Trẻ xem TV, chơi iPad mỗi ngày bao nhiêu là đủ?

14:53, 14/09/2015
|

(VnMedia) - Chắc hẳn, một trong những vấn đề “đau đầu” nhất đối với các bậc phụ huynh thời nay đó là một ngày nên cho con ngồi bao nhiêu lâu trước màn hình (máy tính, TV, smartphone..) là đủ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sự phát triển ngày một mạnh của các thiết bị di động cũng như các phần mềm ứng dụng, các chương trình truyền hình hướng tới trẻ em đã khiến cho thời gian trẻ ngồi trước màn hình tăng đáng kể. Điều này làm cho mối lo của các bậc cha mẹ vì thế cũng tăng lên. Con trẻ càng mê đắm vào những chiếc TV, máy tính, iPhone, iPad thì thời gian con trẻ dành cho gia đình, cho các hoạt động xã hội sẽ càng ít đi, khiến trẻ sẽ thiếu kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp với thế giới bên ngoài.

Vậy, mỗi ngày, chúng ta nên cho trẻ ngồi trước màn hình bao nhiêu thời gian là đủ?
 
Theo Học viện Pediatrics của Mỹ, mỗi ngày cha mẹ chỉ nên giới hạn cho trẻ ngồi trước màn hình không nhiều hơn 1-2 tiếng/ngày, còn với trẻ dưới 2 tuổi thì khuyến khích nên tránh xa màn hình TV, smartphone…
 
Tuy nhiên, trên thực tế, theo nghiên cứu mới nhất từ tổ chức Zero To Three, hiện nay có tới khoảng 38% số trẻ dưới 2 tuổi trên thế giới đã được tiếp xúc với thiết bị di động, tăng hơn nhiều so với con số 10% cách đây 2 năm. Trong khi đó, ở độ tuổi từ 2-4 tuổi, tỉ lệ này đã tăng từ 39% lên tới 80%, còn ở độ tuổi từ 5-8 tuổi, việc sử dụng thiết bị di động đã tăng từ 52% lên tới 83%.
  
Cũng phải thừa nhận một thực tế rằng, thiết bị di động, TV hiện đang có mặt ở khắp mọi nơi. Theo thống kê chỉ riêng ở Mỹ, có tới 75% trẻ em nước này đã tiếp cận với TV, thiết bị di động “thông minh” ngay tại nhà.
 
Từ năm 2011 đến 2013, khoảng thời gian sử dụng điện thoại thông minh hay iPad đã tăng lên 10 phút mỗi ngày và con số này hiện vẫn đang tiếp tục tăng lên.
 
Việc trẻ tiêu tốn quá nhiều thời gian cho các thiết bị số, dù là vì mục đích giáo dục, thì nó cũng gây ra những hậu quả tiêu cực. Nghiên cứu cho thấy, việc này có thể dẫn đến tình trạng béo phì ở trẻ, rối loạn giấc ngủ, thiếu kỹ năng vận động, thiếu kỹ năng sống, kỹ năng xã hội và khả năng giao tiếp bên ngoài. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận rằng điện thoại thông minh với những ứng dụng giáo dục tiện ích cũng đem đến những lợi ích nhất định trong việc nâng cao kiến thức cho trẻ em.

Vấn đề nằm ở chỗ cha mẹ luôn phải giám sát việc sử dụng các thiết bị này của trẻ, và điều tiết thời gian hợp lý để có thể tận dụng được những lợi thế của công nghệ nhưng không làm ảnh hưởng xấu tới trẻ.
 
Một gợi ý là cha mẹ nên ngồi bên cạnh hướng dẫn, giám sát và cùng chơi với con khi con sử dụng các thiết bị di động hay xem bất cứ chương trình gì trên TV. Theo đó, cha mẹ  có thể vừa cùng xem, vừa giải thích cho con những điều con chưa hiểu và điều chỉnh ngay khi gặp những vấn đề sai lệch. Cha mẹ có thể đặt câu hỏi tương tác cho trẻ sau khi xem mỗi chương trình trên TV hay chơi mỗi trò chơi giáo dục trên thiết bị di động thông minh, để cùng trẻ đúc rút ra những bài học bổ ích.

Đừng biến TV, hay những chiếc điện thoại thông minh, Ipad thành những người bảo mẫu, để cho bố mẹ có thể rảnh rang làm việc riêng của mình.


Đan Khanh - (theo TNW)

Ý kiến bạn đọc