Giao lưu trực tuyến Bộ Tài nguyên: Đất đai chưa thôi nóng

13:28, 15/04/2014
|

(VnMedia) - Sáng nay (15/4), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với nhân dân và doanh nghiệp về các vấn đề mà Bộ quản lý. Thống kê ban đầu cho thấy,vấn đề đất đai vẫn chiếm đến 85% câu hỏi.
 
Cụ thể, ông Tăng Thế Cường - Chánh Văn phòng Bộ TN&MT cho biết, tính đến 9h sáng ngày 15/4, đã có hơn 700 câu hỏi gửi về buổi giao lưu trực tuyến, trong đó khoảng 250 câu liên quan đến thẩm quyền trả lời của Bộ, số còn lại gửi đến các sở. Trong đố đó, có 85% số câu hỏi đề cập đến vấn đề đất đai.
 
Phát biểu tại buổi giao trực tuyến lần thứ 14 của bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đề nghị các lãnh đạo Bộ phụ trách các lĩnh vực, các đơn vị tham gia giải đáp thắc mắc của nhân dân và doanh nghiệp nghiêm túc tiếp thu những ý kiến đóng góp của nhân dân và doanh nghiệp, từ đó tiếp tục cải tiến, hoàn thiện công tác quản lý nhà nước theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và doanh nghiệp.
 
Bộ trưởng cũng cho biết, các câu hỏi nêu đúng, trúng các vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm gửi về Bộ sẽ góp phần vào việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường.

Ảnh minh họa

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang phát biểu tại buổi giao lưu trực tuyến.


Nhiều vụ việc được người dân cung cấp

Theo quan sát của phóng viên, trong số hơn 700 câu hỏi gửi về Bộ Tài nguyên và các Sở, đa phần là các câu hỏi người dân về các trường hợp cụ thể liên quan đến nhà, đất như việc cấp giấy chứng nhận đối với đất khai hoang không có tranh chấp; việc mua bán đất lúa; sang tặng nhà cửa; những vụ tranh chấp đất đai và các thắc mắc về chính sách pháp luật.
 
Đặc biệt, trong các câu hỏi, người dân cũng đã thông tin đến các cơ quan chức năng của Bộ, Sở về những vấn đề cụ thể đang diễn ra ở địa phương.
 
Ông Nguyễn Văn Hoàn (56 tuổi), ở phường Cam Gía TP-Thái Nguyên cho biết, bản thân ông là một bộ đội xuất ngũ, hiện đã nghỉ hưu theo chế độ. Trong quá trình sinh hoạt tại địa phương nơi mình sinh sống, ông nhận thấy việc mua bán đất đai của các cá nhân hộ gia đình diễn ra nhiều, do đó việc sang tên khi mua bán đất đai vơi nhau diễn ra thường xuyên. Tuy nhiên, theo ông Hoàn, muốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi mua bán thường phải qua cò đất, hoặc quen biết mới lấy được nhanh. Nếu không, đợi được lấy giấy chứng nhận QSĐ sẽ rất lâu, thậm chí là 2-4 tháng.
         
Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của ông, Sở TNMT Thái Nguyên cho biết, theo kết quả cấp giấy chứng nhận của thành phố Thái Nguyên năm 2013, thủ tục cấp giấy chứng nhận trên địa bàn bàn thành phố Thái Nguyên đã thực hiện đúng thời gian quy định đạt 99,98%, số lượng hồ sơ thực hiện quá thời gian quy định là 0,02 % ( nguyên nhân do thành phần hồ sơ chưa đầy đủ hoặc nguồn gốc đất phải xác minh).
 
Hay như bà Trần Huỳnh Đông (40 tuổi) ở xã Hóa An, Biên Hòa cho biết, ở khu vực xã Hóa An, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai có rất nhiều đá đã khai thác còn chất đống thành núi, hàng ngày, xe tải vẫn chở đá gây ô nhiễm môi trường. “Cho tôi hỏi ở khu vực này còn được khai thác đá hay không và đến bao giờ thì kết thúc?”- bà Đông đặt câu hỏi.
 
Về vấn đề này, Sở TNMT Đồng Nai cho biết, trên địa bàn xã Hoá An, thành phố Biên Hòa trước đây có 4 mỏ đá hoạt động khai thác, đến 31/12/2010 các mỏ này đã kết thúc hoạt động khai thác đá xây dựng và đã tháo dỡ máy móc thiết bị di dời ra khỏi khu vực. Hiện nay, chỉ còn mỏ đá Hoá An của Công ty Cp Hóa An là còn khoảng 200.000m3 đá mi (đây là tài sản của Công ty và Công ty được phép bán sản phẩm hiện đang tồn kho, dự kiến sẽ tiêu thụ hết trong năm 2014), còn 3 mỏ còn lại không còn đá tồn tại mỏ.
 
Sở TNMT Đồng Nai cũng cho biết, theo quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản của tỉnh thì khu vực xã Hoá An không được tiếp tục bố trí quy hoạch khai thác đá xây dựng, nên khu vực này không còn được phép tiếp tục khai thác đá xây dựng.
 
Trong khi đó, anh Nguyễn văn Bằng, (37 tuổi) ở Đồng Nai cho biết, tại khu phố 3, phường Trảng Dài, Biên Hòa, Đồng Nai, người dân đang phải sống trong sự hôi thối của bãi rác mang tên Trảng Dài cũng đã nhiều chục năm nay, theo hứa hẹn của chính quyền địa phương thì trong khoảng năm 2014 - 2015 sẽ di dời bãi rác này, chính thức thì khi nào di dời, hay cứ gia hạn hết lần này đến lần khác?
 
Trả lời câu hỏi này, Chi cục BVMT Đồng Nai cho biết, theo Quyết định số 891/QĐ-UBND ngày 28/3/2012 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc phê duyệt danh sách di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị trên địa bàn tỉnh (đợt 1) thì Bãi chôn lấp rác sinh hoạt và công nghiệp không nguy hại, hợp vệ sinh tại phường Trảng Dài, thuộc Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ môi trường Đô thị Đồng Nai (URENCO) sẽ ngưng tiếp nhận chất thải của trước ngày 31/12/2014.
 
Để chuẩn bị cho việc ngưng tiếp nhận này, UBND tỉnh đã giới thiệu cho Công ty URENCO địa điểm mới tại xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu để thực hiện dự án bãi chôn lấp chất thải nhằm thay thế cho Bãi rác Trảng Dài. Hiện nay, Công ty URENCO đã hoàn thành thủ tục về đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng và đang lập thủ tục đánh giá tác động môi trường, thủ tục xin cấp phép đầu tư. Sau khi Bãi rác Vĩnh Tân hoàn thành sẽ tiếp nhận rác thải của Thành phố Biên Hòa, đồng thời Bãi rác Trảng Dài sẽ ngưng tiếp nhận rác (theo kế hoạch của dự án thì Bãi rác Vĩnh Tân sẽ bắt đầu tiếp nhận rác thải của thành phố Biên Hòa từ đầu năm 2015).

Lo lắng vấn đề môi trường

Ngoài đất đai thì môi trường là một trong những vấn đề được người dân đặc biệt quan tâm. Bà Nguyễn Thanh Hải (45 tuổi – Đồng Nai) lo lắng hỏi: "Vừa qua, tôi có nghe thông tin trong sân bay Biên Hòa chuẩn bị đào ao để lấy nước nuôi cá mà đây là khu vực bị nhiễm chất độc da cam. Cho tôi hỏi việc đào ao có được phép hay không và lấy nước để làm gì, ở khu vực phường Trảng Dài có bị nhiễm chất độc da cam hay không?

Với câu hỏi này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, theo một số kết quả nghiên cứu mới đây nhất do Văn phòng Ban Chỉ đạo 33 phối hợp với Bộ Quốc phòng thực hiện với sự tài trợ của Dự án Dioxin (GEF/UNDP tài trợ) có 16 hồ trên 28 hồ trong sân bay Biên Hòa xác định có ô nhiễm dioxin. Về nguyên tắc, hiện nay, mọi hoạt động nuôi trồng thủy hải sản trong sân bay hoàn toàn bị nghiêm cấm và cơ quan chức năng đã có khuyến cáo với người dân về việc này.

"Mặc dù không rõ bạn muốn hỏi cụ thể về hồ, ao nào trong sân bay và lấy nước ở đâu, tuy nhiên hiện tại đúng là có việc đào ao và lấy nước sử dụng vào mục đích của sân bay và được phép của đơn vị quản lý sân bay. Hồ đang được đào để lấy nước được gọi là Hồ Đá nằm ở phía Bắc sân bay và theo kết quả nghiên cứu mới nhất cho biết thì hồ đó không bị ô nhiễm dioxin (hồ đá nhỏ thuộc địa phận sân bay)." Bộ Tài nguyên Môi trường trả lời và khẳng định, khu vực phường Trảng Dài không bị ô nhiễm dioxin.

Những vấn đề thiết thực như dự báo bão cũng được người dân quan tâm đặt câu hỏi. Anh Trần Văn  Hoàng (25 tuổi – Nghệ An) hỏi: "Vấn đề Dự báo bão làm sao để người dân có được thông tin tương đối chính xác, phòng tránh nhưng vẫn đảm bảo hoạt động lao động, sản xuất, tránh tình trạng lúc nào cũng nhận được kiểu thông tin "đây là cơn bão nguy hiểm, có diễn biến phức tạp, tâm bão có thể đổ bộ từ Quảng Nam đến Móng Cái - Quảng Ninh...".

Theo giải thích của đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, bão là một thiên tai gây thiệt hại lớn về người, tài sản và đôi khi làm gián đoạn phát triển KT-XH ở một vùng rộng lớn khi tác động đến. Quy mô ảnh hưởng của bão thường từ 300-500km (tương đương với đoạn bờ biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi).

Hiện nay, dự báo bão được thực hiện bằng các phương pháp khác nhau và sai số trong dự báo quỹ đạo bão của các mô hình hiện đại nhất trên thế giới cũng vào khoảng từ 100-170km đối với dự báo trước 24h (tùy vào độ phức tạp của từng cơn bão) và cao hơn khi kéo dài hạn dự báo (có thể đến 350-450km đối với dự báo trước 3 ngày).

Chính vì vậy, dự báo được vị trí đổ bộ của bão vào đất liền luôn là thách thức của các Trung tâm dự báo ở Việt Nam và trên thế giới, đặc biệt là đối với các dự báo trước 3 ngày. Đối với hạn dự báo từ 1 đến 3 ngày chỉ có thể cảnh báo khu vực bão có khả năng ảnh hưởng. Đối với những cơn bão nhỏ, đường đi thẳng, có thể cảnh báo khu vực ảnh hưởng từ 5 đến 7 tỉnh trước 3 ngày và trước 1 ngày cho khoảng 3 tỉnh ven biển. Đối với các cơn bão lớn, đường đi phức tạp và có hướng di chuyển dọc bờ biển Việt Nam thì khu vực cảnh báo cần mở rộng hơn phục vụ công tác phòng, tránh.

Cùng với phát triển nhanh chóng của các phương tiện thám sát hiện đại như vệ tinh độ phân giải siêu cao, ra đa thời tiết, máy bay thám sát bão và các mô hình tính toán chạy trên các siêu máy tính, dự báo quỹ đạo bão trên thế giới ngày càng có độ chính xác cao hơn và Việt Nam cũng dần thu hẹp được khu vực dự báo bão ảnh hưởng trực tiếp trong các bản tin cảnh báo.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc