát tăng chậm. Chỉ số giá tiêu dùng công bố vào tháng 8 chỉ tăng 3,4% so với năm trước, thấp hơn nhiều so với mức 5,2% hồi đầu năm 2017. 
 
Với lạm phát không cao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có phản ứng giảm lãi suất chính sách thêm 25 điểm cơ bản vào ngày 10/7/2017, giảm lãi suất tái cấp vốn xuống 6,25% và lãi suất chiết khấu là 4,25%. Lãi suất cho vay ưu đãi cho các ngành được ưu tiên như nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng giảm, từ 7,0% xuống 6,5%, để tạo điều kiện hồi phục cho các vùng nông thôn bị ảnh hưởng bởi hạn hán.
 
Tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm 2017 ước tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước, đưa nông nghiệp trở lại quỹ đạo tiến đến đạt mục tiêu tăng trưởng 18-20% cả năm mà chính phủ đề ra. Cung tiền rộng tăng 14,3% trong sáu tháng đầu năm, cũng tương đương với mục tiêu của Chính phủ là tăng 16-18% cả năm.
 
Cũng theo ADB, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được kỳ vọng nâng lên trong 6 tháng cuối năm, nhờ sự gia tăng hơn nữa vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và xuất khẩu, tăng trưởng tín dụng trong nước, sự hồi phục mạnh mẽ hơn của nông nghiệp sau đợt hạn hán năm 2016, và việc đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn chi tiêu đầu tư cơ bản cho các chương trình cơ sở hạ tầng quốc gia.
 
Nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức
 
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng nhấn mạnh, mặc dù nền kinh tế Việt Nam vận hành tương đối tốt trong bối cảnh có nhiều thách thức, song vẫn còn một số vấn đề cần được giải quyết để bảo đảm tăng trưởng bền vững. Những nỗ lực gần đây để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngân hàng, vốn đã khá cao, bằng việc hạ lãi suất xuống các mức thấp kỷ lục có thể làm gia tăng rủi ro trong lĩnh vực tài chính, nhất là khi tính tới khối lượng lớn các khoản nợ xấu còn tồn đọng.
 
Theo Ngân hàng Thế giới, để bảo đảm quản lý tốt những rủi ro này, điều then chốt là phải tăng cường các quy định và giám sát chất lượng khoản vay, cũng như tiếp tục đưa vào áp dụng các tiêu chuẩn chặt chẽ hơn theo Hiệp ước Basel II trong vòng 12 - 18 tháng tới.
 
Ngoài ra, mặc dù tiến triển hiện tại của việc cắt giảm thâm hụt ngân sách là đáng khen ngợi, song điều này cũng làm giảm chi tiêu cho đầu tư cơ bản, và nếu không được cân đối thì có khả năng ảnh hưởng tới hiệu quả tăng trưởng của Việt Nam trong dài hạn.
 
Theo Ngân hàng thế giới, để những cải cách tài khóa của Việt Nam không ảnh hưởng tới tăng trưởng, các cơ quan chức năng có thể cần tập trung một cách hiệu quả vào việc áp dụng các biện pháp bổ sung để tăng nguồn thu từ thuế và cắt giảm các khoản chi tiêu công không thiết yếu như chi phí hành chính, vốn đang lấn át khoản chi phát triển cơ sở hạ tầng trong những năm gần đây.
 
Báo cáo đã lưu ý rằng, dù sản xuất định hướng xuất khẩu vẫn là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam, nhưng thặng dư thương mại đã giảm nhanh hơn kỳ vọng, do nhập khẩu tăng mạnh hơn xuất khẩu. Trong sáu tháng đầu năm, thặng dư thương mại đã thu hẹp chỉ còn khoảng 1,5% GDP, so với mức 8,1% trong sáu tháng đầu năm 2016.
 
“Mặc dù hiệu quả thương mại được dự kiến tiếp tục duy trì, Việt Nam có thể phải đối mặt với rủi ro gia tăng nếu có sự suy giảm của các nền kinh tế công nghiệp chủ chốt trên thế giới”, ông Sidgwick bổ sung thêm.
 
Minh Ngọc

Ý kiến bạn đọc