Bàn sân bay Long Thành đừng nói chuyện đắt rẻ

07:43, 03/06/2015
|

(VnMedia) - “Cái mà Quốc hội cần trao đổi là những điều kiện đằng sau để đảm bảo cho khoản tiền lớn như vậy có hiệu quả hay không, chứ không phải đánh giá nó đắt hay rẻ...” - đại biểu Nguyễn Đức Kiên nói.

Ảnh minh họa

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên


 
Ngày mai (4/6), Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về chủ trương xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ngày 2/6, bên lề Quốc hội, đại biểu Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy kinh tế của Quốc hội đã trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.
 
- Thưa ông, ông đánh giá thế nào về chủ trương đầu tư sân bay Long Thành sau rất nhiều ý kiến đánh giá, khoa học, khảo sát thực tế?
 
Việc xây dựng các bước theo luật để xây dựng cụm cảng hàng không Long Thành là việc cần thiết để phát triển kinh tế xã hội nước ta. Trong 15 - 20 năm nữa, khả năng đáp ứng nhu cầu về vận tải hàng không của đất nước đối với sân bay Tân Sơn Nhất có những hạn . Hạn chế về những vấn đề liên quan đến dân sinh và kỹ thuật, hạn chế cả những vấn đề liên quan đến tốc độ phát triển của cụm cảng hàng không Tân Sơn Nhất như các vấn đề về địa chất, đền bù, không lưu… nên theo cá nhân tôi, việc chọn khu vực Long Thành là hợp lý, cả về yêu cầu kinh tế xã hội và yêu cầu kỹ thuật.
 
- Điều lo ngại nhất hiện nay chính là nguồn vốn đầu tư. Ông đánh giá thế nào về khả năng thu xếp nguồn vốn cũng như lợi ích về kinh tế mà dự án đem lại nếu sân bay này được xây dựng?
 
Hiện chưa có báo cáo khả thi của dự án nên chưa có căn cứ để bàn về khả năng thu xếp vốn. Đây mới chỉ là dự kiến phân bổ như vậy. Quốc hội lần này thông qua báo cáo tiền khả thi, nên đơn giá, mức tính toán vẫn đang dựa trên khái toán. Cho nên nếu nói đắt hay rẻ , hay như thế nào thì cần phải đợi sau 2 năm nữa mới có báo cáo. Khi đó sẽ trả lời được hết các câu hỏi, vấn đề mà cử tri và chuyên gia quan tâm đặt ra như hiệu quả , vốn đầu tư bao nhiêu, vốn ngân sách bao nhiêu, từ các thành phần kinh tế khác bao nhiêu và bao nhiêu % là đi vay vốn ở nước ngoài.
 
-  Nhưng vay thì sẽ ảnh hưởng đến nợ công như thế nào, thưa ông?
 
Nói nợ công “căng” là do chúng ta tự đặt với nhau, dựa trên giới hạn chúng ta đặt ra là 65%. Nhưng , vấn đề nợ công không phải là tỷ lệ bao nhiêu mà là xử lý, sử dụng nợ công có hiệu quả  không, có xứng đáng đi vay không. Ngưỡng trần nợ công Mỹ là 100% GDP, Nhật Bản là 200% GDP nhưng không ai nói hai nước này phá sản. Ngược lại, Hy Lạp, Ukraina, nợ công đến 70% là lo phá sản, tuyên bố, tốc độ tăng trưởng đã âm. Đó mới là vấn đề mà người ta đặt ra.
 
Lấy ví dụ về nợ công trong 15 năm tới, ví dụ nói phải chấp nhận nợ công lên đến 80% GDP, nhưng 80% đó, để đổi lại chúng ta phải có mức tăng trưởng GDP từ 7 – 8%, tạo điều kiện cho chúng ta có bước đột phá về phát triển kinh tế xã hội thì nguồn thu của đất nước mới tăng, thì tỷ lệ trả nợ được đảm bảo. Còn nếu bây giờ chúng ta không tạo điều kiện cho 600.000 doanh nghiệp hoạt động, cứ 50% tổng số doanh nghiệp không phát sinh thuế thì không đảm bảo.
 
- Như vậy là với hiệu quả đó của Long Thành, thì dù đi vay, chúng ta cũng phải đầu tư phải không, thưa ông?

Nói chung, không nên đặt vấn đề Long Thành phải đi vay, bởi từ trước đến nay chúng ta vẫn đi vay, cái gì cũng vay. Tân Sơn Nhất sửa cũng vay, nhà ga T2 sửa cũng vay, đường cao tốc vay ODA Nhật Bản, quỹ Phát triển Hàn Quốc…. Hiện nay, 70% số tiền đầu tư cho cơ sở hạ tầng của chúng ta là đi vay, 30% là ngân sách nhà nước.  
 
- Có ý kiến cho rằng không nên đặt vấn đề xây Long Thành là sân bay trung chuyển quốc tế vì khó khả thi, quan điểm của ông như thế nào?
 
Người ta đặt vấn đề sau 20 năm xây dựng Long Thành thành sân bay trung chuyển quốc tế chứ không nói là sân bay trung chuyển nội địa. Nếu nhìn sang các nước, thì sân bat Washington DC không to bằng sân bay New York, Seatle, nhưng họ vẫn làm. Ở Đức, sân bay to nhất ở Franfurt chứ không phải ở Berlin.
 
Việc trở thành sân bay trung chuyển quốc tế phụ thuộc vào tốc độ phát triển kinh tế của nước ta, có đủ sức hút hay không Chứ bản thân ngành hàng không không đủ sức hút, hàng không chỉ là kinh tế dịch vụ.
 
Nền kinh tế của ta có đủ sức hút để lôi kéo khách du lịch quốc tế thì Long Thành trở thành sân bay trung chuyển quốc tế, còn nếu sau 20 năm nữa mà chúng ta không thực hiện được công nghiệp hóa, hiện đại hóa, dậm chận đi bước ngắn như thời gian vừa qua thì chuyện không thành là tất yếu, vì để trở thành sân bay trung chuyển quốc tế thì phải có đội ngũ nhân lực chất lượng cao, bảo trì, sửa chữa máy bay, kiểm soát không lưu… có trình độ tương ứng. Đi kèm với sân bay Long Thành phải là một nền công nghiệp để phục vụ cho công nghiệp Hàng không.

Đặt vấn đề xây sân bay Long Thành thì phải đặt ngược lại, cái mà Quốc hội cần trao đổi là nếu bỏ ra khoản tiền lớn như vậy, thì những điều kiện đằng sau để đảm bảo cho khoản tiền lớn đó có hiệu quả hay không, chứ không phải đánh giá nó đắt hay rẻ, bởi vì đã có dự toán đâu?
 
- Xin cảm ơn ông.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc