Thị trường bất động sản phục hồi là do đầu cơ?

06:59, 13/07/2015
|

(VnMedia) - Mặc dù phủ nhận lo ngại thị trường bất động sản phục hồi là do tình trạng đầu cơ, tuy nhiên Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng thừa nhận, khi giao dịch tăng lên thì khả năng đầu cơ trở lại là điều không tránh khỏi... Thông tin được đưa ra tại chuyên mục “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” tối 12/7.

Thưa Bộ trưởng, những ngày gần đây giá bất động sản hiện nay ở nhiều phân khúc đang tăng khá nhanh. Thậm chí một số dự án có giá mấp mé mức giá năm 2011. Một số ý kiến cho rằng giá tăng nhanh như vậy là do đầu cơ chứ không phải do nhu cầu thực. Vậy quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này là như thế nào?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Nói là thị trường bất động sản phục hồi mà có giao dịch nhiều là do đầu cơ là không đúng. Chúng ta đều biết, giai đoạn 2011-2013 là giai đoạn thị trường đóng băng. Lúc đó không có đầu cơ hoặc rất ít đầu cơ. Khi đó các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản được thực hiện, trong đó một quan điểm như là chìa khoá mở cửa cho thị trường bất động sản phục hồi trở lại là chúng ta gắn phá băng thị trường với thực hiện chiến lược nhà ở quốc gia.

Từ đó, các giải pháp để cấu trúc lại thị trường bất động sản, cấu trúc lại là các dự án, cấu trúc lại các sản phẩm bất động sản để đa dạng hoá các sản phẩm bất động sản, hướng tới người tiêu dùng, phù hợp với nhiều đối tượng có khả năng chi trả khác nhau, để chuyển từ khu vực dư thừa sang khu vực thiếu nguồn cung. Do đó, thị trường đã phục hồi, trong đó chúng ta cũng tập trung phát triển nhà ở xã hội. Như vậy, thị trường bất động sản phục hồi vừa đạt tăng trưởng, thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế, vừa giải quyết được vấn đề người dân cải thiện về nhà ở.

Ảnh minh họa

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng



-  Vậy theo Bộ trưởng, với việc giá nhà tăng nhanh như vậy, cùng với việc hàng loạt ngân hàng mạnh tay đổ vốn vào thị trường bất động sản, liệu có lo ngại tái nguy cơ bong bóng bất động sản như cách đây 4, 5 năm?

Khi giao dịch tăng lên thì khả năng đầu cơ trở lại là điều không tránh khỏi. Vấn đề chính là chúng ta kiểm soát không để thị trường nóng, tạo ra bong bóng bất động sản. Muốn làm được điều này cần tăng cường kiểm soát sự phát triển của các đô thị, kiên trì các giải pháp kiểm soát thị trường bất động sản với việc thực hiện chiến lược nhà ở quốc gia, tức là cân đối cung cầu. Chiến lược nhà ở quốc gia đưa ra cầu để cải thiện nhà ở cho người dân, thì thị trường cũng phải đáp ứng cầu đó, nếu được như vậy chắc chắn sẽ phát triển bền vững.

Cụ thể, chúng ta phải tăng cường kiểm soát chặt chẽ các dự án bất động sản, tiếp tục cơ cấu thị trường, cơ cấu các dự án bất động sản để các sản phẩm đến với mọi người, phù hợp với khả năng chi trả của người dân, không có những khu vực thừa, khu vực thiếu. Muốn vậy, chúng ta phải thực hiện nghiêm Nghị định 11 của Chính phủ về quản lý phát triển đô thị, trong đó yêu cầu phải phát triển đô thị theo quy hoạch và có kế hoạch.

Như vậy, các địa phương cần tập trung xây dựng các khu vưc phát triển đô thị, thành lập các ban quản lý phát triển đô thị, xây dựng các kế hoạch phát triển đô thị để cân đối cung cầu các nguồn lực, cũng như dự báo khả năng phát triển nhà ở của từng khu vực, từ đó chúng ta kiểm soát, khắc phục tình trạng phát triển tự phát, phong trào như trong thời qua đã tạo ra sự lệch pha cung cầu, tạo ra khó khăn cho thị trường bất động sản.

- Thưa Bộ trưởng, một cặp vợ chồng trẻ chia sẻ: “Sau khi tốt nghiệp đại học và quyết định ở lại Hà Nội, chúng tôi vẫn ước mơ mua một căn hộ giá rẻ. Với thu nhập của hai vợ chồng chỉ hơn 10 triệu/tháng, chúng tôi ngày ngày nghe ngóng mọi thông tin về các dự án nhà ở xã hội để tìm cơ hội, nhưng thấy là tiến độ triển khai của các dự án rất chậm. Cùng ý kiến này, vừa qua một đại biểu Quốc hội nhận xét, chinh sách nhà ở rất tốt cho người dân, tuy nhiên, tiến độ triển khai rất chậm. Xin Bộ trưởng cho hỏi vì sao lại như vậy?

