Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội tiết lộ cách làm du lịch riêng biệt

16:08, 04/10/2016
|

(VnMedia)- Bộ mặt du lịch Hà Nội đang có nhiều thay đổi rõ rệt và để lại ấn tượng với du khách trong và ngoài nước, đặc biệt với người dân Thủ đô khi tuyến phố đi bộ quanh hồ Gươm được áp dụng. Những địa điểm du lịch cũng được "đánh thức" với các hoạt động quảng bá du lịch để thu hút du khách trong và ngoài nước. Có bí quyết gì trong sự thay đổi này, VnMedia đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội.

Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội.
Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội.

Sau khi thí điểm tuyến phố đi bộ, đã có nhiều ý kiến cho rằng, việc mở quá rộng tuyến phố đi bộ là không cần thiết. Là người đứng đầu ngành du lịch Thủ đô, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

- Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội: Khi triển khai thí điểm không gian đi bộ, UBND Thành phố đã chỉ đạo UBND quận Hoàn Kiếm và các Sở, ngành liên quan nghiên cứu đặc điểm của từng tuyến phố và tính khả thi khi cấm xe tại những tuyến phố đó, đồng thời có các phương án giải quyết những phát sinh trong quá trình hoạt động thí điểm.

Việc mở tuyến phố đi bộ nghe có vẻ quá rộng, nhưng thực ra tổng chiều dài các tuyến phố chỉ khoảng hơn 3,5km; hầu hết đều là những tuyến phố ngắn, có nhiều di tích, công trình kiến trúc, cửa hàng, cửa hiệu phù hợp với mục đích chiêm ngưỡng, thưởng ngoạn, ngắm cảnh, nghỉ ngơi, mua sắm, giải trí của cộng đồng dân cư và khách du lịch.

Nếu so sánh với những tuyến phố đi bộ nổi tiếng trên thế giới như phố Nam Kinh (Thượng Hải, Trung Quốc) dài 5,5km hay khu vực phố cổ tại thành phố Bern (Thụy Sĩ)..., tôi cho rằng không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm có quy mô hợp lý, thích hợp để phục vụ người dân và khách du lịch.

Ông Đỗ Đình Hồng (thứ 2 từ trái qua, đeo kính) trong lần cùng các thành viên BTC và các NTK tham gia Festival Áo dài Hà Nội năm 2016 đi khảo sát địa điểm tổ chức ở Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Hoàng Vân.
Ông Đỗ Đình Hồng (thứ 2 từ trái qua, đeo kính) trong lần cùng các thành viên BTC và các NTK tham gia Festival Áo dài Hà Nội năm 2016 vào ngày 14/10 tới đi khảo sát địa điểm tổ chức ở Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Dân trí.

Trong thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội có tổ chức lại các không gian chức năng trong tuyến phố đi bộ hay không?

- Hiện tại, không gian đi bộ đang trong thời gian tổ chức thí điểm từ ngày 01/9/2016 đến ngày 31/12/2016. Những ngày đầu thí điểm vừa qua, mặc dù đã rà soát kỹ lưỡng và có sự phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan, nhưng trong quá trình triển khai, không gian đi bộ đã không tránh khỏi những hạn chế, đặc biệt về việc xử lý rác thải và điều tiết giao thông tại các tuyến phố gần không gian đi bộ.

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Du lịch cũng đã chủ động phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm - đơn vị chủ trì triển khai và các cơ quan liên quan khẩn trương tiến hành rà soát, rút kinh nghiệm về những tồn tại của không gian đi bộ, đồng thời chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến của cộng đồng dân cư, của khách du lịch, các nhà quản lý, nghiên cứu và các cơ quan truyền thông để tổ chức không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm đạt hiệu quả cao phục vụ người dân và khách du lịch.

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ có kế hoạch hoàn thiện, bổ sung thêm các không gian chức năng và dịch vụ để khi đi vào hoạt động chính thức, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm sẽ thực sự là một sản phẩm du lịch đặc sắc, mang đậm dấu ấn Thủ đô.

Từ ngày 29/9/2016 đến ngày 02/10/2016, Liên hoan Du lịch Làng nghề truyền thống Hà Nội - Việt Nam 2016 được tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long.
 
“Liên hoan Du lịch Làng nghề truyền thống Hà Nội - Việt Nam năm 2016” là hoạt động chào mừng kỷ niệm 62 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2016), hưởng ứng “Chương trình Năm Du lịch Quốc gia 2016”.
 
Hà Nội là nơi có nhiều làng nghề truyền thống bậc nhất Việt Nam. Cho đến hiện nay, rất nhiều làng nghề vẫn đang giữ và phát huy được thế mạnh nghề của mình. Đó là một nét văn hóa rất đặc trưng của Hà Nội và là một tiềm năng để phát triển thành một loại hình du lịch riêng có khả năng thu hút nhiều khách du lịch. Liên hoan Du lịch Làng nghề Hà Nội - Việt Nam 2016 là dịp để ngành Du lịch Thủ đô giới thiệu với người dân và du khách những nét tinh hoa con người đất kinh thành, cũng là dịp để các làng nghề tiêu biểu cả nước hội tụ, tạo đà cho du lịch làng nghề thăng hoa và phát triển.

Rất nhiều người hay nói về việc làm du lịch, phát triển du lịch, nhưng trên thực tế không phải ai cũng hiểu rõ khái niệm này. Ông đã có nhiều giải pháp để phát triển du lịch Hà Nội, và thực tế nhìn nhận đánh giá của dư luận cũng như du khách quốc tế, những trang bình chọn uy tín của nước ngoài cũng dành những lời khen ngợi cho du lịch Hà Nội thời gian gần đây. Ông có bí quyết gì riêng không?

- Tôi không coi đây là bí quyết, ngay từ khi nhậm chức Giám đốc Sở, tôi đã phát biểu phương châm hành động không chỉ của cá nhân tôi, mà là mong muốn của toàn ngành du lịch Thủ đô, đó là: "Tất cả vì du khách đến với Thủ đô Hà Nội" và xác định đó là kim chỉ nam xuyên suốt để chuyển tải những ý tưởng, kế hoạch thành hành động cụ thể, thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng ngày càng tích cực hơn.

Trẻ em vui thích chạy chơi giữa phố ngày cuối tuần tại không gian đi bộ xung quanh Hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Khánh Ly.
Trẻ em vui thích chạy chơi giữa phố ngày cuối tuần tại không gian đi bộ xung quanh Hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Khánh Ly.

Hà Nội cũng là đia phương đầu tiên trong cả nước nhấn mạnh du lịch là ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế. Dựa vào đâu Hà Nội lại có sự tự tin này, thưa ông?

- Không phải là sự tự tin, mà là quyết tâm của thành phố Hà Nội. Bởi: Thứ nhất, Hà Nội có vị trí là trung tâm chính trị hành chính, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, với hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không ngày càng hoàn thiện. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch của Thành phố tương đối hiện đại, đáp ứng được nhu cầu đón tiếp và phục vụ du khách.

Thứ hai, Hà Nội là thành phố có bề dày nghìn năm văn hiến, được đánh giá là một trong những địa phương có tài nguyên du lịch phong phú, đặc sắc nhất cả nước và trên thế giới.

Thứ ba, Thành phố đã chỉ đạo việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là nhiệm vụ, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân tại Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo. Điều đó thể hiện được quyết tâm chính trị của Hà Nội trong việc phát triển du lịch. Cuối cùng, sự tâm huyết của những người làm du lịch chính là cơ sở khiến bản thân tôi nói riêng và toàn ngành du lịch Hà Nội nói chung có niềm tin du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thành phố trong thời gian tới.

Hình ảnh tại Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống mới được tổ chức tại Hoàng Thành Hà Nội.
Hình ảnh tại Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống mới được tổ chức tại Hoàng Thành Hà Nội.

Sắp tới Sở Du lịch Hà Nội có kế hoạch gì để thúc đẩy hoạt động du lịch ở Thủ đô, tạo sự khác biệt so với các địa phương khác, thưa ông?

Thúc đẩy hoạt động du lịch không chỉ cần đến sự nỗ lực của bản thân ngành Du lịch, mà còn cần đến sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành và toàn dân. Để thúc đẩy hoạt động du lịch, Thành phố đã và đang tiến hành chuỗi những giải pháp tổng thể nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân Thủ đô, đồng thời tạo môi trường xanh - sạch - đẹp phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế, như: Trồng thêm 1 triệu cây xanh trên toàn Thành phố trong 5 năm tới; cơ giới hóa việc thu gom và vận chuyển rác thải; nâng cao chất lượng nguồn nước, hướng tới mục tiêu người dân và khách du lịch được uống nước sạch từ vòi; kiểm soát, chấn chỉnh lại vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

1
Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống nhận được sự quan tâm của đông đảo du khách.

Bên cạnh đó, Thành phố tiến hành lựa chọn nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án đầu tư phát triển dịch vụ du lịch tại các khu vực trọng điểm; thu hút, phát triển khoảng 20 dự án đầu tư khách sạn cao cấp từ 4 - 5 sao; xây dựng từ 2 - 3 khu du lịch vui chơi giải trí tầm cỡ quốc tế, kết hợp truyền thống và hiện đại, sánh ngang với các nước trong khu vực; xây dựng 01 khu Triển lãm và Hội chợ tầm cỡ quốc tế; hình thành một số khu phố kinh doanh thương mại, trung tâm mua sắm hiện đại; các cơ sở giáo dục, tổ hợp dịch vụ y tế chất lượng cao.

Không chỉ vậy, Thành phố cũng có kế hoạch phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; hoàn thiện tổ chức không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm; xây dựng 1000 nhà vệ sinh công cộng; hoàn thiện hệ thống wifi miễn phí tại một số điểm du lịch như phố cổ, Văn Miếu - Quốc Tử Giám và các làng nghề tiêu biểu; thiết kế lại bộ nhận diện của du lịch Hà Nội và hệ thống biển chỉ dẫn; thiết kế mẫu sản phẩm quà tặng lưu niệm đặc sắc đáp ứng nhu cầu của khách du lịch và tổ chức các sự kiện thành sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Cuối cùng, ngành Du lịch sẽ tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, tiêu biểu là: triển khai chương trình hợp tác truyền thông với kênh truyền hình quốc tế, hoàn thiện hệ thống video quảng bá du lịch Hà Nội tại các quận, huyện, thị xã; xây dựng giao diện ảnh du lịch 360; tham gia các hội chợ du lịch, thương mai trên cả nước và quốc tế và nhiều hoạt động cụ thể khác đang được thành phố tập trung chỉ đạo.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Đến thời điểm này, không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm đã được triển khai hơn 1 tháng. Sau những lời chê, người dân Hà Nội và những vùng lân cận và khách du lịch đã quen với việc tận hưởng không gian tại phố đi bộ. Trẻ con được tự do chạy nhảy trên phố ngày cuối tuần, giới trẻ còn rủ nhau selfie giữa phố vắng.  

Phát biểu giữa "tâm bão" dư luận về lời khen, chê mở rộng phố đi bộ, ông Đỗ Đình Hồng đã nhấn mạnh: Để đánh giá tính hiệu quả của một sản phẩm du lịch, cụ thể là không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, chúng ta cần có thời gian nhất định để nhìn nhận những tác động của sản phẩm đối với cuộc sống của cộng đồng dân cư và hoạt động du lịch.

Tuy nhiên, qua sự hưởng ứng nhiệt liệt của đông đảo người dân và khách du lịch vào những ngày đầu triển khai không gian đi bộ, tôi có thể khẳng định rằng đây là một quyết định đúng đắn, có tầm nhìn của lãnh đạo UBND Thành phố đối với sự phát triển du lịch. Tổng lượng khách tới Hà Nội, chỉ trong 3 ngày nghỉ lễ dịp 02/9 đạt 207.236 lượt khách, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2015 là con số minh chứng rõ ràng về sự chuyển mình của du lịch Thủ đô trong thời gian vừa qua.

Lam Nguyên (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc