GS Đặng Hùng Võ:Thu hồi đất, làm rõ ai được lợi

08:23, 23/04/2014
|

(VnMedia) - Khi thu hồi đất cho một dự án, hãy làm rõ xem ai được lợi gì, đừng có chuyện “đưa tay xuống gầm bàn” thì chắc chắn không người dân nào phản đối - GS Đặng Hùng Võ nói về chuyện thu hồi đất…
 

Ngày 22/4, Liên minh Đất đai và Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức hội thảo chia sẻ đề xuất kiến nghị góp ý cho Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013. Bên lề hội thảo, GS Đặng Hùng Võ đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề về quy định thu hồi đất trong Luật.

 

- Thưa GS, ông nhận xét như thế nào về các dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai mà Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa trình Chính phủ?

 

GS Đặng Hùng Võ: Trong bản dự thảo Nghị định trình Chính phủ chắc chắn sẽ có những cái mới, nhưng chúng ta hy vọng có những cái mới hơn nữa, hay nói cách khác, chúng ta hy vọng quyền lợi của những người bị thu hồi đất sẽ được bảo đảm.

 

Quyền lợi ở đây không chỉ là giá đất bằng với thị trường, mà điều quan trọng hơn là người bị mất đất có được đảm bảo cuộc sống như trước khi bị thu hồi đất hay không. Đó là điều quan trọng nhất, nhưng theo tôi, Nghị định của chúng ta hiện nay chưa đạt được điều đó.

 

Ví dụ, chúng ta vẫn thực hiện hỗ trợ mỗi người 30kg gạo/tháng trong 6 tháng, nhiều nhất là 24 tháng… nhưng khi người ta ăn hết số gạo đó thì người ta làm gì thì Nghị định không làm được.

 

Vấn đề là phải tìm được cơ chế để lợi ích của dự án đầu tư phải được chia sẻ, bởi nếu làm dự án đầu tư mà chỉ như làm nông nghiệp thì không ai làm làm gì. Tất cả chúng ta đều biết, làm dự án đầu tư phải đem lại lợi ích cao hơn nhiều so với làm nông nghiệp, vậy thì những người làm nông nghiệp trước đây được gì từ dự án đầu tư đó? Đây là câu hỏi rất lớn đặt ra đối với mỗi một quốc gia. Nếu chúng ta chỉ cho những người bị thu hồi đất số gạo ăn trong 6 tháng thì chắc chắn đó không thể gọi là lợi ích từ đầu tư.

 

Chúng ta phải tính phương án bồi thường thu nhập thật của người nông dân trước khi bị thu hồi đất là bao nhiêu, thu nhập từ sử dụng đất thực tế của mỗi một người. Đó là một nguyên tắc rất công bằng về bồi thường. Chúng ta phải đi theo hướng đó. Nhưng theo tôi biết thì việc tiếp thu cái này chắc chắn là cũng khó bởi nhiều nhà đầu tư không thích do bị tổn hại nhiều, nhưng đã chấp nhận đầu tư thì phải như vậy, không có cách nào khác.

 

Ở nước ngoài, người ta làm rất sòng phẳng, phải bồi thường tất cả mọi thứ thiệt hại, kể cả thiệt hại về tinh thần. Ngay cả khi anh lo về việc bị thu hồi đất thì người ta cũng sẽ bồi thường cả cái nỗi lo đó chứ không chỉ bồi thường về công việc hay giá đất. Rất nhiều nước đã làm được cái việc là người bị thu hồi đất sướng hơn người không bị thu hồi đất rất nhiều, như ở Mỹ, Pháp, Đức…

 

- Vậy góp ý cụ thể của Liên minh Đất đai với Nghị định này là như thế nào, thưa GS?

 

Chúng tôi góp ý là phải tính ra thiệt hại về sinh kế trước khi bị thu hồi đất là bao nhiêu. Điều này do cộng đồng xác định, có sự giám sát của chính quyền. Phải tính thu nhập trung bình của 3 năm trước khi bị thu hồi đất và mức hỗ trợ sau khi bị thu hồi đất là đúng với mức trung bình đó, trả cho từng hộ gia đình. Kể cả khi họ đã có thu nhập mới nhưng thu nhập đó không bằng thu nhập trước khi bị thu hồi đất thì vẫn phải tiếp tục thực hiện phần bù cho bằng mức trước khi bị thu hồi đất.

 

- Nhưng thực hiện điều này chắc chắn sẽ rất khó khăn, thưa GS?

 

Tôi nghĩ khó khăn nhất là nhà đầu tư không muốn mất, nhà nước cũng thấy là đã hợp lý rồi. Còn nếu muốn làm thì không khó, bởi chúng ta có cộng đồng, trong cộng đồng đều sẽ thống nhất được gia đình kia trước khi bị thu hồi đất có thu nhập là bao nhiêu. Sử dụng cộng đồng sẽ biết tất cả một cách chính xác.


Ảnh minh họa

GS Đặng Hùng Võ - ảnh: Tuệ Khanh


- Vậy, còn về phương pháp nhà đầu tư thu hồi được 70% thì nhà nước mới can thiệp thì ý kiến của ông thế nào?

 

Đây là kinh nghiệm của TP. Hồ Chí Minh, theo Nghị định 84 và đã được thực hiện rất hiệu quả. Đó là cơ chế thu hồi đất theo dự án, khi đã có nhà đầu tư. TP. Hồ Chí Minh đã yêu cầu tất cả các nhà đầu tư đều phải làm điều đó.

 

Đây là một cơ chế rất phù hợp, một cơ chế mềm tạo sự gắn kết giữa nhà đầu tư và người bị thu hồi đất. Hãy thảo luận, đồng thuận với nhau đến một mức nhất định (70%), chừa ra một số lượng người bị thu hồi đất không thiện chí (khoảng 30%). Ví dụ như số này đòi giá “trên trời”, thì nhà đầu tư không chịu được, nhà nước cũng không thể chấp nhận được thì sẽ can thiệp bằng việc thu hồi đất và bồi thường đúng như chế độ chính sách của nhà nước.

 

Làm như vậy, để người dân thấy rằng nếu quyền lợi của mình được đảm bảo rồi thì nên đồng ý đi, chứ đừng để căng quá rồi lại được nhận phần thấp hơn cả phần mà nhà đầu tư có thể trả. Đây là cơ chế thông minh của TP. Hồ Chí Minh và các dự án nên thu hồi theo cơ chế này. Tức là nhà đầu tư trực tiếp liên hệ, thương thảo với những người bị thu hồi đất, nhà nước đứng ngoài quan sát và đến một mức độ nhất định thì mới can thiệp bằng quyền lực của mình.

 

- Thế còn phương pháp cưỡng chế thu hồi đất thì sao, thưa GS?

 

TP. Hồ Chí Minh đưa ra cách làm đó bởi nó phù hợp với đặc thù của TP. Hồ Chí Minh. Còn bình thường nhà nước có thể quyết định thu hồi đất, không bàn giao đất thì cưỡng chế. Luật pháp hiện nay quy định như vậy, nhưng chúng ta có nên dùng cách đó hay không thì tôi khuyên là chúng ta không nên dùng. Mặc dù nhà nước thu hồi để phát triển, nhưng lợi ích phải cân bằng trong quá trình đầu tư phát triển. Đầu tư mà không bằng nông nghiệp thì không đầu tư làm gì.

 

Hiện nay nhiều địa phương đang dùng cơ chế cứng, nhưng nên chuyển sang cơ chế mềm, dựa vào đồng thuận.

 

Còn Đà Nẵng thì khác, họ thu hồi cơ chế theo quy hoạch từ khi chưa có nhà đầu tư. Khi đó chính quyền phải đứng ra đối thoại với dân, phải minh giải với người dân xem nếu quy hoạch lại thì tốt hơn như thế nào, người dân được gì, chính quyền được gì và các nhà đầu tư sẽ tiếp cận đất đai như thế nào.

 

Luật đất đai mới nói rằng chủ yếu sẽ thu hồi đất theo quy hoạch, vậy thì cơ chế Đà Nẵng phải trở thành cơ chế phổ biến. Thành công của Đà Nẵng là lồng việc quy hoạch đô thị gắn với thu hồi đất và tái định cư, người dân cảm thấy thỏa mãn với nơi tái định cư mới. Trong khi đó, Đà Nẵng không hề tốn tiền vào bồi thường, mà chủ yếu bồi thường bằng đất thông qua việc bố trí lại tái định cư, quy hoạch lại đô thị. Tôi cho rằng đây là một cơ chế tốt. Nhiều người cho rằng cơ chế này hơi cứng, nhưng tôi đã gặp người dân Đà Nẵng và họ không phàn nàn gì.

 

- GS có nói rằng tốt nhất là phải tạo được sự đồng thuận. Vậy thì làm cách nào để có thể dễ dàng nhận được sự đồng thuận của người dân, thưa GS?

 

Để tạo được sự đồng thuận của người dân thì chính quyền và nhà đầu tư phải làm. Phải minh giải được lợi ích của nhà đầu tư là bao nhiêu, nhà nước có cần dự án này hay không, khả năng lợi ích thu được từ dự án là bao nhiêu…

 

Cần công khai chuyện đó với người dân và cũng cần để người dân biết, họ có thể được hưởng lợi ích nào từ việc thu hồi đất đó. Nếu tất cả mọi việc công khai thì ai cũng gật đầu, bởi ai chẳng muốn đất nước này tốt đẹp hơn, giàu có hơn? Nhưng trong cái giàu có đó, ai được cái gì thì phải minh bạch. Nếu chúng ta đặt tất cả lên bàn, đừng có chuyện đi đêm, đừng có chuyện đưa tay xuống gầm bàn thì làm gì có người dân nào phản đối?

 

- Xin cảm ơn Giáo sư


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc