Hà Nội tổ chức hội thảo tìm cây thay cây mỡ

08:04, 17/06/2015
|

(VnMedia) - Trả lời câu hỏi của VnMedia về việc thay thế cây mỡ hiện đang trồng trên một số tuyến phố Hà Nội, sở Xây dựng cho biết, sẽ cùng giáo sư Vũ Hoan tổ chức hội thảo để tìm ra loại cây phù hợp...

>> Cây trồng mới trên đường Nguyễn Chí Thanh là gỗ Mỡ
>> Cây trồng ở đường Nguyễn Chí Thanh là Vàng tâm

Chiều 16/6, tại buổi giao ban báo chí do Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, đại diện sở Xây dựng đã thông tin chi tiết về tình hình thiệt hại cũng như công tác khắc phục sau trận dông lốc chiều tối ngày 13/6.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong, trận mưa giông chiều ngày 13/6, dù mưa không lớn nhưng có gió giật từ cấp 8 đến cấp 9 nên đã gây hậu quả rất nặng nề cho người, phương tiện và hệ thống cây xanh, lưới điện.

Cụ thể, trong 12 quận nội thành có 998 cây xanh bị bật gốc, ở ngoại thành có khoảng 400 cây. Ông Phong cho biết, phần lớn cây bị đổ là cây có rễ ăn ngang, rễ nông như xà cừ, bằng lăng, muồng. Trong đó nhiều cây đổ chắn ngang đường ảnh hưởng đến giao thông. Nhiều cây đổ ảnh hưởng đến hệ thống lưới điện thành phố.

Về tình hình khắc phục hậu quả, ông Phong cho biết, đến nay khoảng 500 cây xanh ảnh hưởng đến giao thông đã được khắc phục. Hàng loạt cây xang bị đổ trong vườn hoa, công viên cũng đang được lực lượng chức năng khắc phục, dự kiến trong ngày hôm nay hoàn thành.

Theo lãnh đạo sở Xây dựng, hiện Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai đang thống kê cụ thể số tiền thiệt hại, còn việc trồng thay thế cây bị đổ thì phụ thuộc vào giống cây, thời gian, thời tiết thuận lợi.

Ảnh minh họa

Cây mỡ trên đường Nguyễn Chí Thanh sẽ được thay bằng cây gì thì phải chờ hội thảo - ảnh: Xuân Hưng



Một vấn đề 2 ngày nay dư luận đặc biệt quan tâm và báo chí đặt câu hỏi đối với sở Xây dựng, đó là trong dông lốc, hàng loạt cây xanh mới trồng lộ nguyên bầu bọc bằng lưới, ni lông.  Ông Phó giám đốc sở cho hay, lãnh đạo sở Xây dựng chỉ biết sau khi báo chí lên tiếng. Còn về trách nhiệm, ông Phong nói: “Vụ việc thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư. Chúng tôi đã giao cho đơn vị liên quan kiểm tra, nếu vi phạm quy trình thì phải xử lý.”

Trước băn khoăn việc trồng cây còn để nguyên bầu như vậy có ảnh hưởng gì đến sinh trưởng của cây hay không, ông Phong cũng chi nói, sự ảnh hưởng như thế nào thì còn phải kiểm tra. Sau kiểm tra sự việc Sở Xây dựng sẽ tập hợp báo cáo cụ thể.

"Trời  nóng như thời gian vừa qua thì rất nhiều cây chết phải trồng lại. Tuy nhiên, hợp đồng trồng cây với các đơn vị đã quy định rõ chỉ quyết toán đối với những cây còn sống" - ông Phong giải thích khi phóng viên thắc mắc về việc nhiệt cây mới trồng chết khô.

Một vấn đề khác được phóng viên VnMedia đặt ra, đó là trước đây Thành phố đã có quyết định chọn cây muồng làm cây đô thị để trồng mới và thay thế những cây không phù hợp khác. Tuy nhiên, trong cơn dông hôm 13/6 vừa qua, thống kê cho thấy muồng chính là loại cây bị đổ gẫy nhiều nhất. Giải thích cho vấn đề này, ông Phong cho biết, Thành phố đã giao cho Sở Xây dựng rà soát, đánh giá lại để lựa chọn loại cây phù hợp với đô thị.

Ngoài ra, theo ông Phong, để phát hiện cây sâu mục, cây không đúng chủng loại cây xanh đô thị dễ gãy đổ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của nhân dân trong mùa mưa bão, sở Xây dựng cũng rà soát chúng tôi sẽ phân loại, xác định cây nguy hiểm, không đúng chủng loại cây đô thị và sang tháng 7 tới sẽ báo cáo thành phố các loại cây này.

Cũng tại buổi giao ban báo chí, liên quan đến 2 trường hợp bị thiệt mạng trong cơn dông lốc hôm 13/6, ông Lưu Quang Huy – Phó Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội cho biết, chủ tịch UBND TP đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp xuống gia đình thăm hỏi và trợ giúp gia đình người đàn ông bị nạn. Còn trường hợp nữ sinh viên đã được đưa về quê, Chủ tịch đã chỉ đạo sẽ hỗ trợ.

Trong cuộc họp, nhiều ý kiến cũng băn khoăn về việc trong cơn dông lốc vừa qua, nhiều cột điện trong thành phố bị đổ, hoặc việc thông báo không kịp thời trước cơn dông, ông Phong nói:  "Dông lốc đi qua đã đặt ra nhiều vấn đề cho việc quy hoạch lại hệ thống cây xanh, chiếu sáng của thành phố. Những hậu quả của cơn dông vừa qua cũng còn có những vấn đề của lịch sử, cũng như nhiều yếu tố khác cộng lại. Sắp tới TP Hà Nội sẽ có hội thảo để tiếp thu ý kiến các nhà khoa học, người dân về việc trồng cây mới trên địa bàn thành phố." 


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc