Điều không bình thường trên đường phố Hà Nội

06:04, 11/04/2014
|

(VnMedia) - Giao thông không chỉ dành cho người lớn. Giao thông phải là của cả trẻ nhỏ. Vậy tại sao trên đường phố Hà Nội không có trẻ em đi bộ? Đó là điều không bình thường – bà Debra Efroymson, Giám đốc Văn phòng, HealthBridge tại Việt Nam nói.
 

Là người đã đến và ở Việt Nam khá nhiều năm, qua quan sát, bà Debra cảm nhận được sự thiệt thòi của trẻ em Hà Nội khi có rất ít chỗ chơi trong thành phố. Đặc biệt, bà hầu như không thấy có trẻ em tự đi bộ trên đường phố. “Đó là một điều không bình thường. Giao thông không chỉ dành cho người lớn mà trẻ em cũng phải có phần trong đó. Tại sao trẻ em chỉ có thể ngồi sau xe máy của bố mẹ? Nếu hỏi một đứa trẻ rằng trên đường đi học chúng thấy gì, chắc chắn chúng sẽ trả lời là chỉ thấy… lưng của người lớn” – bà Debra nhận xét trong cuộc tọa đàm có tên: Cộng đồng chung tay xây dựng đường đến trường an toàn, thân thiện với trẻ em”, mới được tổ chức tại phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội.


Theo quan sát của bà Debra, các bậc phụ huynh luôn cố gắng tìm cách đưa và đón trẻ một cách nhanh nhất, “nhưng các bạn sẽ nhận ra rằng, có những thứ còn quan trọng hơn tốc độ và sự tiếp cận” – bà Debra nói.


Ảnh minh họa

Những đứa trẻ chỉ nhìn thấy lưng của người lớn trên đường đến trường

 

“Trẻ đi bộ có rất nhiều cái lợi. Trước hết là lợi ích về sức khỏe. Ngoài ra, tôi nhận thấy các bà mẹ Việt Nam đều muốn con mình học lên cao. Vậy thì khi trẻ được hoạt động, chúng sẽ có sự tập trung cao trong học tập và dễ đạt kết quả hơn là cứ ngồi một chỗ để cố nhồi nhét kiến thức” - bà Debra nói, nhấn mạnh thêm rằng, việc đi bộ khiến cho trẻ cảm nhận được về nơi chốn và đây là điều rất quan trọng. “Một đứa trẻ nên biết xung quanh khu vực chúng ở có những gì. Ngoài ra, chúng cũng học được cách giao tiếp, ứng xử...” - bà Debra nói. Ngoài ra, bà cũng cho rằng, trẻ đi bộ đến trường giúp tiết kiệm thời gian đưa đón của phụ huynh (chủ yếu là các bà mẹ đã quá mệt mỏi với rất nhiều công việc).


Ảnh minh họa

Bà Debra Efroymson, Giám đốc Văn phòng, HealthBridge tại Việt Nam 

 

Bà Debra cũng nói rằng, việc được đi bộ trên đường phố “một cách bình thường” chứ không phải với cảm giác đầy lo sợ là quyền của trẻ em, quyền của con người. “Đừng nghĩ rằng việc trẻ em thành phố phải chịu thiệt thòi là điều đương nhiên. Trẻ em là một phần thiết yếu của Thành phố, các em phải được ưu tiên và sự ưu tiên này phải được thể hiện bằng việc làm chứ không chỉ là lời nói.” – bà Debra nhấn mạnh.

 

Đồng cảm với bà Debra, ông Nguyễn Hào Quang, Bí thư Đảng ủy phường Hạ Đình cũng cho rằng, trẻ em ngày nay quá thiệt thòi. “Hồi còn đi học, chúng tôi có rất nhiều niềm vui trên đường đến trường và nó sẽ mãi là kỷ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ. Cũng vì thế, những bài văn của thế hệ chúng tôi cũng đầy ắp cảm xúc, từ những giọt sương đọng trên lá hay cánh đồng vàng trĩu hạt. Còn bây giờ, đúng là các cháu chỉ nhìn thấy lưng của bố mẹ trên đường đi thôi.” – ông Quang chia sẻ.

 

Vì sao trẻ không đi bộ đến trường?

 

Cũng như bà Debra và ông Nguyễn Hào Quang, hầu hết những người tham dự buổi tọa đều đồng ý rằng, việc đi bộ đi học đối với trẻ là điều cần thiết và bổ ích. Tuy nhiên, mọi sự phân tích cũng tập trung vào sự lo lắng cho độ an toàn của trẻ.

“Đi bộ rất có ích cho sức khỏe và sự phát triển các kỹ năng sống, trong đó có cả những kỹ năng trong học tập như làm văn miêu tả… Tuy nhiên, có rất nhiều vấn đề khiến gia đình các em không yên tâm để con em mình đi bộ đến trường, từ giao thông nguy hiểm do đường quá nhiều ô tô, xe máy cho đến những quán game, sự gặp gỡ với người lạ…” – cô giáo Võ Thị Hòa, Hiệu phó trường tiểu học Hạ Đình băn khoăn.


Ảnh minh họa

Các bậc phụ huynh không yên tâm khi để con đi bộ đến trường bởi đường chưa thực sự an toàn, thân thiện


Một điều cũng rất đáng lưu ý, người lớn biết rất rõ những lợi ích của việc đi bộ đến trường thì trẻ em lại cho rằng, đi bộ đến trường không có nhiều thú vị. Theo một khảo sát do KST Lương Thu Thảo – Giảng viên trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và các cô giáo trường tiểu học Hạ Đình thực hiện thì có tới 80% các em học sinh trả lời rằng, đi một mình hoặc có người khác dắt đi sẽ không có gì thú vị trên đường đến trường. Đồng thời, có tới 90% câu trả lời cho rằng việc đi bộ đến trường gặp trở ngại công trường xây dựng, đường có rác thải và cảnh quan 2 bên đường xấu… Khảo sát cũng cho biết, có tới 90% gia đình và các em học sinh mong muốn có đường đi bộ an toàn đến trường.


Ảnh minh họa

KST Lương Thu Thảo – Giảng viên trường Đại học Kiến trúc Hà Nội trình bày tại tọa đàm


Mong muốn và hành động

Để có một con đường đi bộ đến trường an toàn, thân thiện đối với trẻ em ở Hà Nội là điều không dễ, nhưng không phải là không thể làm được. “Việc đi bộ đến trường của trẻ ngày càng trở nên khó khăn không chỉ với Việt Nam mà còn ở nhiều nước khác, kể cả những nước tiên tiến. Tuy nhiên, nhiều đất nước còn khó khăn hơn cả Việt Nam cũng đã làm được những con đường như vậy nhờ vào cộng đồng.” – bà Debra cho biết.

Ảnh minh họa

Để trẻ có thể đi bộ đến trường an toàn, rất cần có sự quan tâm, góp sức của cộng đồng


Từ kinh nghiệm của nhiều nước, bà Debra chỉ ra rằng, người dân có thể tham gia lập bản đồ những tuyến đường tốt, đồng thời tìm giải pháp cho những đoạn nguy hiểm như: Kẻ vạch đi bộ, có người bảo vệ, đặt biển giảm tốc độ xe… Ngoài ra, có thể lôi kéo thêm nhiều người tham gia bằng cách quảng cáo truyền miệng, dùng các biển hiệu, Facebook… hay mang biển, tổ chức các hoạt động vui vẻ để thu hút sự quan tâm đến việc đi bộ của trẻ…

“Nếu chúng ta tin rằng trẻ em quan trọng, chúng ta cần hành động dựa trên niềm tin đó.Chúng ta có thể tạo ra những cơ hội tốt hơn cho trẻ em thành phố. Khi trẻ em đi trước… tất cả chúng ta có thể đi theo” – bà Debra kết luận.

Vậy, Hà Nội có thể có những con đường đến trường an toàn, thân thiện với trẻ không? Chúng ta sẽ phải làm gì để những con đường đó không chỉ là mong ước của các bậc cha mẹ? phải làm gì để trẻ em thực sự là một phần thiết yếu của Thành phố và việc đi bộ trên đường của trẻ - điều không bình thường hôm nay - sẽ trở thành điều bình thường trong ngày mai giữa lòng Thành phố?

Bài 2: Đường đến trường an toàn: không chỉ là mong muốn


Tuệ Khanh - (Bài, ảnh)

Ý kiến bạn đọc