Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Chưa nhận được thông tin cán bộ đòi “bôi trơn”

07:21, 16/04/2014
|

(VnMedia) - Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, Bộ chỉ làm chính sách pháp luật, tham mưu là chủ yếu, còn việc thực thi cụ thể là ở các địa phương. Bản thân ông chưa trực tiếp nhận được phản ánh nào về việc cán bộ của Bộ nhũng nhiễu, đòi “bôi trơn”…

Bên lề cuộc giao lưu trực tuyến với người dân và doanh nghiệp ngày 15/4, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đã có cuộc trao đổi với báo chí về các lĩnh vực mà Bộ quản lý, trong đó đặc biệt là vấn đề đất đai.


Ảnh minh họa

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang trả lời phỏng vấn báo chí ngày 15/4 - ảnh: Tuệ Khanh


- Thưa Bộ trưởng, ngay tại thời điểm này, có tới 85% lượng câu hỏi liên quan đến đất đai. Điều này cho thấy đây vẫn là vẫn đề người dân đặc biệt quan tâm. Vậy, theo Bộ trưởng, trong thời gian tới liệu có giảm được những vụ khiếu kiện khi mà luật Đất đai sửa đổi được thực thi?

 

Qua 3 kỳ Quốc hội thảo luận và thông qua, Luật Đất đai 2013 được người dân và các nhà quản lý rất kỳ vọng. Những quy định của Luật Đất đai sẽ giải quyết cơ bản những lý do dẫn đến khiếu kiện mà luật cũ giải quyết chưa thỏa đáng, ví dụ như thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, giá đất, quyền của người dân, của nhà nước…. Đi theo đó là các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thì tôi tin tưởng rằng sẽ góp phần rất lớn để giải quyết những nguyện vọng của người dân và thực tiễn cuộc sống đặt ra.

 

- Trong số 700 câu hỏi gửi đến, Bộ trưởng có cảm thấy “giật mình” trước câu hỏi nào cho thấy chính sách đang có vấn đề?

 

Giữa chính sách và thực tế quả thật vẫn có những khoảng cách. Nhưng thông qua giao lưu trực tuyến, cán bộ công chức của chúng tôi sẽ hiểu những thực tiễn đã diễn ra và phải làm thế nào để nâng cao trình độ của mình. Tuy nhiên, những câu hỏi này cũng chỉ là những điều diễn ra trong cuộc sống hàng ngày, có thể cónhững vấn đề mà văn bản pháp luật chưa đề cập hết thì sẽ tiếp tục cần hoàn thiện bổ sung.

 

- Qua các câu hỏi, Bộ trưởng nhận xét gì về nhận thức của người dân trước các quy định mới?

 

Hiện nay chúng ta đang ở giai đoạn giao thoa giữa luật cũ và luật mới nên từ nhận thức đến hành động phải có một bước chuyển. Tới đây, khi các thông tư, nghị định ban hành, sẽ có một bước rất quan trọng là chuyển những nội dung này đến người dân và doanh nghiệp để họ hiểu và nghiêm chỉnh thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

 

- Khi Luật Đất đai có hiệu lực thì theo Bộ trưởng, những người thực thi cần phải có tinh thần như thế nào khi thực hiện chủ trương về thu hồi đất?

 

Tôi cho rằng vấn đề quan trọng là quyền của nhà nước và quyền của người dân. Trước hết, phải khẳng định đất đai là sở hữu toàn dân nhưng do Nhà nước đại diện. Trừ quyền sở hữu thì người dân có rất nhiều quyền khác. Đất đai là sinh kế của người dân nên vấn đề thu hồi đất phải được đặc biệt quan tâm. Quá trình chuẩn bị luật và nghị định liên quan đến thu hồi đã được bàn rất kỹ. Nhà nước chỉ thu hồi cho các mục đích quốc gia, công cộng, còn đối với dự án thương mại thì phải thoả thuận. Luật mới sẽ xử lý một cách thỏa đáng việc thu hồi tuỳ tiện, thu hồi mà không đưa vào sử dụng như thời gian vừa qua.

 

- Có một vấn đề là hiện nay việc thực thi chính sách về đất đai ở các địa phương cũng chưa thực sự nghiêm. Theo Bộ trưởng, cần phải làm gì để giải quyết tình trạng này?

 

Theo tôi, điều quan trọng là cần phải minh bạch để người dân hiểu biết và giám sát. Tôi rất buồn vì người ta đánh giá đây là lĩnh vực nhũng nhiễu tương đối nhiều, nhất là ở các địa bàn phức tạp. Chúng tôi đã ban hành các quy định về đạo đức của người cán bộ công chức trong ngành tài nguyên môi trường. Tuy nhiên, Bộ chủ yếu làm thể chế, văn bản pháp luật, làm công tác tham mưu, còn quản lí trực tiếp phải là các địa phương. Nhiều tỉnh cũng đã xử lý cán bộ lợi dụng chức vụ của mình để làm việc này việc khác.

 

- Từ khi nhận chức Tư lệnh ngành, ông đã bao giờ nhận được thông tin phản ánh về việc có cán bộ nhũng nhiễu, đòi “bôi trơn”…? Nếu có thì Bộ trưởng đã xử lý cán bộ như thế nào?

 

Thực ra nói tôi là Tư lệnh ngành là không chính xác, vì Bộ chỉ làm công tác tham mưu, làm chính sách pháp luật là chính, việc thực thi như thủ tục cấp đất… là ở địa phương. Họ quản lý trực tiếp hoạt động của cán bộ. Đối với cơ quan bộ cũng có ít nhiều liên quan đến các thủ tục đất đai, công tác thanh tra kiểm tra… nhưng  tôi chưa trực tiếp nhận được phản ánh nào từ người dân.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc