Phát hiện hàng loạt vụ án oan sai nghiêm trọng

13:08, 17/01/2015
|

(VnMedia) - Bị ép cung, bị gài bẫy; bị truy bức; bị kết án oan dù không có tội... là những vấn đề được các đoàn Luật sư đưa ra đối với trên 80 bản án, được đánh giá là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng...

Các Đoàn luật sư, thông qua hoạt động tham gia tố tụng của luật sư thành viên vừa cung cấp thông tin về 82 vụ án hình sự xảy ra tại địa phương có dấu hiệu áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự sai của cơ quan tiến hành tố tụng.

Trong số những vụ án oan sai, có những vụ án được các luật sư kết luận là vi phạm pháp luật nghiêm trọng; Áp dụng pháp luật chưa đúng, có dấu hiệu oan sai kéo dài; có vụ án bị cáo bị truy bức, ép cung; thậm chí có vụ án bị cáo bị công an “gài bẫy” để bắt giữ...

Đơn cử như vụ án của bị cáo Đỗ Duy Bền. Bị cáo này bị kết án 14 năm tù giam về tội "Hiếp dâm trẻ em" tại phiên tòa phúc thẩm ngày 22/2/2012. Theo Văn phòng Luật sư Sao Mai (đoàn luật sư Thái Nguyên), Công an thành phố Thái Nguyên đã bắt giữ Đỗ Duy Bền không có lệnh. Bị cáo này bị truy bức, ép cung và  điều này đã vi phạm về giám định tư pháp.

Đối với trường hợp bị cáo Ngô Duy Tôn Nữ Hạ Huyền, Văn phòng Luật sư Thanh Nhàn (đoàn luật sư  tỉnh Đắc Lắc) cho biết, bị cáo bị tuyên án 10 năm tù về tội "Mua bán trái phép chất ma túy" tại bản án số 31/2013/HS-PT của TAND tỉnh Đắc Lắc. Tuy nhiên, Văn phòng luật sư Thanh Nhàn cho rằng, trong vụ án này, bị cáo bị công an cài bẫy để bắt giữ, dụ cung và các cơ quan tiến hành tố tụng không thực hiện giám định hàm lượng chất ma túy.

Trường hợp bị cáo Lương Văn Thẩm, bị tuyên án 20 năm tù về tội "Giết người" theo Bản án số 86/2011/HS-ST của TAND tỉnh Nghệ An, theo đoàn Luật sư Nghệ An, cơ quan tiến hành tố tụng điều tra, truy tố, xét xử có dấu hiệu kết án oan người không có tội.

Cũng theo đoàn luật sư Nghệ An, bị can Lê Thị Sâm bị truy tố về tội "Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản" theo Quyết định khởi tố hình sự số 89 ngày 16/9/2013 của cơ quan CSĐT, công an huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, đoàn Luật sư cho rằng, theo đoàn luật sư Nghệ An, cơ quan tiến hành tố tụng điều tra, truy tố, xét xử có dấu hiệu kết án oan người không có tội.

Bị cáo Hoàng Trọng Nghĩa, bị VKSND tỉnh Bình Phước truy tố về tội "Vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ". Đến nay, tại Bản án phúc thẩm số 128/2014 ngày 22/9/2014 TAND tỉnh Bình Phước tiếp tục tuyên huỷ án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại. Như vậy là đã 12 năm chưa xét xử xong, đã qua 2 cấp xét xử rất nhiều lần. Đoàn luật sư Bình Phước cho rằng vụ án vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Áp dụng pháp luật chưa đúng, có dấu hiệu oan sai kéo dài.

Hai trường hợp là bị cáo Nguyễn Văn Đông bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" tại cáo trạng số 31/VKS-P1 ngày 15/4/2013 của VKSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và bị cáo Trần Đình Hòa bị tuyên án về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Bản án số 34/2014/HSST của TAND huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai, hiện nay, đang được TAND tỉnh Đồng Nai đang thụ lý phúc thẩm đều được Đoàn Luật sư Bà Rịa-Vũng Tàu đánh giá là có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng trong áp dụng pháp luật tố tụng hình sự.
 
Đoàn luật sư Bà Rịa – Vũng Tàu cũng nhận định thêm hai vụ án khác có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng trong áp dụng pháp luật tố tụng hình sự là vụ án có bị cáo Lê Văn Minh, bị truy tố về tội "Cố ý gây thương tích". TAND thành phố Vũng Tàu xét xử sơ thẩm, tuyên bố bị cáo không phạm tội. Hiện nay, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang thụ lý phúc thẩm do VKSND thành phố Vũng Tàu có kháng nghị; Bị can Vũ Văn Đảo bị truy tố về tội "Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn". Hiện nay, VKSND thành phố HCM đã có bản cáo trạng truy tố và hồ sơ vụ án đang được TAND thành phố HCM thụ lý theo trình tự sơ thẩm.

Ảnh minh họa

Vũ Song Hải, cán bộ Thanh tra xây dựng quận Thanh Xuân bị kết án 18 năm tù. Tuy nhiên, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, vụ án này có dấu hiệu oan sai và vi phạm thủ tục tố tụng nghiêm trọng



Đoàn luật sư Hà Nội phát hiện nhiều vụ án oan sai

Tại Hà Nội, khá nhiều trường hợp được đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đánh giá là có dấu hiệu oan sai.

Theo đó, bị cáo Vũ Song Hải, vốn là cán bộ Thanh tra xây dựng quận Thanh Xuân, bị bắt quả tang vào tháng 3/2013 và bị điều tra về hành vi nhận hối lộ. Tuy nhiên, theo đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, tại phiên tòa sơ thẩm mở vào tháng 10/2013,  Vũ Song Hải bị kết án 18 năm tù giam. Tại phiên tòa phúc thẩm tháng 5/2014, tòa  phúc thẩm đã tuyên hủy án đề điều tra lại. Vụ án này có dấu hiệu oan sai và vi phạm thủ tục tố tụng nghiêm trọng. Hiện nay Tòa án cấp sơ thẩm đang chuẩn bị xét xử lại vụ án này.

Cũng theo đoàn Luật sư Hà Nội, ông Đinh Trọng Thúc và 7 người nhà bị khởi tố về tội Hủy hoại tài sản vào tháng 7/2014, trong đó có 5 người bị bắt tạm giam vì chặt 12 cây tràm trị giá khoảng 10 triệu đồng. Tuy nhiên, vụ án này đã vi phạm thủ tục tố tụng nghiêm trọng và có dấu hiệu oan sai. Ngày 15 /12/2014, TAND thành phố Biên Hòa, Đồng Nai đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và tuyên 5 bị cáo đúng bằng thời gian đã bị tạm giam. Các bị cáo cho biết họ sẽ tiếp tục kháng cáo vì họ bị oan sai.

Đoàn Luật sư Hà Nội cũng cho biết trường hợp bị cáo Nguyễn Viết Đức, bị VKSND huyện Thạch Thất, Hà Nội truy tố về tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ" theo Cáo trạng số 33/KSĐT ngày 27/6/2013, tuyên phạt bị cáo 3 năm tù và bồi thường 110.117.000đ cho gia đình bị hại. Tuy nhiên, theo đoàn Luật sư Hà Nội thì bị cáo kêu oan và đã có đơn kháng cáo đề nghị Hội đồng xét xử trả lại vụ án điều tra lại nhưng đến phiên tòa Phúc thẩm không được đưa  ra. Quan điểm của luật sư cũng đưa  ra các căn cứ cho rằng, lời khai của những người làm chứng mâu thuẫn nhau và vụ án có dấu hiệu oan sai và bỏ lọt tội phạm.

Cũng tại  huyện Thạch Thất, Hà Nội, các Bị cáo Lê Thanh Tình,Nguyễn Hữu Đạo và Nguyễn tài Hùng bị TAND huyện Thạch Thất xét xử theo Bản án số 35/2012/HSST ngày 19/6/2014 về tội "Cướp tài sản". Bị cáo Nguyễn Tài Hùng đã có đơn kháng cáo. TAND thành phố Hà Nội đã xét xử phúc thẩm theo bản án số 863/2012/HSPT ngày 17/8/2012 xử phạt bị cáo 4 năm 6 tháng tù vệ tội cướp tài sản. Các bị cáo trong vụ án này có đơn kêu oan và quan điểm của luật sư bào chữa cũng cho rằng có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, đồng thời đưa ra các căn cứ chứng minh bị cáo không phạm tội.

Đặc biệt, bị can Nguyễn Đình Bang, bị CQCSĐT - Công an TP. Hà Nội khởi tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", tuy nhiên, vụ án đã kéo dài gần 5 năm, bị cáo Bang có 4 năm bị tạm giam, qua 10 lần xét xử sơ thẩm tại TAND tp. Hà Nội vì chưa có đủ cơ sở kết luận bị cáo Bang phạm tội nhưng cũng không ra quyết định đình chỉ điều tra bị can hoặc tuyên bị cáo Bang vô tội. Như vậy là vi phạm về quy định bắt, giam giữ trong BLTTHS.

Trường hợp bị cáo Nguyễn Doãn Hà và bị cáo Nguyễn Thanh Vân, bị CQCSĐT - Công an thành phố Hà Nội, VKSND tp. Hà Nội truy tố về tội "Vô ý làm chết người", tuy nhiên, đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, trên cơ sở chứng cứ của người bào chữa, VKSND đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung, CQCSĐT Công an thành phố Hà Nội ra quyết định thay đổi tội danh.

Ngược lại với những người bị oan sai thì trường hợp bị cáo Phạm Văn Toản và bị cáo Phạm Văn Đương, lại được cho là giảm án không đúng đối tượng.

Theo đó, các bị cáo nói trên bị TAND thành phố Hà Nội xử phạt về tội "Giết người" và "Đánh bạc" theo bản án hình sự sơ thẩm số 64/2014/HSST ngày 20/02/2014; và bản án số 308/2014/HSPT ngày 10/6/2014 của TANDTC. Theo đoàn Luật sư Hà Nội, trong thời gian ngắn, bị cáo Toản phạm 3 tội Giết người, Đánh bạc, Cố ý gây thương tích. Trường hợp  này, căn cứ của luật sư cho rằng một đối tượng có nhân thân xấu, bản chất hung hăng, côn đồ, coi thường pháp luật thì không thể giảm án. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, mặc dù VKSNDTC đề nghị giữ nguyên mức phạt đối với bị cáo, tuy nhiên HĐXX vẫn giảm án  cho bị cáo.


Ngọc Quỳnh

Ý kiến bạn đọc