Với sự vào cuộc quyết liệt của nhiều địa phương và sự chỉ đạo của Chính phủ thì trong mấy năm vừa qua chúng ta đã phát triển được 40.000 nhà ở xã hội, đáp ứng cho gần 200.000 người dân.

Mặc dù vậy, việc phát triển nhà ở xã hội vẫn còn rất chậm. Nguyên nhân đầu tiên là chính sách mới hoàn thiện, thứ 2, phát triển nhà ở là chiến lược phát triển dài hạn lâu dài, chứ không phải trung hạn, ngắn hạn. Mặt khác phát triển nhà ở xã hội cần rất nhiều tiền, trong khi ngân sách nhà nước không có để đầu tư mà cần phải xã hội hoá.

Một mâu thuẫn nữa là phát triển nhà ở xã hội ở đô thị yêu cầu là phải chất lượng nhà tốt, nhưng giá phải rẻ, phải kiểm soát giá để phù hợp với người có thu nhập thấp, vì vậy không hấp dẫn với các nhà đầu tư, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc các nhà ở xã hội chậm triển khai, thực hiện.

- Vậy thưa Bộ trưởng, Bộ Xây dựng đang có những giải pháp như thế nào để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở xã hội?

Để đẩy mạnh việc triển khai nhà ở xã hội, thứ nhất chúng ta phải hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến phát triển nhà ở, trong đó tạo môi trường để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội. Thứ hai là sự vào cuộc của các cơ quan Trung ương, đặc biệt là vai trò của các địa phương trong việc lập chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, coi đây là nhiệm vụ chính trị của thời kỳ kế hoạch 5 năm và hằng năm.

Các địa phương cần tập trung chủ động quỹ đất, tạo điều kiện để các doanh nghiệp sử dụng lao động, cũng như các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được đầu tư phát triển nhà ở xã hội một cách thuận lợi nhất. Đồng thời cũng tạo điều kiện cho người dân được đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho cán bộ, công nhân các khu công nghiệp được thuê để cải thiện chỗ ở, mà pháp luật đã cho phép. Làm được như vậy, tôi tin tưởng rằng chắc chắn từng bước những người có nhu cầu mua nhà ở xã hội sẽ được tiếp cận và từng bước cải thiện chỗ ở cho mình.

- Cũng liên quan đến vấn đề này, một số công nhân ở Thái Nguyên gửi thư về chia sẻ cứ 4 công nhân ở đây thì chỉ có 1 người thuê được nhà trọ, những người còn lại phải đi rất xa để tìm chỗ ở. Còn ở Đông Anh thì một số công nhân chia sẻ là có nhà ở xã hội nhưng công nhân không vào ở vì chưa đủ các dịch vụ kèm theo như y tế, giáo dục. Vậy theo Bộ trưởng, làm thế nào để giải quyết vấn đề này khi nơi không có nhà ở, nơi thì có nhưng thiếu các dịch vụ đồng bộ?

Để phát triển nhà ở công nhân thì như tôi đã nói, vai trò của các cấp chính quyền và sự chỉ đạo của các cơ quan Chính phủ trong việc hoàn thiện cơ chế chính sách. Nhưng điều cần quan tâm ở đây là trong Nghị định 188 về phát triển nhà ở xã hội cũng như trong luật nhà ở và các Nghị định hướng dẫn sắp ban hành thì yêu cầu gắn phát triển các khu công nghiệp với việc phát triển nhà ở. Bởi các khu công nghiệp tạo ra gia tăng cơ học về người lao động rất nhanh, nên chúng ta không chủ động quỹ đất để phát triển nhà ở thì chắc chắn người công nhân sẽ rất khó khăn trong việc cải thiện nhà ở.

Phải gắn phát triển công nghiệp với phát triển nhà ở, nhưng đặc biệt lưu ý lấy dịch vụ phục vụ nhà ở làm trọng tâm để nâng cao chất lượng cuộc sống của người công nhân, lao động. Trong đó, để người dân có thể gửi trẻ tại chỗ, rồi học hành, mua sắm tại chỗ và khám chữa bệnh tại chỗ... đồng thời kết nối giao thông công cộng để nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động, giảm chi phí của họ giao thông con lắc... giảm áp lực nên hệ thống hạ tầng giao thông để tiết kiệm đầu tư cho hệ thống giao thông.

- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc