Dùng thẻ thông minh điểm danh Đại biểu Quốc hội

16:29, 24/11/2014
|

(VnMedia) - Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội, tới đây sẽ có thẻ thông minh, các đại biểu phải cắm thẻ thì mới bấm nút thông qua luật được, đồng thời cũng dùng thẻ này để điểm danh. Sẽ không thể điểm danh hộ hay bấm nút hộ...

  Ảnh minh họa

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: Có thể thông minh sẽ dùng để điểm danh đại biểu - ảnh: Tuệ Khanh


Những ngày gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa một số thông tin về hiện tượng Đại biểu Quốc hội vắng mặt quá nhiều trong các phiên họp, đặc biệt là trong những phiên thông qua luật. Điều này đặt ra một câu hỏi: Các Đại biểu này liệu có hoàn thành trách nhiệm người đại biểu của dân, được cử tri tin cậy bỏ phiếu để bàn các công việc "quốc gia đại sự"? Và, Quốc hội cần phải làm gì để kiểm soát tình trạng đó?

Bên hành lang Quốc hội sáng 24/11, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã trao đổi với báo chí về vấn đề này.

- Thưa ông, Quốc hội có quy định một đại biểu tối đa được vắng mặt bao nhiêu buổi trong một kỳ họp không?

Không có quy định nào quy định về vấn đề này mà chỉ quy định trong kỳ họp Đại biểu không được vắng mặt. Nhưng Đại biểu kiêm  nhiệm, có việc bất khả kháng thì phải chịu. Ví dụ như một số lãnh đạo cùng Tổng Bí thư đi công tác nước ngoài chẳng hạn, hay ốm đau là bất khả kháng… nên không quy định được điều đó. Nhưng Đại biểu phải cố gắng thu xếp công việc ở cơ quan, đơn vị mình để dự họp đầy đủ.

- Hàng ngày Văn phòng Quốc hội có thống kê đại biểu nào vắng mặt, lý do gì không, thưa ông?

Văn phòng Quốc hội có giao cho Ban công tác Đại biểu. Ban này sẽ điểm danh, theo dõi.

- Không chỉ ở hội trường mà còn ở các phiên họp tổ rất vắng đại biểu, có đoàn thảo luận chỉ hơn 1h đồng hồ đã về. Ông có ý kiến gì về tình trạng này?

Tôi tiếp thu ý kiến của các báo.

- Có những phiên truyền hình trực tiếp, số lượng Đại biểu vắng mặt nhiều khiến chủ tọa cũng bức xúc. Vậy có biện pháp nào để Đại biểu tham dự đông đủ, thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của Đại biểu không?

Đoàn thư ký đã có công văn gửi các đồng chí trưởng đoàn đề nghị nhắc nhở các Đại biểu, nhất là những buổi cuối thông qua rất nhiều các Nghị quyết, rất nhiều các luật, cố gắng bố trí sắp xếp công việc để tham dự cho đủ.

Tỷ lệ bấm nút tán thành là trên cơ sở chia cho tổng số đại biểu chứ không tính trên số lượng đại biểu có mặt, nên nếu vắng mặt nhiều thì tỷ lệ thấp.

- Thực tế có những phiên tỷ lệ bấm nút còn cao hơn số Đại biểu có mặt và chủ tọa có nhắc đến việc bấm hộ, bấm thay. Vấn đề này có được làm rõ hay không, thưa ông?

Đây mới là theo suy luận. Có phải bấm nút hộ hay có đúng số Đại biểu không thì cũng không biết vì mình có đếm đâu? Nhưng nếu bấm hộ thì thấy ngay vì khoảng cách giữa các ghế rất xa.

- Với trang thiết bị hiện nay thì có bấm hộ được không, thưa ông?

Đúng là hiện nay vẫn bấm hộ được. Nhưng khi có thẻ thì không thể bấm hộ được vì mỗi Đại biểu có một thẻ, có tên, tuổi, cắm vào đó thì các thiết bị mới hoạt động được. Nếu không có thẻ thì các thiết bị không hoạt động. Thẻ của Đại biểu này không thể mang sang dùng cho Đại biểu khác.

- Ông có cho rằng đại biểu vắng mặt nhiều như thế này là do hiện nay đại biểu kiêm nhiệm đảm nhiệm nhiều công việc quá hay không?

Chắc chắn vào dịp cuối năm, các địa phương, đơn vị đều bận.

- Vậy tại sao trong Luật tổ chức Quốc hội, số Đại biểu chuyên trách vẫn chưa tăng lên, thưa ông?

Luật Tổ chức Quốc hội vừa thông qua quy định Đại biểu chuyên trách thấp nhất là 35%, là áp dụng cho nhiệm kỳ mới chứ nhiệm kỳ này thì không được. Hơn nữa, Luật Tổ chức Quốc hội mới chỉ có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Trong nhiệm kỳ mới thì thấp nhất là 35%, trên 35% thì càng tốt.

- Nếu không có chế tài thì sẽ dẫn đến tình trạng hôm nào luật quan trọng, vấn đề gì quan trọng thì đông Đại biểu, nếu Luật nào không quan trọng thì Đại biểu rất vắng?

Luật nào cũng quan trọng, không thể nói rằng luật nào là không quan trọng.

- Xin cảm ơn ông!


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc