Đề nghị tăng lương cho nhóm thu nhập thấp

09:04, 01/11/2014
|

(VnMedia) - Đại biểu Quốc hội đề nghị, nếu ngân sách khó khăn chưa thể tăng lương thì vẫn cần tăng lương cho nhóm đối tượng có thu nhập thấp, đặc biệt là những người về hưu trước năm 1993…

Ảnh minh họa

Những người nghỉ hưu trước năm 1993 rất liêm khiết nhưng đời sống hiện nay đang khó khăn - ảnh minh họa


Trong các phiên thảo luận kể từ đầu Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13 đến nay, vấn đề an sinh xã hội đã được các đại biểu và dư luận đặc biệt quan tâm. Thông tin không thể tăng lương trong điều kiện ngân sách nhà nước đang hết sức khó khăn, nợ công tăng cao… khiến nhiều người lo lắng, đặc biệt là với những người thu nhập thấp, những người hưởng lương hưu… 
 
Trong phiên thảo luận ngày 31/10, vấn đề an sinh xã hội và lương hưu lại một lần nữa được các Đại biểu Quốc hội mổ xẻ, trong đó có nhiều ý kiến băn khoăn về đời sống và chính sách đãi ngộ đối với người cao tuổi, người đã nghỉ hưu trước năm 1993.
 
Theo đại biểu Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi), các đối tượng về hưu từ năm 1993 trở về trước hầu hết đều tham gia trong chiến tranh, hiện nay tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút, nhưng lương hưu quy định cho các đối tượng nghỉ hưu trong giai đoạn này rất thấp.
 
“Qua các kỳ họp, nhiều đại biểu Quốc hội đã kiến nghị cần điều chỉnh nâng mức lương hưu cho các đối tượng này nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Tôi kiến nghị Chính phủ cần quan tâm giải quyết vấn đề này.” – đại biểu Nguyễn Cao Phúc một lần nữa kiến nghị.
 
Đồng tình với đại biểu tỉnh Quảng Ngãi, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cũng nhấn mạnh, người về hưu trước năm 1993 hiện nay hết sức khó khăn, bởi vì lúc đó đồng lương rất thấp, 5 năm mới tăng lương một lần.
 
“Bây giờ chúng ta 3 năm tăng lương một lần, như vậy họ rất thiệt thòi, những người này liêm khiết và họ cống hiến nhiều. Tôi đề nghị có chính sách điều chỉnh việc này cho hợp lý hơn.” – đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nói.
 
Cũng liên quan đến an sinh xã hội, đại biểu tỉnh Lâm Đồng đề nghị cần phải sửa đổi chính sách đối với người cao tuổi bởi hiện nay những người hưởng lương hưu sống trên 80 tuổi cũng không được trợ cấp của nhà nước.
 
“Tôi cũng đã đi khảo sát một thị trấn, có 65 người đi lính cho Pháp, người Pháp vẫn trả lương, trong đó có 45 người sống trên 80 tuổi họ vẫn được hưởng hai chính sách. Một là lương hưu của Pháp, hai là trợ cấp người cao tuổi. Nhưng cán bộ cách mạng, cán bộ Cụ Hồ, bộ đội Cụ Hồ thì lại không được hưởng việc này. Tôi cho rằng việc này là bất hợp lý” – Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nói.
 
Với phân tích trên, đại biểu tỉnh Lâm Đồng đề nghị tất cả những người trên 80 tuổi đều được hưởng trợ cấp, không nên phân biệt.
 
“Những người đi lính cho Pháp đang được hưởng hai khoản, một là lương hưu của Pháp, hai là trợ cấp người cao tuổi. Rất nhiều cán bộ lão thành cách mạng của mình họ rất tâm tư. Họ bảo đi lính cho Pháp được mà tại sao chúng tôi là lính Cụ Hồ lại không được? Đề nghị phải điều chỉnh chính sách này cho đúng.” – đai biểu Nguyễn Bá Thuyền nhấn mạnh.
 
Cũng quan tâm đến nhóm đối tượng khó khăn, đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) đề nghị, nếu không thể tăng lương được như kế hoạch thì nên nghiên cứu tăng lương cho một nhóm đối tượng có thu nhập thấp như những người hưởng lương hưu, cán bộ, công chức cấp xã.
 
Đại biểu Nguyễn Thanh Thụy cũng đề nghị coi nhiệm vụ soát xét, cải cách hành chính, tinh giản biên chế là nhiệm vụ cấp bách và được triển khai quyết liệt như nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước mà Chính phủ đang chỉ đạo vì “có như vậy đề án cải cách tiền lương mới có thể trở thành hiện thực trong tương lai gần.”
 
Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Nguyễn Công Bình (Yên Bái) cũng đánh giá, đời sống ở một bộ phận người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, những người về hưu trước năm 1993 và đặc biệt người dân ở vùng tái định cư khi phải nhường đất để xây dựng các công trình lớn của đất nước như đường cao tốc, các công trình thủy điện còn gặp khó khăn và cần được quan tâm đặc biệt.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc