Bỏ học sinh giỏi, xếp loại học sinh tiểu học thế nào?

20:10, 08/01/2015
|

(VnMedia) - Để "gỡ rối" cho các trường tiểu học trong việc đánh giá và khen thưởng học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có hướng dẫn về việc này. Theo đó sẽ xếp loại học sinh theo hai mức.

>> Chính thức bỏ chấm điểm thường xuyên cấp tiểu học
>> Dành nhiều thời gian để giáo viên nhận xét học sinh
>> Nhận xét học sinh tiểu học: Sở chỉ hình thức!

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Hiện đang là cuối kỳ I, năm học 2014-2015, nên nhiều trường tiểu học đang rất lúng túng trước việc tổng kết, khen thưởng học sinh, vì đây là năm đầu tiên ngành giáo dục bỏ chấm điểm thường xuyên đối với bậc học này.

Để “gỡ rối” cho vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn hướng dẫn cụ thể hơn. Theo đó, các trường tiểu học sẽ thực hiện xếp loại từng học sinh thuộc một trong hai mức: Đạt hoặc Chưa đạt.

Để đánh giá tổng kết cuối kỳ, giáo viên chủ nhiệm họp với các giáo viên dạy cùng lớp, thông qua nhận xét quá trình và kết quả học tập, hoạt động giáo dục khác để tổng hợp đánh giá mức độ hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của từng học sinh.

Các nội dung đánh giá cụ thể như những đặc điểm nổi bật, sự tiến bộ, hạn chế, mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập theo chuẩn kiến thức, kỹ năng; năng khiếu, hứng thú về từng môn học, hoạt động giáo dục; mức độ hình thành và phát triển theo từng nhóm năng lực, phẩm chất của học sinh; góp ý với học sinh, khuyến nghị với nhà trường, cha mẹ học sinh. Trên cơ sở đó, giáo viên xếp loại từng học sinh một trong hai mức đạt hoặc chưa đạt, hoàn thành hoặc chưa hoàn thành.

Về việc khen thưởng, giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn học sinh bình bầu những học sinh đạt thành tích nổi bật hay có tiến bộ vượt bậc, đạt thành tích nổi bật trong các phong trào thi đua hoặc thành tích đột xuất khác. Giáo viên tham khảo ý kiến cha mẹ học sinh và tổng hợp và lập danh sách đề nghị hiệu trưởng tặng giấy khen hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng.

Số lượng học sinh được khen thưởng, tuyên dương do hiệu trưởng quyết định. Việc ghi vào giấy khen về nội dung khen thưởng học sinh là hết sức linh hoạt do giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng quyết định, không áp dụng theo khuôn mẫu có sẵn. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nêu những ví dụ nội dung khen thưởng. Cụ thể, về các môn học có thể khen hoàn thành tốt nội dung học tập các môn học; hoàn thành tốt nội dung học tập môn toán; hoàn thành tốt nội dung học tập môn khoa học và môn âm nhạc; có tiến bộ vượt bậc trong học tập môn tiếng Việt; có sáng tạo, say mê học tập môn mỹ thuật...

Khen thưởng về năng lực, phẩm chất có thể ghi nội dung: có tiến bộ vượt bậc trong giao tiếp; có thành tích nổi bật khi tham gia các hoạt động của lớp, trường; có ý thức và trách nhiệm cao về tự phục vụ và tự quản; luôn nhiệt tình giúp đỡ bạn trong học tập.


Thuỳ Minh

Ý kiến bạn đọc