Khu giãn dân phố cổ sẽ hiện đại như thế nào?

09:18, 18/01/2015
|

(VnMedia) - Khu nhà trẻ 3 tầng với diện tích 2.012m2 đảm bảo sinh hoạt học tập cho 400 cháu; 1 công trình hỗn hợp cao 15 tầng (gồm chung cư, trung tâm thương mại, dịch vụ và một nhà để xe công cộng cao 3 tầng)...

Theo UBND quận Hoàn Kiếm, để thực hiện giai đoạn 1 dự án giãn dân phố cổ, UBND thành phố đã chấp thuận cho phép UBND quận được triển khai 2 dự án thành phần, đó là: Dự án Tổ chức di dời các hộ dân ra khỏi khu phố cổ Hà nội (dự án đầu đi) và Dự án Đầu tư xây dựng Khu nhà ở giãn dân phố cổ tại khu đô thị mới Việt Hưng, quận Long Biên (dự án đầu đến).

Theo đó, khu nhà ở giãn dân phố cổ giai đoạn 1 được đầu tư xây dựng tại khu Đô thị mới Việt Hưng trên khu đất có diện tích 11.12ha với quy mô gồm 16 khối chung cư cao 8 đến 9 tầng, 1 công trình hỗn hợp cao 15 tầng (gồm chung cư, trung tâm thương mại, dịch vụ và một nhà để xe công cộng cao 3 tầng) và 1 nhà trẻ cao đến 3 tầng. Các tòa nhà cao tầng đều có tầng hầm để xe.

Cụ thể, khu nhà trẻ 3 tầng với diện tích 2.012m2 đảm bảo sinh hoạt học tập cho 400 cháu phục vụ cho đối tượng là con em người dân khu phố cổ sang định cư sinh sống tại khu nhà ở giãn dân. Khu nhà trẻ này sẽ do UBND quận Hoàn Kiếm làm Chủ đầu tư và đại diện chủ đầu tư là Ban quản lý đầu tư xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ quận Hoàn Kiếm. Nguồn vốn đầu tư bằng ngân sách quận Hoàn Kiếm. Sau đầu tư sẽ bàn giao cho UBND quận Long Biên quản lý.

Ảnh minh họa

Nơi ở mới có thể sẽ khang trang, rộng rãi, nhưng người dân lo nhất là sinh kế


Dự án xây dựng công trình hỗn hợp (Trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở, dịch vụ khác) được xây dựng trong phạm vi tại ô đất CT-08A với diện tích 13.335m2 . Dự án sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai để lựa chọn chủ đầu tư và sử dụng nguồn vốn của đơn vị tư trúng thầu đấu giá. Sau đầu tư, chủ đầu tư sẽ quản lý, khai thác vận hành.

Việc xây dựng nhà ở giãn dân sẽ được thực hiện trong phạm vi bao gồm toàn bộ các nhà ở giãn dân thuộc khu nhà ở gồm 16 tòa nhà cao 8-9 tầng thuộc các lô đất: CT-04A, CT-04B, CT-04C, CT-04D, CT-04E, CT-05A, CT-05B, CT-05C, CT-05D, CT-06A, CT-06B, CT-07A1, CT-07A2, CT-07B1, CT-07B2, CT-08B và các tuyết đường giao thông nội bộ khu nhà ở.

Về tiến độ dự án, theo UBND quận Hoàn Kiếm, tháng 1/2015 sẽ tiến hành đo đạc, lập hồ sơ kỹ thuật đối với các hộ dân trong trong diện GPMB bắt buộc làm cơ sở lập phương án đền bù và phương án phân bổ quỹ nhà tại khu đô thị Việt Hưng.

Từ tháng 3/2015, sẽ triển khai tiến hành phân định rõ số liệu sở hữu đất và các hợp đồng thuê nhà, phát phiếu đăng ký nhu cầu sử dụng căn hộ đến các hộ dân trong nhóm đối tượng nhà ở đông hộ, nhà ở có giá trị, có giá trị đặc biệt để lập hồ sơ đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở tại Khu đô thị giãn dân phố cổ tại Việt Hưng, Long Biên.

Ảnh minh họa

Nơi ở cũ, dù chật chội, vệ sinh môi trường kèm nhưng người dân vẫn có thể kiếm sống được


Lo sinh kế nơi ở mới

Mặc dù dự án khu giãn dân phố cổ hứa hẹn sẽ mang lại một điều kiện sống tốt hơn hẳn những khu nhà chật hẹp, xuống cấp tại nơi ở cũ, nhưng vấn đề quan trọng nhất đối với người dân, chính là sinh kế của họ.

Đây cũng là một vấn đề nan giải của dự án giãn dân phố cổ, không chỉ đối với Hà Nội mà hầu hết những dự án có giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Đơn cử như với Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La trên địa bàn tỉnh Điện Biên, cách đây 2 ngày, Thủ tướng Chính phủ đã phải có ý kiến chỉ đạo về việc xử lý các kiến nghị trong thực hiện Dự án này. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý UBND tỉnh Điện Biên sử dụng nguồn vốn di dân, tái định cư Dự án thủy điện Sơn La trong tổng số vốn Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La đã phân bổ để san ủi, tạo mặt bằng đồng ruộng tại một số công trình thủy lợi trên địa bàn.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý về nguyên tắc cho phép UBND tỉnh Điện Biên hỗ trợ chi phí đào tạo, chuyển đổi ngành nghề, mua sắm công cụ lao động cho các hộ dân tái định cư nông nghiệp.

Trở lại dự án giãn dân phố cổ Hà Nội, dù nơi ở cũ có điều kiện sống chật chội, vệ sinh môi trường kém, nhưng người dân ở đây vốn chủ yếu sống nhờ vào việc buôn bán vặt, nay về nơi ở mới khang trang, nhưng họ sẽ phải sống bằng gì? Đó là câu hỏi mà các cấp chính quyền ở Hà Nội cần phải có lời giải thỏa đáng, chứ không chỉ đơn giản là vận động, thuyết phục.


Mỹ Hạnh

Ý kiến bạn đọc