Cầu Long Biên sẽ là di tích lịch sử cấp quốc gia

20:22, 23/04/2014
|

(VnMedia) - Hà Nội lần đầu tiên đề nghị Bộ Giao thông Vận tải  nghiên cứu, cho ý kiến về việc xếp hạng cầu Long Biên là di tích lịch sử - nghệ thuật cấp Quốc gia.
 
Liên quan đến cây cầu Long Biên, ngày 22/4, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải.
 
Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc, Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng tại Hà Nội, do Pháp xây dựng (1890-1902), từng là một trong 4 cây cầu dài nhất thế giới và nổi bật nhất Viễn Đông vào thế kỷ 19.
 
Từ khi xây dựng đến nay, cây cầu đã chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử suốt hơn 100 năm qua, chịu sự tàn phá nặng nề của bom đạn qua hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Cầu Long Biên trở thành chứng nhân lịch sử, dấu tích văn hóa lịch sử đặc biệt về sự đấu tranh bất khuất của người dân Thủ đô. Hình ảnh cây cầu vắt qua sông Hồng đã in đậm trong tâm trí người Việt Nam nói chung và biết bao thế hệ người dân Thủ đô nói riêng.
 
“Với những giá trị lịch sử - văn hóa của Cầu Long biên, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội thống nhất với đề xuất của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội về việc xếp hạng Cầu Long Biên và trân trọng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, cho ý kiến về việc xếp hạng Cầu Long Biên là di tích lịch sử nghệ thuật cấp quốc gia” – văn bản do bà Nguyễn Thị Bích Ngọc ký đề nghị.
 
Trao đổi với VnMedia về đề xuất này của UBND thành phố Hà Nội, PGS, TS, KST Trần Trọng Hanh, Ủy viên thường vụ, Phó Chủ tịch Hội đồng kiến trúc, Hội KTS Việt Nam cho rằng, Cầu Long Biên hoàn toàn xứng đáng với đề nghị này và đây là việc mà lẽ ra Hà Nội nên làm từ lâu, bởi nếu vậy thì đã không có chuyện lùm xùm về Cầu Long Biên như thời gian vừa qua.
 
KTS Trần Trọng Hanh cũng nhấn mạnh rằng, Cầu Long Biên vốn đã là di sản trong lòng người dân Hà Nội bởi giá trị về thời gian, giá trị nghệ thuật, giá trị sử dụng (không phải để đi, mà là một tài nguyên) và giá trị về tương lai.
 
Cũng theo KTS Trần Trọng Hanh, khi đã được công nhận là di sản, đặt giá trị di sản lên trên công năng sử dụng thì việc lựa chọn cách ứng xử với cây cầu này sẽ không khó.

Ảnh minh họa

Hoàng hôn trên cây cầu Long Biên - ảnh: Vũ Ngọc


Trước đó, theo đề nghị của UBND thành phố Hà Nội, Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra 3 phương án cải tạo, sửa chữa cầu Long Biên, trong đó một phương án là xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu Long Biên hiện tại và di dời 9 nhịp cầu cũ về phía thượng lưu để bảo tồn; phương án hai là xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại có kết cấu nhịp dàn thép tương tự của cầu Long Biên hiện nay như thiết kế ban đầu năm 1902. Cầu mới được dùng cho cả đường sắt, đường bộ (đường sắt đôi chạy ở giữa, ô tô, xe máy, xe thô sơ đi hai bên cánh gà); phương án 3 là xây dựng cầu mới có một phần vị trí tại tim cầu hiện tại, giữ nguyên các nhịp cầu cũ để bảo tồn.

Trong 3 phương án nói trên, Bộ Giao thông cho rằng, phương án 1 (di dời cầu Long Biên) có ưu điểm vượt trội về kinh tế, kỹ thuật, kiến trúc và bảo tồn cầu Long Biên cũ cũng như về giải phóng mặt bằng.

Ngay sau khi 3 phương án nói trên được đưa ra, hàng loạt ý kiến của các chuyên gia, các kiến trúc sư, các nhà sử học và của cả người dân được đăng tải, trong đó hầu hết đều phản đối. Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng đánh giá cả 3 phương án nói trên đều không đạt yêu cầu, do đã đặt công năng sử dụng (giao thông) lên trên giá trị văn hóa, lịch sử.

Tuy nhiên, các ý kiến cũng cho rằng, Cầu Long Biên cần được cải tạo bởi thời gian đã làm cho cây cầu lịch sử này xuống cấp nghiêm trọng.

Cũng liên quan đến việc cải tạo cây cầu này, Tristan Laurent Morel, nhà quy hoạch người Pháp đồng thời là chuyên gia tư vấn và là đại diện của Viện Quy hoạch và Phát triển đô thị Vùng Ile-de-France (IAU-IdF) tham gia dự án Điều chỉnh quy hoạch Vùng thủ đô Hà Nội đã có bài viết gửi VnMedia với tựa đề "Cầu Long Biên và khu nội đô lịch sử của Hà Nội: Sau một gốc cây là chuyện cả cánh rừng." Theo phân tích của nhà quy hoạch người Pháp này,

"Hiện tại, dường như vấn đề tranh luận chỉ tập trung vào việc xác định vị trí cho cây cầu mới sẽ nằm thật gần hay thật xa cầu Long Biên. Tuy nhiên, câu chuyện không chỉ dừng lại ở đó." - Tristan Laurent Morel viết.

"Cầu Long Biên đã thu hút sự chú ý của dư luận bởi nó mang trong mình giá trị di sản, song dường như những vấn đề liên quan đến cây cầu này còn đi xa hơn nhiều so với việc bảo tồn cây cầu: cần mở rộng vấn đề ra toàn bộ câu chuyện quy hoạch đô thị đang ẩn giấu phía sau câu chuyện về một dự án giao thông." - Tristan Laurent Morel cảnh báo.

Điều làm nhà quy hoạch người Pháp này quan tâm, lo lắng chính là các nghiên cứu khả thi và nghiên cứu chi tiết được thực hiện trong giai đoạn 2010 - 2011 cho thấy chủ trương quy hoạch tuyến đường sắt trên cao (đường sắt đô thị số 1) chạy xuyên qua khu nội đô lịch sử của thành phố, giữa khu vực Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long và trên nóc những ngôi nhà trong Khu phố Cổ có lịch sử ngàn năm, trong đó các nhà ga có quy mô lớn của tuyến số 1 sẽ bao trùm lên các con phố nhỏ chạy suốt từ phía bắc Khu phố Cổ cho tới ga Hà Nội, khiến cho không gian sống bị đè nặng dưới hàng tấn sắt thép và bê-tông thay vì những không gian thoáng đãng và những hàng cây cổ thụ đại diện cho xu hướng phát triển bền vững...


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc