4 nguyên nhân gây vỡ liên tiếp đường ống nước sông Đà

07:17, 04/04/2014
|

(VnMedia) - Xung quanh việc đường ống dẫn nước sông Đà chạy qua Láng – Hòa Lạc (Hà Nội) liên tục bị vỡ trong thời gian gần đây, trao đổi với VnMedia tối 3/4, PGS Nguyễn Văn Hùng cho rằng, có 4 nguyên nhân có thể gây ra sự cố trên.

5 lần vỡ đường ống nước trên một tuyến đường

Chiều 1/4, đường ống nước sạch Sông Đà về Hà Nội lại bị vỡ khiến cuộc sống của hơn 70.000 hộ dân bị ảnh hưởng. Sự cố xảy ra vào khoảng 16h40 tại km 22+660, huyện Thạch Thất, Hà Nội.

Đường ống D1600 bị vỡ, khiến nước phun xối xả lên mặt đất. Sự cố này đã khiến nhà máy phải tạm dừng cấp nước, hơn 70.000 hộ dân ở các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai…bị ảnh hưởng.

Để khắc phục sự cố, chiều cùng ngày, 2 máy xúc, 4 xe tải, 2 máy ép cừ đã xuống hiện trường khắc phục sự cố. Điều đáng nói là đây là lần thứ 5, đường ống nước sạch Sông Đà gặp sự cố. Trước đó, các năm 2012, 2013 đường ống nước sông Đà đã bị vỡ 4 lần. Mỗi lần đường ống nước bị vỡ đều khiến khoảng 70.000 hộ dân của Hà Nội bị ảnh hưởng.

Đáng chú ý, sau sự cố xảy ra, trong báo cáo gửi Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Ngọc Điệp, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Vinaconex cho biết, nguyên nhân cơ bản dẫn tới vỡ đường ống dẫn nước sạch sông Đà về Hà Nội là do địa chất công trình và giai đoạn thi công. Cụ thể, đường ống nước sạch thi công cùng thời điểm với dự án đường Láng - Hòa Lạc nên có sự đan xen, chồng chéo về mặt bằng, dẫn đến việc xử lý nền đất yếu có thể ảnh hưởng đến tuyến ống.

Theo ông Điệp, đường cao tốc và tuyến ống được thi công vào thời điểm không cách xa nhau, khi độ lún của đường, đặc biệt là của các công trình cầu hầm, đang trong giai đoạn ổn định. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến vỡ đường ống nước trong thời gian qua. Ngoài ra còn có sự tác động của tải trọng đất khi tôn nền và tải trọng động của thiết bị thi công tại những khu đô thị mới.

 Ảnh minh họa

Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, vài năm trở lại đây đường ống dẫn nước sông Đà đoạn chạy qua đường Láng - Hòa Lạc liên tục xảy ra sự cố vỡ đường ống. Ảnh: Giao thông vận tải


Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Sỹ Trung, Kỹ sư trưởng Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc (Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải) cho hay, đại lộ Thăng Long dài 29km, chạy qua nhiều vùng địa chất khác nhau, trong đó có 5,4km nền đất yếu, nằm rải rác tại 29 điểm với độ sâu trung bình từ 5-30m. Vì vậy, khi làm đường phải xử lý nền đất yếu rất tốn kém và mất thời gian, chờ đến khi nền ổn định mới xây dựng công trình.

Ông Trung cho biết, những thông tin về vùng đất yếu đó đã được ông chia sẻ với Vinaconex với cảnh báo: nếu nền đất yếu không được xử lý kỹ thì đường ống có nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào. Tuy nhiên theo ông Trung, những cảnh báo của ông vào thời điểm đó không được Vinaconex tiếp thu.

“Do họ “phớt lờ” những cảnh báo của tôi, không xử lý nền đất yếu nên đến giờ mới dẫn đến hậu quả khó lường đến vậy. Cả 5 lần vỡ đường ống nước sạch tôi đều đến trực tiếp hiện trường thấy rằng tất cả các vị trí đó đều nằm ở nền đất yếu đã được cảnh báo từ trước”, ông Nguyễn Sỹ Trung nói.

4 nguyên nhân gây vỡ ống dẫn nước sông Đà

Tuy nhiên, trao đổi với VnMedia tối 3/4, PGS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, có 4 nguyên nhân có thể xảy ra vỡ đường ống dẫn nước sông Đà trên tuyến Láng – Hòa Lạc trong thời gian qua.

Nguyên nhân thứ nhất, do đường ống đặt dưới nền đất yếu là một khả năng. Do đường ống đặt dưới nền đất yếu cho nên gây nứt gẫy dẫn đến vỡ ống.

Nguyên nhân thứ hai, do các liên kết giữa các mối nối của đường ống dẫn nước không chặt chẽ cũng có khả năng gây nứt gẫy.

Nguyên nhân thứ ba, do bản thân đường ống dẫn nước chịu lực kém và một khả năng khác là do khi đặt đường ống xuống dưới lòng đất, đơn vị thi công đã thiếu cẩn thận, đặt không đồng đồng đều, kê không chắc chắn, chỗ cao chỗ thấp cũng có thể gây nứt vỡ đường ống.

Theo PGS Hùng, với các đường ống dẫn nước, việc kê các đường ống thế nào cũng rất quan trọng bởi nếu làm không tốt cũng sẽ dẫn đến những ảnh hưởng của việc tác động lực dồn nén từ trên xuống, từ dưới lên và ngay cả áp lực nước bên trong ống cũng sẽ dẫn đến việc vỡ đường ống.

Từ các nguyên nhân giả định trên, PGS Nguyễn Văn Hùng cho rằng, để tìm ra việc liên tiếp gây vỡ đường ống trên là do đâu thì phải xem xét kỹ các trường hợp đã bị vỡ trước đây xảy ra ở những đoạn ống nào, ở những vị trí, địa hình nào, từ đó, phân tích để tìm ra nguyên nhân thực sự của các sự cố trên. "Việc cần làm bây giờ là phải khẩn trương tìm ra nguyên nhân gây ra vỡ ống để có biện pháp khắc phục kịp thời, nếu không rất có thể còn những vụ vỡ đường ống khác trong thời gian tới." - PGS Nguyễn Văn Hùng nói.


Xuân Tùng

Ý kiến bạn đọc