Hà Nội tạm dừng lát đá mặt đường phố cổ

11:18, 20/08/2015
|

(VnMedia) - Quận ủy quận Hoàn Kiếm vừa có Thông báo số 01-TB/QU về kết luận của Thường trực Quận ủy về dự án cải tạo mặt đường các tuyến phố đi bộ trong khu vực phố cổ.
 
>> Lát đá phố cổ: Nếu chi 1.000 tỷ mà thu 2.000 tỷ thì “làm tất”
>> Hà Nội còn nhiều việc cần ưu tiên hơn lát đá phố cổ

Theo Thường trực quận ủy quận Hoàn Kiếm, việc lát đá mặt đường 11 tuyến phố cổ trong giai đoạn này chưa khả thi bởi UBND thành phố Hà Nội chưa phân cấp việc quản lý lòng đường cho quận Hoàn Kiếm.
 
Cũng theo Thông báo quả Quận ủy, việc lát đá mặt đường phải thực hiện đồng bộ với cải tạo hạ tầng liên quan, trong khi nguồn lực kinh tế của quận không đủ đáp ứng yêu cầu đầu tư. Vì vậy, Thường trực quận ủy Hoàn Kiếm giao UBND quận đề xuất UBND Thành phố phân cấp cho Quận quản lý toàn bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị, đầu tư đồng bộ khu vực phố cổ hiện nay, từ đó, tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến người dân, nhà khoa học xây dựng phương án cải tạo hạ tầng kỹ thuật đô thị tại phố cổ Hà Nội.

Ảnh minh họa

Việc lát đá phố cổ được kỳ vọng sẽ thu hút thêm nhiều khách du lịch - ảnh: Xuân Hưng


Trước đó, UBND quận Hoàn Kiếm đã đề nghị UBND Thành phố cho phép lát đá mặt đường 11 tuyến phố cổ gồm: Tạ Hiện, Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân, Hàng Giầy, Hàng Buồm, Mã Mây, Hàng Giấy, Lương Ngọc Quyến, Đào Duy Từ. Nguồn vốn thực hiện lấy từ ngân sách của quận Hoàn Kiếm. Thời gian thực hiện từ năm 2015 - 2016.
 
Tuy nhiên, nhiều ý kiến còn tỏ ra băn khoăn với chủ trương này, trong đó có ý kiến lo ngại về độ an toàn cho người tham gia giao thông bằng xe máy; người lại lo đến chất lượng đá có đáp ứng cho xe cơ giới hay không; người e ngại việc lát đá sẽ khiến thay đổi kiến trúc của phố cổ và nhiều ý kiến khác băn khoăn về chi phí, bởi hiện đang là giai đoạn “nhạy cảm” về các khoản chi phí.
 
Tại buổi tọa đàm, trao đổi với báo chí tổ chức mới đây, GS, KTS Hoàng Đạo Kính cho rằng Hà Nội còn có nhiều công việc cần ưu tiên hơn là việc lát đá mặt đường phố cổ. Trong khi đó, KTS Trần Huy Ánh góp ý, cần làm rõ bài toán kinh tế này, nếu lát đá mà đem lại nhiều lợi ích hơn số tiền chi ra thì rất nên làm, nhưng cần phải đồng bộ với việc chỉnh trang, cải tạo các công trình hạ tầng kỹ thuật khác như đường dây ngầm, đường thoát nước, bể cứu hỏa…

Trong khi đó, Phó Ban quản lý phố cổ Phạm Tuấn Long cho biết, việc lát đá mặt đường và chỉnh trang phố cổ đã thu hút lượng lớn du khách đến với địa bàn quận Hoàn Kiếm.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc