Nhà công vụ: Vẫn giữ như luật hiện hành?

18:08, 12/08/2014
|

(/VnMedia) - Mặc dù còn rất nhiều ý kiến khác nhau về quy định nhà công vụ, trong đó băn khoăn về tính công khai, minh bạch, nhưng Ủy ban Pháp luật cho rằng vẫn nên quy định như luật hiện hành, chỉ có điều sẽ bổ sung chặt chẽ về đối tượng, việc quản lý...

Còn quá nhiều ý kiến khác nhau

Thời gian qua, những quy định về nhà công vụ trong luật hiện hành được nhiều đại biểu Quốc hội cho là chưa chặt chẽ và chưa thực sự công khai, minh bạch, dễ bị biến tướng.

Thảo luận về vấn đề này tại hội trường cũng như tại tổ, rất nhiều đại biểu cho rằng cần quy định chặt chẽ, rõ ràng hơn về đối tượng bởi khái niệm nhà công vụ, quy định như hiện nay không khả thi. Qua các phiên thảo luận, có nhiều đại biểu đề nghị bỏ quy định về nhà ở công vụ và việc giải quyết nhà ở cho cán bộ luân chuyển sẽ tính toán chuyển vào lương, chuyển thành trợ cấp bằng tiền cho đối tượng được hưởng nhà công vụ, đồng thời quy định không nên giao nhà cả đời.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng cần hạn chế đối tượng sử dụng nhà công vụ, đề nghị chỉ nên áp dụng chế độ nhà ở công vụ cho các đối tượng là người có chức vụ như cán bộ cấp cao cần bảo vệ an ninh, còn các đối tượng khác thì có chính sách hỗ trợ để  thuê nhà ở,  không nên quy định cho tất cả các đối tượng vì vừa dàn trải, lãng phí.

Ngược lại, một số đại biểu cho rằng, nhà công vụ thực sự chỉ cần thiết ở vùng sâu, vùng xa; cần chú ý, quan tâm đến chế độ nhà ở công vụ đối với giáo viên, bác sĩ, hải quan, kĩ sư, trí thức trẻ... ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới để họ yên tâm công tác. Đặc biệt, có ý kiến đề nghị, đối với cán bộ ở các thành phố lớn nghiên cứu giải quyết chế độ nhà ở công vụ vào lương để họ thuê nhà ở.

Có đại biểu đề nghị bổ sung quy định tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức, các nhà khoa học, các nhân sĩ trí thức, văn nghệ sĩ làm việc ở các cơ quan trung ương, địa phương tuy không được điều động luân chuyển nhưng thực sự gặp khó khăn về nhà ở thì cũng được thuê nhà ở công vụ.

Ngoài ra, cũng có đại biểu đề nghị nhà công vụ chỉ cho thuê, thời hạn thuê 1 năm trên cơ sở hợp đồng, ghi rõ hết thời hạn thì phải trả lại nhà công vụ. Có đại biểu đề nghị quy định rõ sử dụng nhà công vụ phải trả tiền, chỉ có một số ít trường hợp đặc biệt, sỹ quan quân đội thì được ưu đãi.

Một số đại biểu thì cho rằng, chính sách nhà ở công vụ đã rõ, chỉ có vấn đề là việc thực hiện chưa chặt chẽ và không nghiêm túc. Vì vậy, cần quản lý chặt chẽ nhà ở công vụ, quy định cụ thể về đối tượng, tiêu chí được thuê nhà ở công vụ tại các tỉnh, thành phố lớn, khu đô thị, cần bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng trong việc thuê nhà ở công vụ. Có đại biểu đề nghị quy định rõ loại nhà gì và để tránh tình trạng người thì 3 - 4 nhà ở trong khi đó nhiều cán bộ lại không có nhà ở, sinh ra xin cho, gây tiêu cực và tham nhũng.

Đặc biệt, có ý kiến đề nghị nên có công ty cho thuê nhà công vụ, nhà nước trợ giúp một phần, hết hợp đồng phải giao lại nhà.

Ảnh minh họa

Quy định hiện hành về nhà ở công vụ được cho là dễ bị biến tướng



Vẫn đề nghị giữ như luật hiện hành

Tuy nhiên, sau khi lắng nghe các ý kiến, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, thời gian vừa qua để thực hiện chính sách điều động, luân chuyển cán bộ của Đảng và Nhà nước rất nhiều cán bộ đã được điều động, luân chuyển từ trung ương về địa phương hoặc từ địa phương lên trung ương, từ địa phương này đến địa phương khác công tác, trong đó không chỉ có các đối tượng là cán bộ cấp cao cần bảo vệ an ninh.

“Nếu quy định chỉ bố trí nhà ở công vụ cho cán bộ cấp cao có yêu cầu bảo vệ an ninh hoặc chỉ bố trí cho các cán bộ tại khu vực vùng sâu, vùng xa mà không bố trí nhà ở công vụ cho các cán bộ tại các thành phố lớn thì việc thực hiện chính sách điều động, luân chuyển cán bộ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trên thực tế.“ - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý giải thích.

Ủy ban Pháp luật cũng nhận định, việc quy định tạo lập quỹ nhà ở công vụ để cho các đối tượng được điều động, luân chuyển công tác, các đối tượng là giáo viên, bác sỹ... làm việc tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thuê là hết sức cần thiết, nhằm tạo điều kiện cho những người này yên tâm công tác, đây cũng là một trong những chính sách cán bộ của Đảng và Nhà nước đang được triển khai trên thực tế theo quy định của Luật Nhà ở hiện hành.
 
Mặt khác, Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng, trong điều kiện hiện nay chưa thể áp dụng chế độ nhà công vụ cho tất cả đối tượng cán bộ, công chức đang thực hiện công vụ, đồng thời việc đưa tiền thuê nhà ở công vụ vào tiền lương là phá vỡ mặt bằng chung về chế độ tiền lương và khó khả thi. 
 
"Do đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp tục thực hiện chính sách về nhà ở công vụ như Luật nhà ở hiện hành và được bổ sung chặt chẽ về đối tượng, việc quản lý, sử dụng nhà công vụ trong dự thảo Luật." - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc