Ý kiến Đại biểu Quốc hội đề nghị: Cộng đồng được quyền giám sát đầu tư công

15:34, 11/04/2014
|

(VnMedia)  - Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần quy định rõ hơn nội dung công khai, minh bạch trong đầu tư công, đồng thời quy định giám sát của cộng đồng đối với hoạt động đầu tư công…
 
Sáng nay (11/4), các đại biểu Quốc hội chuyên trách đã có phiên thảo luận về Luật Đầu tư công. Dự án Luật được kỳ vọng khi thông qua sẽ phát huy hiệu quả, tránh việc đầu tư dàn trải, thất thoát, lãng phí trong đầu tư công. Phó Chủ nhiệm UBKT Nguyễn Đức Kiên đã báo cáo, giải thích về những vấn đề còn có ý kiến khác.về dự án Luật đầu tư công,

Ảnh minh họa

Đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về Luật Đầu tư công - ảnh: VOV


Không phân biệt mục tiêu lợi nhuận hay không lợi nhuận

Quá trình lấy ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội cho thấy, một số ý kiến đề nghị xem xét khái niệm đầu tư công là đầu tư của nhà nước không nhằm mục tiêu lợi nhuận, trong khi đó, ý kiến khác đề nghị sửa “đầu tư công là hoạt động sử dụng vốn của nhà nước”.
 
Về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế phân tích, theo quy định tại Điều 1 của dự thảo Luật, tất cả các chương trình, dự án đầu tư công, không phân biệt vì mục tiêu lợi nhuận hay không nhằm mục tiêu lợi nhuận có hoạt động đầu tư công đều chịu sự điều chỉnh của Luật này. Quy định như vậy nhằm quản lý nguồn vốn đầu tư công một cách thống nhất.
 
Ngoài ra, khái niệm “vốn nhà nước” hiện nay được quy định trong một số Luật như Luật đấu thầu, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật đầu tư... và không có sự thống nhất giữa các khái niệm này do phạm vi điều chỉnh của các Luật là khác nhau .
 
“Để tránh sự chồng chéo giữa các Luật, Ủy ban Kinh tế xin đề nghị cho giữ như quy định của dự thảo Luật, theo đó “ Đầu tư công là hoạt động đầu tư của nhà nước vào các chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đầu tư vào các chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”. – Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Nguyễn Đức Kiên giải thích.
 
Công khai, minh bạch trong đầu tư công

Theo Ủy ban Kinh tế, nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội đề nghị cần quy định rõ hơn nội dung công khai, minh bạch trong đầu tư công, đồng thời quy định giám sát của cộng đồng đối với hoạt động đầu tư công ở phạm vi, mức độ phù hợp.
 
“Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu, Ủy ban Kinh tế đã nghiêm túc xem xét, cân nhắc và thể hiện trong dự thảo Luật quy định về các nội dung này tại các Điều 12, 14, 48, 81, 82, 93.” – Phó Chủ nhiệm UBKT cho biết.
 
Theo đó, Điều 14 quy định nội dung công khai, minh bạch trong đầu tư công bao gồm: Chính sách, pháp luật và việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; Nguyên tắc, tiêu chí, căn cứ xác định, lựa chọn danh mục dự án đầu tư công; tác động của dự án tới địa bàn đầu tư; Nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công cho các dự án theo từng nguồn vốn; Kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm theo từng nguồn vốn; Tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công; Tình hình huy động các nguồn lực và nguồn vốn khác tham gia thực hiện các dự án đầu tư công;
 
Các nội dung cần công khai, minh bạch cũng bao gồm cả phần quy hoạch, kế hoạch, các chương trình đầu tư trên địa bàn, bao gồm: vốn bố trí cho từng chương trình theo từng năm, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn chương trình; Danh mục dự án đầu tư công được quyết định chủ trương đầu tư và được quyết định đầu tư trên địa bàn, bao gồm: quy mô, tổng mức đầu tư, thời gian, địa điểm; Danh mục dự án đầu tư công được bố trí kế hoạch đầu tư trung hạn, hằng năm theo từng nguồn vốn; Mức vốn đầu tư công bố trí cho từng dự án; Tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án theo từng nguồn vốn và kết quả nghiệm thu, chất lượng dự án đầu tư công.
 
Dự thảo Luật cũng quy định, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện việc công khai các nội dung đầu tư công theo quy định của pháp luật...
 
Để đảm bảo tính công khai, minh bạch của Đầu tư công, trình tự, thủ tục, quy trình giám sát đầu tư của cộng đồng được quy định tại Điều 81 là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội hằng năm lập kế hoạch giám sát cộng đồng chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn. Chủ các chương trình, dự án và Ban Quản lý chương trình, dự án có trách nhiệm cung cấp cho Tổ giám sát đầy đủ, trung thực, kịp thời các tài liệu liên quan đến việc triển khai thực hiện chương trình, dự án và chịu trách nhiệm tiếp thu các ý kiến giám sát cộng đồng và tăng cường các biện pháp thực hiện dự án.
 
Còn tại Điều 82 quy định Chủ chương trình và chủ đầu tư chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện theo dõi, kiểm tra và đánh giá ban đầu, giữa kỳ và kết thúc chương trình, dự án đầu tư. Cơ quan chủ quản, người quyết định đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư tổ chức thực hiện theo dõi, kiểm tra và đánh giá tác động, đánh giá đột xuất chương trình, dự án đầu tư công được giao quản lý.
 
Các cơ quan tổ chức thực hiện đánh giá có thể tự thực hiện hoặc thuê chuyên gia, tổ chức tư vấn có đủ điều kiện năng lực để đánh giá.
 
Theo Dự thảo Luật, Chính phủ quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện về theo dõi, kiểm tra, đánh giá kế hoạch, chương trình, dự án và giám sát cộng đồng. Theo đó, tổ chức lấy ý kiến cộng đồng về chủ trương đầu tư các chương trình, dự án đầu tư công trên địa bàn theo quy định tại điểm a, d khoản 3, Điều 80 Luật này, đồng thời tổ chức giám sát cộng đồng các chương trình, dự án đầu tư công.

Thảo luận tại hội trường sáng nay (11/4), một số đại biểu đề nghị phải quy định chặt chẽ, cụ thể hơn về trách nhiệm khi để xảy ra sai sót, lãng phí trong quyết định đầu tư công, ngay cả các dự án do Quốc hội quyết.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, cần phải phân biệt rõ giữa quyết định dự án đầu tư và chủ trương đầu tư. Phải làm rõ, loại công trình nào quyết định chủ trương đầu tư, rồi mới quyết định dự án đầu tư.

Theo Chủ tịch Quốc hội, quyết định chủ trương đầu tư là cơ quan dân cử, quyết định dự án đầu tư là thủ trưởng các cơ quan quản lý tuỳ theo mức độ của dự án. Không phải tất cả các dự án đều đưa ra HĐND và Quốc hội mà chỉ có dự án quan trọng, phạm vi ảnh hưởng rộng, tác động tới nên kinh tế quốc dân… mới đưa ra Quốc hội xem xét cho làm hay không. Hơn nữa, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, tiêu chí đưa ra Quốc hội, HĐND cấp tỉnh phải rõ để quyết định chủ trương đầu tư. Quốc hội không quyết một dự án cụ thể mà đây là việc của Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh.


Ngọc Quỳnh

Ý kiến bạn đọc