Đào tạo nghề cho ngư dân: Bộ còn ở xa dân lắm!

08:49, 24/11/2014
|

(VnMedia) - " Cần nêu rõ đã có chương trình nào, đào tạo được bao nhiêu người và hiệu quả thực tiễn ra sao..., chứ chúng ta cứ "tăng cường, đẩy mạnh, nâng cao" thì rất khó!" - đại biểu Lê Nam nói về việc đào tạo nghề cho ngư dân.

Ảnh minh họa

Đại biểu Lê Nam: T ôi sẽ theo đuổi đến cùng chính sách với ngư dân


Liên quan đến vấn đề đào tạo nghề cho ngư dân, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) luôn là người đặc biệt quan tâm, nhiệt huyết. Ông cũng đã nhiều lần chất vấn và bám đuổi vấn đề này ở Quốc hội. Trao đổi với báo chí về vấn đề này, đại biểu Lê Nam cho rằng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chưa làm gì cụ thể.
 
- Chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa qua, nhiều đại biểu cho rằng việc đào tạo nghề cho ngư dân còn chưa đạt như kỳ vọng. Ý kiến ông về vấn đề này ra sao?
 
Theo tôi, một trong những kém cỏi của ngư dân Việt Nam hiện nay ngoài phương tiện quá bé nhỏ thì trình độ, kỹ năng, tay nghề còn quá yếu kém. Trước đây tôi có dẫn chứng số liệu trước Quốc hội, đó là trong 20 nghìn tàu được phép cấp đánh cá vùng đánh cá chung của Vịnh Bắc Bộ, tàu cá của Việt Nam chỉ chiếm 17%, còn lại chủ yếu là tàu của Trung Quốc.
 
Lý do là tàu của chúng ta quá bé và khả năng về nghề nghiệp, trình độ của ngư dân còn thấp, nên chúng ta không đủ sức để tham gia vào vùng đánh cá chung.
 
Cho nên, việc đào tạo nghề, nâng cao trình độ cho ngư dân là một trong những giải pháp cực kỳ quan trọng. Ví như hiện nay Chính phủ hỗ trợ ngư dân đóng tàu sắt, công suất lớn, khả năng ra biển xa nhưng nếu không đào tạo nghề thì con tàu sắt ấy sẽ trở thành gánh nặng.
 
- Để giải quyết những bất cập trên, chỉ một Bộ liệu có thể làm được không, thưa ông?
 
Một Bộ không thể làm hết được. Chính vì thế phải thực hiện đồng bộ trong đào tạo nghề cho ngư dân. Trách nhiệm ấy, tôi nghĩ rằng lâu nay chưa rõ. Bộ nói thế thôi nhưng Bộ ở xa lắm, các Bộ trưởng trước Quốc hội thể hiện sự quan tâm, nhưng đến được với ngư dân thì khó. Do ngư dân sống không tập trung, thường ở trên biển, nên để tổ chức truyền đạt nghề cho ngư dân rất khó.
 
Việc tổ chức đào tạo nghề, phải phối hợp giữa hai Bộ: Lao động Thương binh và Xã hội và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Lâu nay, việc này chủ yếu của Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, còn trong dạy nghề cho ngư dân, tôi chưa thấy Bộ Lao động Thương binh và Xã hội làm gì cụ thể.
 
Sắp tới, chúng tôi sẽ đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nêu rõ đã có chương trình nào, đào tạo được bao nhiêu người và hiệu quả thực tiễn ra sao... tất cả phải được kiểm nghiệm trong thực tiễn, chứ chúng ta cứ "tăng cường, đẩy mạnh, nâng cao" thì rất khó!
 
- Nếu ngư dân vay đóng mới một con tàu 10 tỷ, trả trong vòng 10 năm thì cả gốc lẫn lãi mỗi năm phải trả tới hơn 1 tỷ đồng. Việc này có phải là quá sức đối với ngư dân hay không, thưa ông?
 
Vừa qua, tôi thấy Thống đốc đã chỉ đạo chính sách tín dụng cho ngư dân. Chính phủ đã có quy định rất rõ ràng rồi, nếu tiếp cận được mức lãi suất như quy định đó là mơ ước của ngư dân rồi. Tôi đã tiếp xúc cử tri là các ngư dân rồi, đó là mơ ước của ngư dân, chỉ có điều cần nhanh chóng triển khai để chính sách sớm đến tay người dân thôi.
 
- Ngoài vấn đề vốn, kỹ năng kỹ thuật thì cử tri còn lo lắng khi ra khơi, tàu cá của ngư dân bị o ép nhiều bề mặc dù đã có sự hỗ trợ của lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
 
Điều này tôi đã nói trước Quốc hội rồi. Tôi so sánh việc mỗi năm hàng nghìn tàu cá Trung Quốc đánh bắt vào vùng biển chúng ta nhưng chúng ta không xử phạt mà tàu chúng ta ra lại bị bắt. Về mặt đối ngoại phải có đi có lại.
 
Tàu cá của ta thì bị người ta bắt, bị tàu lạ đâm chìm, bà con ngư dân không được an toàn khi ra biển, phải đối mặt với nhiều hiểm nguy. Vậy phải làm gì bảo vệ ngư dân? Cũng như các nước, biển rộng mênh mông thì cảnh sát biển, kiểm ngư khó đi theo ngư dân bảo vệ được mà chúng ta phải xác định ngư dân phải tự bảo vệ mình, phải trang bị cho họ có điều kiện để họ tự bảo vệ mình và bảo vệ lẫn nhau.
 
Ngoài ra, phải có chính sách hỗ trợ giúp họ, cũng như chính sách đối ngoại ở cấp Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã nói rồi, phải “vừa hợp tác và đấu tranh”. Trung Quốc xâm phạm lợi ích ngư dân của chúng ta thì phải đấu tranh quyết liệt bằng mọi cách. Như vậy sẽ tốt hơn và bảo vệ được ngư dân của chúng ta.
 
- Trong những kỳ họp gần đây, ông luôn là người rất tâm huyết, chất vấn và theo sát các chính sách hỗ trợ ngư dân. Tới đây, ông có tiếp tục theo dõi đến cùng sự việc hay không?
 
Tôi sẽ tiếp tục theo dõi. Ngoài ra tôi cũng kiến nghị đưa việc thực hiện các chính sách cho ngư dân vào chương trình giám sát của Quốc hội trong năm 2015. Bản thân tôi và một số Đại biểu Quốc hội sẽ giám sát độc lập với tư cách quyền giám sát của Đại biểu Quốc hội.
 
Tôi và một số Đại biểu sẽ theo đuổi đến cùng, vì đây là chủ trương lớn quan trọng đặc biệt trong tình hình biển đảo hiện nay. Ngư dân là lực lượng chủ công trong bảo vệ chủ quyền biển đảo. Chính sách đúng, nhưng nếu chúng ta xao nhãng do quá nhiều chính sách, việc này chồng lên việc kia, nếu không bám, không quyết liệt thì sẽ khó có hiệu quả cao vì trên thực tế có nhiều chính sách đã ban hành nhưng cứ rơi rụng đi trong quá trình thực hiện.
 
Tôi có thể khẳng định lại lần nữa, chúng tôi sẽ theo đuổi đến cùng chính sách với ngư dân.
 
- Xin cảm ơn ông.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc