Cối xay lúa trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

14:08, 04/04/2014
|

Để bảo đảm lương thực phục vụ chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngoài việc huy động, vận chuyển lương thực từ hậu phương lên mặt trận, Bộ chỉ huy Mặt trận Điện Biên Phủ đã có nhiều giải pháp nhằm khai thác hiệu quả nguồn lương thực tại chỗ.

Thập niên 1950, đồng bào miền núi vùng Tây Bắc vẫn giữ thói quen “ăn bữa nào giã gạo bữa đó”. Vì vậy, người dân nơi đây chỉ biết dùng cối giã gạo bằng sức nước hoặc dùng chày tay. Do đó, dù trữ lượng lúa trong dân có nhiều, nhưng hiệu quả xay xát, chế biến thành gạo ăn lại rất chậm. Trước thực tế đó, Bộ chỉ huy mặt trận yêu cầu các đơn vị rà soát, tìm cán bộ, chiến sĩ, những người biết đóng cối xay lúa hiệu suất cao (giống như cối xay lúa của đồng bào dưới xuôi) để giải quyết nhanh mấy chục tấn thóc phục vụ bộ đội.

Thực hiện chủ trương của Bộ chỉ huy mặt trận, các đơn vị lựa chọn cán bộ, chiến sĩ và huy động hàng trăm thợ đóng cối xay từ Thái Bình, Nam Định lên Điện Biên, tổ chức thành nhiều tổ đóng cối xay lúa. Nguyên vật liệu đóng cối xay được các tổ khai thác tại chỗ. Những chiếc cối xay được làm bằng tre và đất. Nhiều tổ đã đóng được cối xay cỡ lớn và có "công suất" cao. Sau khi làm thí điểm, đánh giá chất lượng, kỹ thuật đóng cối xay cỡ lớn được Bộ chỉ huy mặt trận phổ biến rộng rãi đến các đơn vị. Do vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, hàng trăm chiếc cối xay lúa được cung cấp cho các kho, công trường.



Cối xay lúa trong Chiến dịch Điện Biên Phủ được trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ.

Quá trình làm cối và thực hành xay lúa, nhiều câu hò được cán bộ, chiến sĩ, dân công sáng tác nhằm khích lệ tinh thần lao động, chiến đấu và phục vụ chiến đấu: “Nhanh tay lên chị em ơi/ Thêm một cân gạo diệt một đời thằng Tây”… Nhờ có cối xay cỡ lớn mà số lượng, chất lượng gạo phục vụ bữa ăn của bộ đội ở mặt trận được nâng lên, góp phần giải quyết kịp thời những khó khăn về lương thực trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Nhiều gia đình đồng bào Thái khi biết tin bộ đội đóng được cối, xay ra nhiều gạo đã tìm đến nhờ cán bộ, chiến sĩ hướng dẫn kỹ thuật. Các tổ còn tranh thủ đóng thêm nhiều cối xay tặng đồng bào và hướng dẫn cách sử dụng. Từ đó, bà con dân bản truyền dạy nhau kỹ thuật đóng cối, xay được nhiều thóc, góp phần cải thiện cuộc sống và phục vụ chiến đấu. Nhờ “đóng góp” của những chiếc cối này, đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc đã cung cấp một lượng lương thực bằng khoảng 27% tổng nhu cầu lương thực toàn chiến dịch.


Theo QĐND

Ý kiến bạn đọc