Nên hay không gọi sinh viên chính quy nhập ngũ?

07:02, 23/11/2014
|

(VnMedia) - Thảo luận về Luật Nghĩa vụ quân sự, hầu hết các đại biểu đều đồng tính với quy định thu hẹp đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ, nhưng còn có những ý kiến khác nhau về việc tạm hoãn hay không đối với sinh viên chính quy.
 
Theo đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận), việc thu hẹp đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình đối với học sinh, sinh viên là vấn đề nhạy cảm, có tác động nhiều đến công dân trong độ tuổi học tập tại các cơ sở giáo dục ở bậc trên trung học phổ thông đến dưới bậc đại học và bậc đại học không thuộc hệ chính quy, ít nhiều có ảnh hưởng đến việc học tập của công dân.
 
“Tuy nhiên, tôi thấy việc thu hẹp này cần thiết, hợp lý, bởi vì công dân ở độ tuổi này có số lượng nhiều, chiếm tỷ lệ lớn trong số lượng tạm hoãn gọi nhập ngũ hàng năm, ảnh hưởng đến số lượng gọi công dân nhập ngũ, không tuyển được nhiều công dân ở trình độ học vấn cao vào quân đội.” - đại biểu Lê Đắc Lâm nói.
 
Theo ông, việc ưu tiên tạm hoãn nhập ngũ trong thời bình cho sinh viên học ở các trường đại học chính quy là thể hiện chính sách ưu đãi nhân tài của Đảng, Nhà nước, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho quốc gia, phục vụ cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
 
Trong khi đó, những học sinh, sinh viên học các loại hình trường học khác không được tạm hoãn và cơ hội thực hiện học tập của họ vẫn tiếp tục sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, vì luật đã quy định bảo lưu kết quả học tập ở Điểm đ, Khoản 2, Điều 47.
 
Mặt khác, theo đại biểu thì hệ thống cơ sở đào tạo dân lập và nghề nghiệp hiện nay quá rộng, nhiều hình thức đào tạo thi tuyển, xét tuyển, điểm đầu vào không cao, có những trường hợp điểm thấp hơn điểm sàn. Trong thực tế có nhiều trường ở nhóm này quản lý sinh viên không tốt, không quan hệ chặt chẽ với địa bàn quản lý nguồn công dân trong độ tuổi sẵn sàng gọi nhập ngũ, nên dễ bị lợi dụng để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự bằng cách thi hoặc đăng ký vào các trường thuộc hệ thống cơ sở giáo dục này.
 
Ngược lại, dù vẫn nhất trí với quy định dự thảo về việc thu hẹp đối tượng công dân được tạm hoãn, miễn nhập ngũ trong thời bình, nhưng đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) lại đề nghị không phân biệt diện tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với sinh viên đại học, cao đẳng đang học chính quy thuộc cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân để đảm bảo sự bình đẳng về cơ hội học tập trong giáo dục theo quy định của Luật giáo dục.
 
Trong khi đó, đại biểu Khúc Thị Duyền (Thái Bình) cho biết, hiện nay, sức khỏe đầu vào của tân binh ở một số địa phương rất thấp, có địa phương sức khỏe loại một chỉ đạt 30 rồi trên 30%. Tuy nhiên, năm 2014, do tình trạng sinh viên của các trường cao đẳng, đại học có lực lượng lớn ra mà công ăn, việc làm rất khó khăn, nên số tân binh lên đường nhập ngũ là sinh viên cao đẳng, đại học là chiếm số đông và đây cũng là một điều kiện để nâng cao về sức khỏe và trình độ của tân binh.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

 
Là người làm công tác ở quân sự, tuyển quân ở địa phương, đại biểu Nguyễn Sỹ Hội (Nghệ An) phân tích, hiện nay có 80% con em nông dân chưa làm việc tham gia nghĩa vụ quân sự, con em cán bộ, công chức, gia đình có điều kiện kinh tế chỉ chiếm chưa đến 5%; tỷ lệ cao đẳng, đại học chỉ 0,64% tham gia nghĩa vụ quân sự. Do vậy, việc điều chỉnh miễn, hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự theo dự luật trình là cần thiết.
 
Đại biểu Nguyễn Sĩ Hội còn đề nghị, các văn bản dưới luật nên có các điều khoản tương thích, tạo điều kiện cho công chức, viên chức được tham gia nghĩa vụ quân sự, đồng thời sau khi hoàn thành tốt nghĩa vụ quân sự được tạo điều kiện, bố trí công tác.
 
Một dạng đối tượng đặc biệt được đại biểu Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa) quan tâm cho ý kiến, đó là một bộ phận không nhỏ thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ nhưng lại được cử đi học hoặc đi lao động ở nước ngoài, hoặc đi công tác có thời hạn... “Đối tượng này có huộc diện được hoãn nghĩa vụ quân sự hay không? Chúng tôi đề nghị trong luật này cũng cần phải quy định rõ để chúng ta thực hiện.” – đại biểu Đặng Đình Luyến nói.
 
Theo quy định của dự thảo thì công dân trúng tuyển vào đại học có 2 lựa chọn, một là ưu tiên đi học đại học trước, sau đó nhập ngũ, hai là nhập ngũ trước, sau đó đi học. Về vấn đề này, Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng Quốc hội nên thống nhất chỉ chọn một phương án, đồng thời bản thân đại biểu cũng đề nghị phương án nhập ngũ trước, học đại học sau, bởi tốt nghiệp đại học xong và đi làm, áp dụng ngay kiến thức nhà trường vào công việc là phù hợp. Còn nếu học trước rồi nhập ngũ, khi xuất ngũ sẽ lạc hậu so với sự thay đổi nhanh chóng của khoa học và công nghệ. Đại biểu này con cho rằng, nhập ngũ trước khi vào đại học thì quân đội sẽ dễ dàng uốn nắn vào khuôn khổ, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, rèn luyện thể lực, giáo dục chính trị, tinh thần yêu nước…


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc