Kinh tế Nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo

07:27, 05/06/2013
|

(VnMedia) - Nền kinh tế của nước ta là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, do vậy phải có một thành phần kinh tế giữ vai trò định hướng và vai trò đó phải là kinh tế nhà nước...

 

Phát biểu góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, một số đại biểu đề nghị quy định nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu thành phần kinh tế, nhưng trong đó nền kinh tế nhà nước là chủ đạo.

 

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) cho biết đồng ý chọn phương án 2, nhưng tại Khoản 1 ngoài “nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu thành phần kinh tế” thì bổ sung thêm là không ngừng được củng cố và để trở thành nền tảng vững chắc và là động lực của nền kinh tế quốc dân, trong đó kinh tế nhà nước là chủ đạo.

 

Lý do mà đại biểu này đưa ra là nếu như theo phương án 1 thì quá chi tiết, nhưng vẫn còn thiếu, còn phương án 3 thì xem nhẹ nền kinh tế nhà nước, mà thực tế trong những năm qua, kinh tế nhà nước đã thực hiện tốt vai trò chủ đạo của mình, góp phần phát triển đất nước, thúc đẩy an sinh xã hội.

 

“Tuy rằng thời gian qua vẫn còn bất cập do quản lý và sai sót không nhỏ dẫn đến mất lòng tin trong nhân dân, nhưng vọng rằng, qua việc sửa đổi này kinh tế nhà nước sẽ được củng cố và phát huy hơn nữa vai trò chủ đạo của mình” – đại biểu Trịnh Ngọc Phương phát biểu.

Ảnh minh họa


Trong khi đó, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) cũng cho biết, ông nhất trí phương án 2, tức là nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

 

Cũng chọn phương án 2, đại biểu Hà Văn Khoát (Bắc Kạn)lý giải: “thể hiện phương án 2 đảm bảo ngắn, gọn nhưng đủ ý và đủ 2 nội dung đó là "Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" và "nền kinh tế Việt Nam với nhiều kinh tế nhiều thành phần trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo".

 

“Chúng ta khẳng định kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhất thiết phải xác định kinh tế giữ vai trò chủ đạo. Ở đây chúng ta đề cập là kinh tế nhà nước chứ không phải là doanh nghiệp nhà nước” – đại biểu Hà Văn Khoát giải thích.

 

Trong khi đó, đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu ) nhấn mạnh, cần phải khẳng định được xu hướng phát triển tất yếu của nền kinh tế, đó là định hướng xã hội chủ nghĩa. “Để thực hiện định hướng xã hội chủ nghĩa thì cần phải có mục tiêu, phương tiện để thực hiện. đó là gắn với vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước. Như vậy tôi thống nhất với phương án thứ hai” – đại biểu tỉnh Lai Châu nói.

 

Đối với phương án thứ 3 không quy định vị trí, vai trò của kinh tế Nhà nước, đại biểu Bùi Đức Thụ “e rằng điều đó sẽ khó khăn trong việc thực hiện, xác định đâu là mục tiêu cần xây dựng”.

 

“Chúng ta không thể định hướng xã hội chủ nghĩa được nếu như kinh tế Nhà nước của chúng ta yếu, không đủ thực lực để điều tiết, giải quyết các vấn đề đó.” – đại biểu Bùi Đức Thụ nói.

 

Cũng đồng ý phương án 2, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) khẳng định: “Nền kinh tế của nước ta là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, do vậy phải có một thành phần kinh tế giữ vai trò định hướng nền kinh tế đó. Do vậy tôi cho rằng vai trò đó phải là kinh tế nhà nước. Sự chưa hiệu quả lúc này, lúc khác trên thực tế của thành phần kinh tế này là do cơ chế quản lý kinh tế và năng lực quản lý điều hành chứ không phải do vai trò của nó. Khẳng định vai trò chủ đạo, định hướng của thành phần kinh tế nhà nước là cần thiết và chỉ cần hiến định thành phần kinh tế nhà nước này là đủ. Bởi vậy quy định như phương án 2 của dự thảo là hợp lý” – đại biểu tỉnh Kon Tum nhấn mạnh.

 

Giải thích cho việc lựa chọn phương án 2, đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (TP Hải Phòng) nói rằng, phương án này diễn đạt ngắn gọn, súc tích đầy đủ trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo nhằm điều tiết kinh tế vĩ mô, bám sát tinh thần Cương lĩnh của Đảng, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời quán triệt Nghị quyết Trung ương 2, khóa 11 về triển khai thực hiện chủ trương nghiên cứu sửa đổi bổ sung Hiến pháp năm 1992, trong đó xác định chế độ kinh tế của nước ta là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội Chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

 

 3 phương án trong Dự thảo:


Phương án 1: Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển, kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Kinh tế đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển.


Phương án 2: Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

Phương án 3: Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế.


Ngọc Quỳnh

Ý kiến bạn đọc