Bộ trưởng lúng túng với câu hỏi "hóc búa"

14:54, 12/06/2015
|

(VnMedia) - "Bộ trưởng nói là đi  nước ngoài nhiều, vậy có nước nào có tình trạng làm ăn kiểu này như chúng ta không? Đến bao giờ thì chấm dứt tình trạng này? Đề nghị Bộ trưởng không nói về chủ trương, Nghị quyết...” - đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) thẳng thắn hỏi.

Mở đầu phiên chất vấn sáng nay (12/6), Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã trả lời những câu hỏi tồn tại từ chiều qua, đồng thời tiếp tục trả lời những câu hỏi mới. Tuy nhiên, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) không hài  lòng với câu trả lời về giải pháp mà Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đưa ra.

Tiếp tục chất vấn, đại biểu Ngô Văn Minh đã đặt câu hỏi: “Bộ trưởng và mỗi người dân đều đau lòng trước cảnh hàng đoàn xe xếp hàng chở nông sản  hàng hóa của đất nước nằm dài ngày tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), có nhiều hàng đổ bỏ kéo dài nhiều năm nhưng không thấy có giải pháp nào hữu hiệu của Bộ Công Thương. Bộ trưởng nói là đi  nước ngoài nhiều, vậy có nước nào có tình trạng làm ăn kiểu này như chúng ta không? Đến bao giờ thì chấm dứt tình trạng này? Đề nghị Bộ trưởng không nói về chủ trương, Nghị quyết...”.

Câu hỏi của Đại biểu đã thực sự gây lúng túng cho Bộ trưởng và ông đã phải thừa nhận: “Về các nước khác, tôi chưa có điều kiện đi tìm hiểu bởi vì đi công tác chủ yếu đi đàm phán các hiệp định tự do. Tôi xin báo cáo thật như vậy.”

Ảnh minh họa

Bộ trưởng nói là đi  nước ngoài nhiều, vậy có nước nào có tình trạng làm ăn kiểu này như chúng ta không?


Giải thích về tình trạng dưa hấu bị dồn ứ ở cửa khẩu Tân Thanh, Bộ trưởng cũng thừa nhận thực trạng kéo dài một số năm. Tuy nhiên, ông cho rằng đó là do dưa hấu trồng nhiều nơi nhưng chủ yếu xuất khẩu qua Trung Quốc, qua cửa khẩu Tân Thanh. Địa bàn sản xuất dưa hấu tập trung ở miền Trung và miền Nam.  Trong khi cơ sở hạ tầng còn hạn chế, khả năng thông quan chỉ 350 xe một ngày, trong khi có ngày cta có cả nghìn xe tải lên nên có ách tắc tạm thời.

“Trong mấy năm vừa qua bộ Công Thương, bộ Nông nghiệp đã kiến nghị Chính phủ xây dựng một khu trung chuyển đủ sức chứa trên 1000 xe tải vừa để chờ tập kết, vừa để phân loại hàng hóa trong khi chờ thông quan và tránh tình trạng ách tắc. Lạng sơn đang chuẩn bị đầu tư dự án này, nhưng dự án đòi hỏi đầu tư tương đối lớn.” -  Bộ trưởng nói.
 
Không bằng lòng với câu trả lời này, đại biểu Ngô Văn Minh tiếp tục tái chất vấn: Bộ trưởng có nói về việc xây dựng một khu trung chuyển, tôi đồng ý. Nhưng đề nghị Bộ trưởng cho biết đây có phải là giải pháp mạnh mẽ của Bộ trưởng không, Bộ trưởng có cam kết sẽ xử lý tình trạng này trong thời gian ngắn nhất không?”

Sau câu hỏi này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng mới “bật mí” thêm hai biện pháp nữa: “chúng tôi đã và sẽ trao đổi với phía Trung Quốc về thỏa thuận tạo thuận lợi cho xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc đã được ký vào năm 2014 và vừa qua chúng tôi đã gặp gỡ, đề nghị phía bạn tăng cường thực hiện điều kiện này. Có làm được như vậy thì chuyện ách tắc, rồi nay quy định cửa khẩu này mai quy định cửa khẩu khác nhập khẩu hàng Việt Nam mới chấm dứt được. Đấy mới là giải pháp căn cơ”.

Tiếp tục trả lời câu hỏi của đại biểu Ngô Văn Minh về sự chênh lệch giữa con số thống kê hàng xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, việc chênh lệch số liệu thống kê giữa các nước với nhau là một thực tế, không chỉ với Việt Nam và Trung Quốc. Nếu kim ngạch giữa hai quốc gia càng lớn thì chênh lệch số liệu càng nhiều.

Đưa số liệu thống kê giữa Việt Nam với Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore để Quốc hội tham khảo, Bộ trưởng cho biết: “Năm 2014, Nhật Bản thống kê Việt Nam xuất khẩu 14 tỷ 180 triệu đô la, còn Việt Nam thống kê là 14tỷ 693triệu. Đối với Hàn quốc, nước bạn thống kê ta xuất khẩu sang 7 tỷ 990 triệu, nhưng ta thống kê chỉ có 7 tỷ 144 triệu. Singapore thống kê Việt Nam xuất khẩu sang là 3,2 tỷ, nhưng ta thống kê chỉ có 2,9 tỷ.  Tương tự, số liệu nhập khẩu cũng có sự chênh lệch lớn, trong đó Singapore chênh lệch tới 6 tỷ đô la...”

Chốt lại, Bộ trưởng khẳng định số liệu thống kê của Việt Nam là số liệu chính thức, bởi được thông qua sổ sách hải quan, cửa khẩu.

Cũng trong phần chất vấn của mình, đại biểu Ngô Văn Minh đặt câu hỏi: “Không biết có tình trạng nền kinh tế ngầm ở nước ta hay không và việc này có ảnh hưởng gì đến nền kinh tế của đất nước?”. Ông cũng đặt vấn đề về nguyên nhân, trách nhiệm của bộ trưởng.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận: “Chắc chắn có buôn lậu và có kinh tế ngầm. Tuy  nhiên, đánh giá một cách chính xác thì cũng chưa đầy đủ cơ sở.”

Nói về trách nhiệm, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tiếp tục thừa nhận: “Trong đó có trách nhiệm liên quan đến lực lượng quản lý thị trường, đội hình của Ban chỉ đạo 389”.

Về giải pháp, Bộ trưởng cho biết, cần làm trong sạch đội ngũ, tăng cường năng lực và thực hiện quy định về luân chuyển và thay đổi vị trí công tác, xử lý nghiêm hành vi sai phạm.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc