Những tiếng nức nở ở Sơn Mỹ

18:20, 29/04/2015
|

(VnMedia) - 47 năm đã trôi qua kể từ vụ thảm sát ở Sơn Mỹ (Mỹ Lai, Quảng Ngãi), nhưng mỗi ngày tiếng nức nở vẫn vang lên ở khu tưởng niệm. Những du khách đến đây, dù đã nghe nói, đã đọc rất nhiều về vụ thảm sát, vẫn bàng hoàng trước tội ác dã man của quân đội Mỹ. Có những đoàn thăm quan, cả du khách và người thuyết minh đều nức nở…

>> Tội ác khủng khiếp ở Sơn Mỹ bị phanh phui như thế nào?

Ngày 18/4/2015, đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội do Trưởng Ban Tuyên giáo Hồ Quang Lợi dẫn đầu, đã đến thăm khu chứng tích Sơn Mỹ (Mỹ Lai, Quảng Ngãi). Tại đây, với những hình ảnh chân thực và lời thuyết minh đầy xúc động của hướng dẫn viên Kim Anh, một quá khứ quá đỗi đau thương đã trở lại, cứa vào lòng người.

Rất nhiều người trong số hơn 30 nhà báo có mặt trong đoàn công tác đã không kìm được tiếng khóc nghẹn ngào. Người lo thuyết minh, người ghi âm, người chụp ảnh, người cầm sổ ghi chép, nhưng ai ai cũng nhòe nước mắt.

Trong suốt buổi thuyết trình, tiếng người thuyết minh vang lên đầy đau đớn, xen lẫn là tiếng sụt sịt. Thi thoảng, có ai đó khóc nấc lên nức nở…

Ảnh minh họa

 Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi và các nhà báo xúc động trước những hình ảnh đau thương của vụ thảm sát

  Ảnh minh họa

Và dù đã hàng trăm lần giới thiệu với du khách, hướng dẫn viên Kim Anh vẫn không thể kìm được nước mắt khi nói về những cái chết oan nghiệt ở Sơn Mỹ



“Ngày hôm đó, 3 chiếc máy bay trực thăng của Mỹ bay từ căn cứ quân sự Chu Lai đi dọn đường cho 9 chiếc máy bay trực thăng bay theo sau chở hơn 100 lính Mỹ, sau khi đổ quân, chúng đã thực hiện phương châm phá sạch, đốt sạch và giết sạch.

Một bức hình được cho thấy rằng, khi vào đến làng, bọn chúng đã nhằm vào mục tiêu định sẵn trên bản đồ, chứng tỏ vụ thảm sát đã được chuẩn bị rất chu đáo.

Khi đã vào đến làng, bọn chúng chia ra làm nhiều tốp, tốp thì đốt nhà, tốp thì phá hủy lương thực mùa màng, dùng lựu đạn phá hủy những căn hầm trú ẩn của người dân.


Ảnh minh họa

  Ảnh minh họa


Nạn nhân đầu tiên là những người dân đang trên đường đi làm đồng sớm. Phóng viên ảnh nói rằng, ông thấy hai tên lính Mỹ, trong đó một tên cầm súng ngắn bắn chết một người đàn ông, sau đó dùng mũi lê hất người đàn ông để đốt xác.

Ảnh minh họa



Tấm hình khác cho thấy một bộ quần áo phụ nữ. Chúng đã cưỡng hiếp người phụ nữ rồi vứt quần áo của chị ở đó.

Những phụ nữ bị cưỡng hiếp và giết hại dã man, những cụ già đi đứng còn không vững cũng bị giết hại. Cụ già Một Lai bị lôi ra khỏi nhà với tư thế chưa mặc xong quần dài. Sau khi bị lôi ra đầu làng, ông cụ đã bị đẩy ngã xuống đất, với bộ mặt sợ hãi như van xin bọn chúng tha cho. Nhưng dù ông cụ có van như thế nào, ông cũng không thể nào trở về nhà được nữa vì đã bị tên lính giết chết.

Ảnh minh họa



Cùng chung số phận với cụ Một Lai là cụ Trương Thơ 72 tuổi. Bức hình được chụp từ một giếng nước. Cụ Trương Thơ bị bọn lính Mỹ lôi ra ném xuống giếng. Khi cụ cố bám vào miệng giếng, bọn chúng đã dùng dao cắt rau cắt da cằm của cụ. Kế tiếp, bọn chúng xả súng bắn xối xả. Giếng nước này đã được phục dựng năm 2012 để lưu dấu ấn tội ác của lính Mỹ ở Sơn Mỹ.

Ảnh minh họa


Hình ảnh hai mẹ con sản phụ. Theo lời những nạn nhân may mắn sống sót, thì chị mới sinh con được khoảng 3 tháng. Buổi sáng đó, khi chị đang cho con bú trong nhà, một tốp khoảng 4-5 tên lính Mỹ đến lôi con của chị ra, rồi thay phiên nhau cưỡng hiếp chị. Trước khi bỏ đi, bọn chúng bắn chết chị. Nửa tiếng sau, sau khi hoàn thành việc bắn giết ở những nơi khác, bọn chúng đi ngang nơi nhà của sản phụ. Tiếng khóc của đứa trẻ khát sữa đã vô tình làm cho bọn chúng chú ý. Một trong những tên lính Mỹ đã quay trở lại, thấy đứa bé còn cựa quậy liền hô lên “VC” rồi đặt họng súng vào miệng đứa bé bắn nhiều phát. Trước khi bỏ đi, bọn chúng chất rơm rạ lên xác hai mẹ con để đốt.

Ảnh minh họa



47 năm trôi qua, nhưng không ai có thể lý giải được, không ai có thể trả lời được vì sao bọn chúng lại nhẫn tâm giết chết những người chị, người mẹ đang đứng run rẩy van xin. Theo lời phóng viên ảnh thì ngày hôm đó, ông thấy nhóm người đang bồng bế, dắt con chạy trốn lính Mỹ. Trên đường chạy trốn, khi họ chưa biết nấp vào chỗ nào thì đã bị bọn Mỹ bắt được. Hầu hết những người phụ nữ trong nhóm người này đã bị bọn Mỹ cưỡng hiếp, rồi bắt họ tự mặc lại quần áo vào. Phóng viên ảnh đã chụp lại khoảnh khắc cuối cùng của họ, trong đó khuôn mặt của em gái mếu máo núp sau lưng một người phụ nữ đang buộc lại dây lưng. Bên cạnh đó là một người phụ nữ vừa bế con, vừa cài cúc áo, cho thấy chị đã bị bọn chúng hãm hiếp trước đó. Sau đó thì bọn chúng trói chặt họ lại và đặt một họng súng máy đối diện rồi bắn xối xả.

Ảnh minh họa



Một trong những trò tiêu khiển của nhóm lính Mỹ trong ngày hôm đó là đốt nhà trong lúc những người dân vô tội cố chạy trốn thoát ra. Hỉnh ảnh ông cụ Phạm Phúc đang cố lò dò bước ra khỏi căn nhà, chưa đến bậc thềm đã bị bọn Mỹ bắn nhiều lần vào bụng, làm cho ruột ông đổ ra bên cạnh.

Ảnh minh họa


Đau đớn không kém là cái chết của bà Nguyễn Thị Tẩu. Khi bà đang hốt hoảng chạy ra khỏi làng thì bất ngờ gặp bọn Mỹ. Khi bà đang quỳ xuống, miệng ngậm chặt vành nón thì một tên lính Mỹ nhìn thẳng vào mặt bà mỉm cười, bắn nhiều lần vào đầu của bà, làm bà chết trong tư thế miệng ngậm chặt vành nón.

Ảnh minh họa


Kể cả những ông cụ quá già yếu như ông cụ Nguyễn Hiệp cũng bị bọn chúng giết hại dã man. Khi đó, ông đang ngồi trong nhà ăn cơm sáng, hai tên lính Mỹ đã chạy xộc vào, kéo lê ra ngoài sân, bắn nhiều lần vào đầu, miệng, cổ khiến cụ chết mà không thể nhắm mắt.

Trên một con đường làng khác, hai cha con ông Trương Nhị đang trên đường đi làm đồng sớm, đã bị bọn chúng phát hiện và giết chết. Em bé, con trai ông Trương Nhị, dù còn nhỏ nhưng trước khi bị bắn chết còn phải chịu 2 nhát đâm từ phía lưng bằng lưỡi lê.

Đỉnh điểm của tội ác là bọn chúng dồn dân lại và giết người tập thể. Tại tháp canh của thôn Tư Cung, lính Mỹ đã giết tổng cộng 102 người. Nhìn vào bức hình có thể dễ dàng thấy rằng, những người bị lính Mỹ giết hại ngày hôm đó chỉ toàn là những người già, phụ nữ, và những em bé. Phóng viên ảnh nói rằng, ngày hôm đó, bọn lính đã gom dân, đến đoạn đường này, bọn chúng cho họ dừng lại. Phụ nữ bị hãm hiếp, những người khác bị đánh đập, hành hạ, sau đó bị bắn xối xả. Ông kể rằng đã nhìn thấy một em bé mặc áo trắng đang ngoi ngóp bò lên từ xác chết của mẹ nó. Đang tính quỳ xuống chụp lại khoảnh khắc này, nhưng không may, sau lưng ông, một tên lính nhanh hơn ông đã quỳ xuống bắn 3 loạt đạn dài. Loạt thứ nhất khiến em bé văng ra xa, loạt thứ hai hất tung bé lên trời và loạt cuối cùng thì bé đã bất động. Sau đó, toán lính quay đi như không có chuyện gì xảy ra.


Ảnh minh họa



Một gia đình có 4 đứa trẻ bị giết chết và bị đốt xác bằng xăng dầu sau khi bị cắt tay, chân. Bức ảnh cho thấy, người mẹ của 4 đứa trẻ đang gào khóc thảm thiết. Tiếng khóc đã khiến bọn lính nghe được. Chúng quay trở lại và giết chết chị bằng cách bắn một loạt đạn vào đầu. Gia đình của người phụ nữ này cũng chính là 1 trong 24 gia đình bị giết tuyệt tự không còn một ai.

Ảnh minh họa



Tên lính Mỹ Herbert Carter là tên duy nhất bị thương ở chân, không phải do người dân có vũ khí chống trả lại. Người lính này đã quá ghê rợn trước tội ác dã man của đồng đội nên tự rút súng bắn lén vào chân. Khi bị thương, Herbert Carter đã được 2 lính Mỹ khác dìu lên máy bay về căn cứ, rời nơi thảm sát.

Những bức hình bọn Mỹ giết người tại con mương quá kinh khủng nên khu chứng tích đã dựng lại mô hình, tưởng nhớ 170 thường dân vô tội bị giết tại đây. Vài người còn sống sót là nhờ xác của người khác đè lên. Vì hình ảnh của những cảnh này quá đỗi chân thật và đau thương, khu chứng tích đã không công khai mà chỉ làm mô hình để mô tả lại tội ác tột cùng đó.


Ảnh minh họa



Khi trở về sau vụ thảm sát, những người sống không thể nhận diện được người thân bởi bọn lính sau khi giết đã dồn xác họ lại và đốt. Những xác người đã sình lên cao tới 1 mét, sau đó đã được gom lại để chôn tập thể. Số xác người nhiều đến nỗi người sống không thể đào đủ hố chôn. Họ đã đặt hàng chục xác người trong những hố bom và lấp xuống. Hiện tại, ở Mỹ Sơn có những ngôi mộ lớn, trong đó chôn cất 50, 70 người…

Nhiều năm sau, vẫn không ai dám trở lại sinh sống tại ngôi làng này. Đến năm 1975, được sự khuyến khích của Đảng và Nhà nước, một số người dân mới dần dần quay trở lại quê hương để sinh sống.

Ngày hôm đó, ngoài hơn 100 tên lính Mỹ thì còn có 2 thông dịch viên. Hai người thông dịch viên này đã cứu được ông cháu cụ Trương. Sau này cụ kể, hôm đó cụ ôm hai đứa cháu nội chạy trốn lính Mỹ. Gặp hai người thông dịch viên trên đường, ông đã sợ hãi ngồi xuống và van xin họ tha cho. Một trong hai thông dịch viên đã bảo ông hãy chạy đến một con đường mà họ biết chắc quân Mỹ sẽ không hành quân qua đó. Và, ba ông cháu đã may mắn sống sót. Hai năm sau đó, ông cụ qua đời, hiện tại hai người cháu vẫn sinh sống trong ngôi làng ở Sơn Mỹ nhưng không còn nhớ được điều gì vì khi đó họ còn quá nhỏ
."...

Một số hình ảnh ngôi làng còn sót lại sau vụ thảm sát đẫm máu trong khu chứng tích Sơn Mỹ:

  Ảnh minh họa

Trước khi bọn Mỹ tiến hành cuộc thảm sát, Sơn Mỹ là một vùng quê nghèo yên bình

  Ảnh minh họa

Sau 47 năm, chứng tích về tội ác vẫn còn đây

  Ảnh minh họa

 Những cảnh yên bình với ruộng lúa, con mương nước lại chính là nơi lính Mỹ dồn 170 người xuống để bắn giết.

  Ảnh minh họa

 Bức tường ghi dấu tội ác vụ thảm sát cách đây 47 năm


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc