Cải tạo chung cư cũ: doanh nghiệp không phải là "ông chủ"

07:13, 30/10/2014
|

(VnMedia) - Theo KTS Trần Công Thanh, trong dự án cải tạo chung cư, doanh nghiệp chỉ là một đối tượng tham gia góp vốn cùng người dân và nhà nước, được ăn chia theo lợi nhuận kinh doanh chứ không phải là chủ của dự án đó…

>>Chung cư cũ sắp sập: Vẫn loay hoay "lợi ích 3 bên"
 
Thời gian qua, khi nói về việc xây dựng lại các khu chung cư cũ, trong khi rất nhiều ý kiến nói về việc nhà đầu tư không có lãi hay thậm chí là lỗ vốn vì sự ràng buộc của cơ chế, quy định… thì lại không có nhiều ý kiến nói đến quyền lợi của người dân, mà nếu có nói thì cũng chỉ quan tâm xem, họ sẽ được “quy đổi” diện tích lên 1,2 lần, 1,5 lần hay bao nhiêu.
 
Cũng chính vì cách suy nghĩ này nên khi đi tìm giải pháp, người ta cũng chỉ quan tâm xem làm thế nào để các chủ đầu tư chịu nhận dự án, còn người dân thì chấp nhận các khoản đền bù. Khi một nhà chung cư cũ được phá đi và một tòa nhà mới được xây lên, công việc coi như xong.
 
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quyền của người dân ở các khu chung cư cũ không chỉ có vậy, và việc tái thiết chung cư cũ cũng không phải chỉ là việc xây lên một khu nhà mới trên nền đất cũ.

Ảnh minh họa


 
Doanh nghiệp chỉ là người góp vốn
 
Theo KTS Trần Công Thanh, Chi hội Kiến trúc sư lão thành, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, thời gian qua, cơ chế thực hiện các dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ của Hà Nội đề ra đã chưa tính đến vai trò chủ thể của các chủ sở hữu, sử dụng nhà chung cư. Điều này khiến người dân bất bình và không đồng tình ủng hộ thực hiện dự án.
 
“Về tư cách pháp nhân, trong dự án kinh doanh chỉ thừa nhận vai trò chủ bỏ vốn xây dựng công trình mà không thừa nhận vai trò chủ sử dụng đất hợp pháp. Toàn bộ dân cư bị gạt ra khỏi dự án kinh doanh và không được tham gia lập dự án đầu tư hay kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện dự án cũng như xem xét kết quả kinh doanh, phân chia lợi nhuận dự án kinh doanh.” - KTS Trần Công Thanh nhận định.
 
KTS Trần Công Thanh cũng cho rằng, quyền lợi dân cư trong dự án kinh doanh không được tính ăn chia theo lợi nhuận kinh doanh, và chỉ được đền bù tài sản căn hộ bằng chỉ số cộng thêm diện tích căn hộ do Thành phố qui định. Trong khi đó, giá trị sử dụng đất khuôn viên nhà chung cư, theo qui định của Bộ Luật dân sự năm 2005 & Luật đất đai năm 2003 là tài sản của dân cư dự án, được luật pháp bảo hộ.
 
“Nhưng chính quyền lại ra quyết định thu hồi đất của dân cư giao cho doanh nghiệp đầu tư, biến tài sản của dân cư thành tài sản của doanh nghiệp là không đúng.” - KTS Trần Công Thanh nói.
 
Với những lập luận này, KTS Trần Công Thanh cho rằng, cần đặt kế hoạch sửa đổi cơ chế cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ ở Hà Nội theo cơ chế thị trường. Theo đó, cần xác định rõ các đối tác trong dự án kinh doanh, trong đó dân cư dự án góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, còn doanh nghiệp góp vốn bằng nguồn kinh phí xây dựng công trình; Nhà nước góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất trên phần đất mới được cấp bổ sung vào dự án & chi phí đầu tư xây dựng hệ thống công trình cơ sở hạ tầng trong khu ở đã phân chia về dự án.
 
Như vậy, doanh nghiệp tham gia dự án được làm đại diện chung cho các chủ đầu tư dự án kinh doanh, còn quyền thụ hưởng lợi nhuận của các chủ đầu tư dự án ăn chia theo tỷ lệ góp vốn kinh doanh hoặc theo thỏa thuận riêng trong nội bộ các chủ đầu tư.
 
Cũng theo KTS Trần Công Thanh, doanh nghiệp góp vốn đầu tư xây dựng công trình dự án sẽ kết thúc vai trò chủ thể trong dự án khi dự án đã hoàn thành.
 
“Quyền lợi của doanh nghiệp đã được ăn chia theo lợi nhuận kinh doanh. Doanh nghiệp muốn tiếp tục sử dụng một phần công trình dự án (như tầng hầm, khuôn viên đất, diện tích nhà tầng một v.v…) để kinh doanh riêng, thì phải bỏ tiền mua lại hoặc thuê lại phần công trình đó, theo giá kinh doanh của dự án & số tiền đó được giao cho Ban quản trị nhà chung cư bảo quản, gửi vào ngân hàng làm nguồn kinh phí bảo dưởng nhà chung cư lâu dài.” - KTS Trần Công Thanh nói.
 
Vị KTS lão thành này cũng đề nghị, cần cho tiến hành rà soát lại các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ đã giao cho các chủ đầu tư thực hiện nhưng vẫn chưa triển khai thực hiện; dự án đã triển khai thực hiện nhưng đã cạn kiệt vốn hoặc đã bán lại dự án cho chủ đầu tư khác nhưng chủ đầu tư vẫn chưa tiếp tục đầu tư thực hiện v.v…
 
“Những dự án này cần được nghiêm túc xem xét xử lý thấu đáo theo hướng cho tiếp tục thúc đẩy thực hiện dự án hoặc tiến hành thu hồi dự án giao lại cho chủ đầu tư mới có năng lực hơn” - KTS Trần Công Thanh nhấn mạnh.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc